Xuất hiện hình thức dùng game ngoại cạnh tranh game nội

Nút Chuối  - Theo PLXH | 30/09/2014 04:25 PM

Việc “dựa lưng” bản Việt hóa của game đang được phát hành tại nước ngoài để cạnh tranh trực tiếp với game nội địa sẽ còn tái diễn.

Một trong những câu chuyện đang trở nên rất nóng tại làng game Việt vài ngày qua chính là câu chuyện của một tựa game online nhưng có tới… hai nhà phát hành tại thị trường Việt Nam. Đó chính là MicroVolts và những chiêu bài cạnh tranh giữa hai nhà phát hành là DzoGame và GoPlay.

Thách thức GoPlay, Dzogame thông báo sẽ ra bản Việt hóa MicroVolts

Cụ thể hơn, NPH GoPlay đã lên tiếng xác nhận việc phát hành phiên bản Việt hóa của tựa game bắn súng góc nhìn thứ 3 MicroVolts tại nước ta dưới tên gọi Xạ Chiến, đồng thời lên tiếng khẳng định rằng tựa game MicroVolts của Dzogame chỉ là bản tiếng Anh mà thôi.

Tuy nhiên việc Dzogame tung ra phiên bản tiếng Việt của một sản phẩm sắp được đối thủ sắp tung ra tại làng game Việt cho thấy đây là một chiêu cạnh tranh mới vô cùng tinh vi và gần như chưa từng xuất hiện tại nước ta từ trước tới nay.

Càng ngày số lượng các game lậu càng đông đảo tại Việt Nam (Hình minh họa).

Trước đây, những NPH game online Việt Nam thường phải vô cùng dè chừng những NPH vừa và nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực game online không phép, hay còn được gọi bằng cái tên “game lậu”. Lý do là, ngay cả khi có những tài liệu hợp pháp về việc một tựa game được doanh nghiệp chủ quản chuyển giao bản quyền, thì những doanh nghiệp làm game lậu vẫn có thể thoải mái phát hành tựa game này với một cái tên khác.

Trong một bài viết trước đây phân tích sâu về “cộng đồng” game lậu tại nước ta, chúng tôi đã đem tới cho các bạn cái nhìn rõ hơn về việc một doanh nghiệp game lậu làm như thế nào để đưa một game online về nước phát hành theo dạng không phép:

Đã từ lâu tồn tại những nhóm “dev”, những kẻ săn lùng mã nguồn game online được tung lên mạng internet, cũng như những nhóm “đục đẽo”, debug mã nguồn game online lậu tại thị trường Việt Nam. Nhờ kinh nghiệm và kỹ năng bản thân, các 'nhóm dev' sẽ tìm mọi cách để chọc vào source code, cố gắng để có thể cài đặt nó lên máy chủ và vận hành được ổn định nhất có thể.

Một game bị chia sẻ mã nguồn và nhiều khả năng sẽ thành game lậu tại Việt Nam.

Nhờ đó, một tựa game cho dù chẳng có ai chuyển giao bản quyền và hỗ trợ update vẫn có thể được phát hành tại làng game Việt, dĩ nhiên là dưới một vòng đời rất ngắn.

Tuy nhiên câu chuyện của Dzogame và GoPlay lại khác hoàn toàn. Dzogame không hề lấy source code được chia sẻ trái phép trên internet như những trường hợp được chúng tôi mô tả ở trên, chính vì thế không thể nào kết luận rằng họ làm game online “lậu”.

Thay vào đó, dựa trên phiên bản nước ngoài, NPH này mở website tiếng Việt và thậm chí là hứa hẹn sẽ có cả phiên bản Việt hóa dành cho những game thủ thưởng thức MicroVolts do họ quản lý.

Xuất hiện hình thức dùng game ngoại cạnh tranh game nội

Việc những game online phát hành tại nước ngoài sở hữu bản Việt Hóa không còn là điều quá xa lạ với những game thủ Việt. Lấy ví dụ hai tựa game do Asiasoft phát hành tại thị trường Đông Nam Á là Chaos Online và gần đây nhất là Strife, tựa game được đưa tin sẽ ra mắt bản tiếng Việt trong thời gian tới đây.

Cách thức hoạt động là vậy, dĩ nhiên việc xuất hiện bản Việt hóa của một game online nước ngoài sẽ giúp cho game thủ Việt tiếp cận game dễ dàng hơn. Đó là điều tích cực. Thế nhưng khi những “bản Việt hóa” bị biến tướng để trở thành công cụ cạnh tranh trực tiếp với phiên bản Việt có bản quyền của chính tựa game đó, thì mọi việc sẽ trở nên không hay chút nào.

Sau sự việc giữa Dzogame và GoPlay, chắc chắn việc “dựa lưng” bản Việt hóa của game đang được phát hành tại bước ngoài để cạnh tranh trực tiếp với game nội địa sẽ còn tái diễn. Nó sẽ khiến cho các NPH phải chịu nhiều thiệt hại, nhất là những doanh nghiệp đã bỏ tiền mua bản quyền phát hành game tại nước ta.

>> Game lậu luồn lách về Việt Nam như thế nào