Webgame ở làng game Việt - Ngày ấy, bây giờ

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/10/2015 0:00 AM

Có thể chắc chắn một điều, trong vòng 3 năm nữa, webgame vẫn sẽ là nguồn thu chủ yếu của một số NPH game nước ta.

Tính đến thời điểm này, làng game Việt đã có được “chiều dài” lịch sử nhiều năm ròng rã với những cái tên đến và đi. Một số cái tên trở thành huyền thoại làng game online, trong khi cũng không ít cái tên khác phải ngậm ngùi ra đi trong đắng cay mặc dù kỳ vọng của NPH đặt vào chúng không hề nhỏ một chút nào.

Thế nhưng giờ đây, cụm từ đầu tiên khi nhắc tới thị trường game online Việt Nam của đại đa số game thủ lại là… webgame. Dĩ nhiên, với xu thế hiện tại, cộng với những lợi thế rõ ràng của webgame đối với nhà phát hành cũng như cơ sở hạ tầng hiện nay tại Việt Nam, việc các NPH đã và đang tiếp tục đầu tư vào thể loại game online này cũng là điều không có gì khó hiểu.

Có lẽ sẽ là thừa thãi khi đề cập tới những lợi ích mà webgame mang lại (hoặc đã từng) cho các nhà phát hành game online Việt Nam trong thời kỳ vô cùng khó khăn vài năm về trước, khi việc đưa những game online mới với những tính năng đột phá về phục vụ game thủ vẫn là một canh bạc ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

Webgame dễ mua, dễ hoạt động, cũng như không yêu cầu vòng đời hoạt động quá dài hơi. Nói một cách ngắn gọn, trong 1 năm, việc một nhà phát hành cùng lúc tung ra nhiều webgame không phải là điều gì đó quá đáng ngạc nhiên.

Chưa dừng lại ở đó, webgame nhờ vào việc hoạt động trên nền tảng trình duyệt nên đôi khi không cần game thủ phải sở hữu một cỗ máy với cấu hình quá khủng khiếp để có thể chiến tốt những tựa game như vậy. Đó là cái lợi ở thị trường Việt Nam, khi mặt bằng cấu hình máy tính vẫn còn chênh lệch rất cao.

Thế nhưng chính vì đặc điểm này, cộng thêm việc không ít các nhà phát hành vừa và nhỏ tại Việt Nam đã sử dụng những webgame chất lượng thấp làm công cụ tìm kiếm lợi nhuận, mà trong thời gian dài vừa qua, webgame nói chung đã bị không ít người gán cho cái nhìn thiếu thiện cảm.

Không phải là nói quá khi chúng ta hoàn toàn có thể tìm được những bình luận như “rác Tàu” trong những phần giới thiệu webgame mới chuẩn bị ra mắt. Trong nhiều trường hợp, một cách khách quan, quả thật một số webgame chỉ sở hữu chất lượng ở mức trung bình thấp.

Một điều nữa cũng cần phải nói đến, đó là với sự phát triển của game online Việt Nam, auto đã trở thành một trong những thứ không thể thiếu với đại đa số game thủ nước nhà.

Trong vài năm trở lại đây, cơn lốc webgame nổi dậy càng làm cho việc auto game trở thành một thói quen khó bỏ. Để thu hút sự quan tâm của người chơi, phần lớn các webgame đều có phần mềm auto tích hợp sẵn. Game thủ chỉ đơn giản click và click khiến trò chơi phần nào mất đi sự hấp dẫn vốn có và có vẻ như auto đang khiến game thủ ngày một lười biếng hơn.

Việc cố xúy cho lối chơi nhấn chuột tự động sẽ khiến cộng đồng game thủ phân rã, mất tính đoàn kết bang hội và tương tác lẫn nhau. Người chơi cũng không thể khám phá hết các tính năng hấp dẫn của game do hệ thống auto tự động trong game đã hướng dẫn quá cặn kẽ, trang bị quá chu đáo. Dần dà, đây trở thành một thói quen xấu khó bỏ của phần lớn người chơi. Có gì lạ đâu khi chỉ cần nhấn chuột theo mũi tên hướng dẫn là có thể hoàn thành nhiệm vụ, vào game chỉ cần pk là đủ?

Thế nhưng mặt tích cực của auto (trong webgame nói riêng) cũng từ đó thể hiện. Có thể nói auto tích hợp trong những webgame nhập vai đã và đang hoạt động tại Việt Nam đã hoàn thành khá xuất sắc một nhiệm vụ mà ít ai để ý tới: Định hình lại phần nào thói quen chơi game của người Việt Nam. Thay vì ngồi cả ngày cày kéo tăng level hay đi tham gia những event hàng ngày trong game, việc làm quen với những webgame đã rút ngắn đáng kể khoảng thời gian chơi game online của một bộ phận không nhỏ game thủ Việt.

Ở một chừng mực nhất định, những game thủ đi học hoặc đã đi làm sẽ cảm thấy khoảng thời gian chơi game mang tính giải trí rất cao, vừa có thể luyện cấp nhanh chóng trong thời gian rảnh, lại vừa không phải lo nghĩ đến câu chuyện trang bị và đua top, ảnh hưởng tới công việc.

Bài toán nan giải cho bất kỳ nhà phát hành game online Việt Nam nào xuất phát chính từ những ưu, nhược điểm của webgame được đề cập trên đây. Làm sao để có được một tựa game có chất lượng tốt nhưng vẫn dễ chơi, dễ thưởng thức là điều các NPH đang đau đầu đi tìm lời giải đáp.

Ấy là chưa kể, ấn tượng đầu tiên của game thủ với những MMO chính là đồ họa. Nếu đồ họa không ấn tượng và thôi thúc gamer chơi thử, khả năng thành công của tựa game sẽ bị suy giảm một phần. Điều may mắn là ở thời điểm hiện tại, đã có không ít những lựa chọn webgame với đồ họa đẹp và lối chơi dễ nắm bắt được ra mắt.

Chính vì lẽ đó, những game bom tấn lần lượt đến và đi, webgame thì có thời kỳ của nó, vì giờ đây các nhà phát hành đã nhận ra cái lợi ích quá rõ ràng của một thị trường khác đang mạnh không kém: Game mobile. Game mobile và webgame đã và đang song hành tại thị trường game Việt với hàng loạt những cái tên lớn. Dĩ nhiên ngày tàn của webgame rồi sẽ tới trong tương lai, nhưng thời điểm đó là lúc nào, chúng ta không thể nào biết chắc chắn được. Chỉ có thể chắc chắn một điều, trong vòng 3 năm nữa, webgame vẫn sẽ là nguồn thu chủ yếu của một số NPH game nước ta.