Vận hội đã tới, ngành game Việt có kịp nắm bắt?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/03/2015 0:00 AM

Ngay từ đầu năm 2015 này, những người làm game Việt Nam đang có trước mắt cơ hội rất lớn

Cuối cùng thì một trong những cơ hội rất lớn đã tới đến với không chỉ những người làm game trên toàn thế giới nói chung, mà còn cả cộng đồng phát triển game Việt Nam nói riêng. Trong sự kiện GDC 2015 đang diễn ra, hàng loạt engine phát triển game đình đám, từ Unreal Engine 4 cho tới Source 2 đã được công bố sẽ miễn phí hoàn toàn trong quá trình phát triển.

_MG_4104_resize

Thế nhưng, đứng trước một vận hội lớn như vậy, liệu ngành phát triển game nước ta có kịp nắm bắt ngay trong năm 2015 này, để tiếp tục danh sách những tựa game “made in Vietnam” tạo được sức hút trên toàn thế giới, giống như hàng loạt những game mobile đã tạo ra một năm 2014 đầy thành công cho ngành game nước nhà?

Nhiều người nói rằng, với đam mê, con người sẽ có thể làm nên tất cả. Thế nhưng có lẽ, cụm từ “tất cả” ở đây nên loại trừ game ra. Bởi lẽ, tôi đã từng thấy không ít những dự án làm game của những sinh viên hay những game thủ đầy tâm huyết rốt cuộc đều đã bị dẹp vào một góc, mỗi người một nơi với nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng hàng ngày.

Nghề viết game và những định kiến sai lầm

Từ đó, câu chuyện làm game Việt Nam, đam mê và khát vọng làm giàu từ game lại được lật lại, đi kèm với đó là những lời khuyên từ những game thủ, những nhà làm game Việt, những người đã trải qua những thành công và thất bại trên con đường họ đã chọn.

Nếu không có đam mê, thì những thứ bạn làm sẽ giống như việc bạn bị bắt ép hoàn thành một công việc mình không thích một chút nào. Điều này cố nhiên là chính xác. Thế nhưng với game, đam mê của bạn không thể nào được xếp vào vị trí thứ nhất trong số những điều kiện cần có để tạo ra một tựa game hay.

Thay vào đó, vốn phát triển, những đồng tiền quý giá mới là thứ giữ chân những người tài giỏi nhất ở lại với một dự án game. Chỉ khi vòng quay cơm áo gạo tiền không còn là nỗi lo canh cánh, một người làm game mới có thể toàn tâm toàn ý bỏ công sức chăm chút cho sản phẩm mình đang theo đuổi.

Thăm trụ sở công ty chuyên làm game bom tấn của thế giới

Quay trở lại vấn đề game engine. Nếu xét riêng tại Việt Nam, trước đây để sở hữu bản quyền một engine game phục vụ cho việc phát triển game, số tiền cần phải bỏ ra là không hề nhỏ. Đó cũng là nguyên do lớn nhất khiến chất lượng đồ họa của nhiều sản phẩm game do người Việt tạo ra vẫn chưa thể nào bắt kịp với phần còn lại của thế giới.

Thế nhưng thực trạng đó có thể sắp thay đổi.

Với những dự án game trước đây, những người làm game Việt thường bị gò bó trong việc lựa chọn engine làm game vì túi tiền có hạn. Chính vì thế một điều khiến cho cộng đồng game thủ không mấy mặn mà với nhiều sản phẩm do người Việt tạo ra nằm ở chính phần hình ảnh của những tựa game đó. Chúng thiếu đi một chút gì đó lôi cuốn, một chút gì đó hào nhoáng, thứ thu hút rất nhiều game thủ Việt ở thời điểm hiện tại.

Gặp gỡ Zonmob Studio - Ăn mỳ gói vẫn cố gắng làm game Việt

Có lẽ khỏi cần nói nhiều về những bộ engine đình đám như Source 2 hay Unreal, bởi lẽ chúng ta đã được chứng kiến quá nhiều sản phẩm cao cấp, thậm chí được xếp vào hàng bom tấn được dựng từ những bộ công cụ rất mạnh như thế này: Portal series, Titanfall, Batman: Arkham series,… Dưới bàn tay của những con người Việt Nam đầy tài năng, hoàn toàn có thể tin tưởng vào những tựa game đầy hấp dẫn sẽ ra lò khi đặt những bộ công cụ rất mạnh này vào tay họ.

Tuy nhiên vẫn còn đó những nỗi lo. Nếu như Project HIT được coi như một trong số những dự án game mobile bom tấn đầu tiên sử dụng Unreal Engine 4 đang thu hút được rất nhiều sự chú ý, thì một trong những trào lưu gần đây mà không ít nhà phát triển game Việt Nam đang mắc phải lại vô tình cầm chân chúng ta trong cuộc đua phát triển.

Xu thế chủ yếu của nhiều nhà phát triển game chính là việc tạo ra những tựa game casual hay những game nhỏ để rút ngắn thời gian phát triển, nhanh quay vòng vốn, trái ngược với những studio game lớn như Emobi Games hay Games Studio South/North của VNG. Trong khi đó một tư tưởng khác đang khiến dân dev game Việt chậm dần chính là thói quen làm game kiểu sao chép.

Ban đầu, việc copy những sản phẩm game đã đón nhận được những thành công trên thế giới có vẻ là một ý tưởng hay để giúp Việt Nam không quá tụt hậu so với ngành game thế giới. Thế nhưng về lâu về dài, việc copy “quá đà” đã tạo ra những sản phẩm có vòng đòi thấp, đồng thời tạo ra cho một bộ phận dân làm game Việt thói quen “lười”, không chịu sáng tạo, chỉ sao chép game cho nhanh để đẩy lên các cửa hàng ứng dụng ảo…

Mạn đàm về những con người làm game Việt 5

Tổng kết lại, với những thay đổi ngay từ đầu năm 2015 này, những người làm game Việt Nam đang có trước mắt cơ hội rất lớn để tiếp tục nhen nhóm ngọn lửa làm game Việt. Câu hỏi chỉ là, liệu chúng ta có đủ nhanh nhạy để nắm bắt nó hay không.

>> Dân làm game Việt cần làm gì khi năm 2015 tới?