Toàn cảnh làng game Việt trong quý 1/2012

SmiLe  | 27/03/2012 0:00 AM

Cùng đánh giá lại làng game Việt trong 3 tháng đầu năm nay.

Vẫn "bội thực" Webgame
 
Điều đầu tiên chúng ta phải nói đến ở đây chính là việc các Webgame vẫn đang thống trị làng game Việt. Từ đầu năm 2012 cho tới nay, hàng loạt các Webgame kiếm hiệp mới "cùng mẹ" 4399 được đưa về nước như Lục Mạch Thần Kiếm, Cửu Thiên, Hùng Bá Thiên Hạ... đã khiến cho game thủ nước nhà thật sự "bội thực" về thể loại này. Với những đặc điểm như chơi vài tháng là vắng tanh, đồ họa xấu, gameplay trùng lặp... việc các Webgame nhập vai này được phát hành chỉ khiến cho game thủ Việt thất vọng và nâng cao giá trị của những MMO cài đặt.
 
 
Tuy nhiên, trong số các Webgame nhập vai được mở cửa từ đầu năm cho tới nay thì Crystal Saga và Thần Giới lại khá "hút" người chơi. Có lẽ, vì không phải là do 4399 sản xuất nên 2 Webgame này sở hữu những điểm đặc sắc riêng biệt về gameplay so với các sản phẩm cùng loại.
 
Ngoài ra, chúng ta cũng không thể không nhắc đến các Webgame chiến thuật. Trong thời gian gần đây, liên tiếp 2 Webgame chiến thuật có lối chơi y hệt "Tam Quốc Truyền Kỳ" được phát hành ở Việt Nam là Ngũ Hổ Tướng, Tam Quốc Truyền Kỳ 2... khiến hiện tại, gần như các Webgame chiến thuật đã được định nghĩa chung là phải có lối phát triển giống như trong... Tam Quốc Truyền Kỳ.
 
 
Điều đáng nói là trong thời gian tới, các Webgame vẫn sẽ được ồ ạt được về Việt Nam.
 
Làng game Việt bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh
 
Nếu như trong suốt năm 2011, các NPH Việt chỉ dám hoạt động cầm chừng dựa trên những MMO cũ hay phát hành thêm Webgame mới để duy trì hoạt động thì cho tới tháng 3 vừa qua, có vẻ như rào cản từ các Nhà Quản Lý đã dần được gỡ bỏ.
 
 
Bằng chứng của việc này là trong tháng 3 này, hàng loạt MMO Client được ra mắt với lời hứa "chắc chắn sẽ được phát hành" như World of Tanks, Giáng Long Chi Kiếm... đã bắt đầu mở cửa. Ngay lập tức, chúng đã nhận được lời đón nhận nồng nhiệt từ phía game thủ Việt, đặc biệt là World of Tanks. Ngoài ra, hàng loạt MMO Client khác nữa cũng đang rục rịch về nước như Thành Cát Tư Hãn, Thủy Hử Truyền Kỳ...
 
Một dấu hiệu khá rõ ràng nữa cho thấy làng game Việt bắt đầu hồi sinh khi vào ngày 15/3 vừa qua, FPT Online đã chính thức phát hành Dragonica chứ không phải là server nước ngoài, phiên bản Việt như trước kia. Điều này cũng có nghĩa là các MMO Client bắt đầu được quảng cáo rộng rãi để thu hút thêm người chơi.
 
Vẫn chỉ là game Trung Quốc
 
Ngoài World of Tanks là tựa game online "đỉnh" được thế giới công nhận ra thì điều đáng tiếc là các MMORPG còn lại được đưa về nước vẫn là "hàng Tàu". Nếu như đây là "hàng Tàu chất lượng cao" thì cũng chẳng sao, điều đáng nói là có vẻ như đây vẫn chỉ là những tựa game không quá đặc biệt với gameplay "cũ" như những MMO từng được phát hành trước đây ở Việt Nam.
 
 
Qua những tấm screenshot được giới thiệu, có thể thấy, những MMO như Thành Cát Tư Hãn, Thủy Hử Truyền Kỳ, Tam Giới Online... dù là những game 3D nhưng đồ họa của chúng vẫn chỉ ở mức trung bình, không quá 2.5D là bao. Thậm chí, Giáng Long Chi Kiếm - MMORPG đặc sắc nhất từ đầu năm cho tới nay vẫn nhận phải nhiều lời chê rằng đồ họa quá... xấu.
 
Có lẽ, để có thể thực sự được chơi "phiên bản Việt" của những MMO hàng đầu Trung Quốc hiện nay như Cửu Âm Chân Kinh, Tiếu Ngạo Giang Hồ... thì dân cày Việt vẫn còn phải đợi từ 2 cho tới 3 năm nữa.
 
Các fanpage không còn thu hút game thủ
 
Nếu như trước đây, các fanpage (trên facebook) của game luôn thu hút sự quan tâm đông đảo của người chơi với cả trăm lượt bình luận mỗi topic thì hiện nay, có vẻ như game thủ Việt đã "chán" và quay lại với các diễn đàn truyền thống.
 
 
Tuy nhiên, trên thực tế thì việc game thủ không quan tâm tới các fanpage nữa một phần cũng là do hiện nay, cộng đồng gamer Việt bị phân tán rải rác ở các Webgame khác nhau. Số lượng Webgame phát hành quá nhiều và liên tục đã khiến chúng không thể gây dựng được một cộng đồng người chơi đông và tâm huyết.
 
Tình trạng chơi game kiểu "mỳ ăn liền" diễn ra ở khắp các Webgame trong khi NPH cứ chăm chăm mở thêm server mới đang ngày càng trở nên phổ biến.
 
 
 
Xem thêm:

game online