Thấy gì khi các ông lớn cũng bắt đầu làm game online?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 03/07/2013 0:00 AM

Tháng 7 của chúng ta chắc chắn sẽ là một khoảng thời gian vô cùng rực rỡ cho bất kỳ game thủ đam mê game online nào tại Việt Nam.

Một trong những tin tức khiến cho cộng đồng game thủ Việt Nam xôn xao vào ngày hôm qua chính là việc Viettel cùng Mwork tung ra tựa game online nền di động đầu tiên của họ mang tên Music Arena. Bên cạnh việc tựa game được phát triển bởi 100% nhân lực người Việt, cộng với nội dung dễ thu hút bộ phận người sử dụng di động trẻ tuổi, thì việc một trong những đại gia ngành viễn thông mới là điều không it người trong làng game Việt quan tâm.

Thấy gì khi các ông lớn cũng bắt đầu làm game online? 1

Một điều rõ ràng là với những cái tên cực kỳ hứa hẹn như Tinh Thần Biến, Hoành Tảo Thiên Hạ hay Phong Thần Vô Song, tháng 7 của chúng ta chắc chắn sẽ là một khoảng thời gian vô cùng rực rỡ cho bất kỳ game thủ đam mê game online nào tại Việt Nam. Cộng thêm việc những ông lớn, những đại gia cũng đang có những bước đầu tiên tấn công vào thị trường game online, rất có thể thị trường game online Việt Nam sẽ cực kỳ hứa hẹn trong thời gian tới đây.

Đầm rồng hang cọp

Không phải tự nhiên mà ngay cả một tựa game tưởng chừng như đã bị VNG đắp chiếu như Võ lâm Truyền Kỳ 3D lại được thử nghiệm trong khoảng thời gian này. Và cũng không phải vô tình mà cùng lúc, không ít các nhà phát hành game online Việt Nam lại cùng lúc đem về nước những game hay, game “hot” về chiều lòng cộng đồng game thủ Việt Nam.

Thấy gì khi các ông lớn cũng bắt đầu làm game online? 2

Trước đây không lâu, cụ thể là vào đầu tháng 04, chúng tôi cũng đã đưa tin về việc một ông lớn khác của làng viễn thông Việt Nam là Vinaphone đã bắt đầu triển khai cổng thông tin game online mang tên Vgame

Vào thời điểm đó, không ít người đã đưa ra nhận định rằng thị trường game online trong nước đã đánh dấu sự có mặt của ông lớn làng viễn thông đầu tiên. Nếu Vinaphone thành công với Vgame, thì hầu như sẽ chẳng có lý do gì để những đại gia còn lại đứng ngoài cuộc chơi này cả. Đến khi đó, có thể khẳng định một cách chắc chắn làng game Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh và phong phú về chủng loại game hơn nhiều so với hiện tại.

Thấy gì khi các ông lớn cũng bắt đầu làm game online? 3

Và quả thật, diễn biến của thị trường hoàn toàn không nằm ngoài dự liệu của giới chuyên môn. Viettel đã chính thức đặt chân tham gia cuộc chơi game online, và chưa biết chừng, trong tương lai, sẽ có nhiều hơn những game trực tuyến dành cho nền tảng di động, từ feature phone đến smartphone hay thậm chí là cả máy tính bảng được chính các đơn vị lớn tại Việt Nam phát triển hoặc phát hành.

Làng game sẽ cởi mở hơn

Đó cũng chính là một trong những nguyện vọng của không chỉ cộng đồng game thủ mà còn là những nhà phát hành, thậm chí là cả những đại gia làng game Việt. Trong ngày hôm nay, cuộc hội thảo với chủ đề thực trạng cung cấp dịch vụ game online tại Việt Nam hiện nay sẽ được diễn ra. Tất cả đều hy vọng rằng nó sẽ là tiền đề để đưa ngành game online nước nhà chuyển sang giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ mà vẫn chấp hành đúng theo quy định của pháp luật.

Thấy gì khi các ông lớn cũng bắt đầu làm game online? 4

Kể từ giữa năm 2010 đến nay thị trường game online Việt Nam gần như lâm vào cảnh đóng băng. Các sản phẩm nhập về nước rất khó được cấp phép, trong khi đó game lậu vẫn tràn lan trong cộng đồng. 3 năm nay tất cả các NPH và game thủ đều trông đợi một Quy chế quản lý mới để ngành game có cơ hội phát triển và đứng vững trước nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thị phần.

Chính vì thế, nếu mọi chuyện diễn ra một cách thuận lợi, rất có thể trong tương lai, làng game online Việt Nam sẽ trở nên cởi mở hơn rất nhiều. Các đơn vị phát hành game có thể xin cấp phép cho những sản phẩm của họ. Cộng với việc Quy chế quản lý mới có thể được ban hành, những tựa game online bị cộng đồng tẩy chay, phê phán là game “rác”, mà hầu hết đều là những webgame Trung Quốc sẽ dần biến mất, nhường chỗ cho những game online hay, đáng chơi.

Thấy gì khi các ông lớn cũng bắt đầu làm game online? 5

Một khi làng game online trong nước trở nên “thông thoáng” hơn, điều tất yếu xảy ra chính là sự tham gia của những ông lớn, như Vinaphone hay Viettel chẳng hạn. Với sức mạnh từ cộng đồng người sử dụng dịch vụ đông đảo, thì việc bắt đầu rục rịch tấn công vào ngành kinh doanh trò chơi trực tuyến rõ ràng là bước đi cần thiết để họ, những đại gia không bị rơi vào thế bị động do chậm chân trong cuộc đua tranh giành thị phần của một thị trường vô cùng béo bở.