"Thà khổ sở chơi game tiếng Anh còn hơn Việt hóa"

PV  | 13/04/2012 0:00 AM

Có vẻ như càng ngày, sự phụ thuộc của tín đồ ảo nước nhà vào phiên bản game Việt hóa càng trở nên nhạt nhòa dần.

Đối với cộng đồng fan hâm mộ game offline tại Việt Nam, vấn đề khác biệt về mặt ngôn ngữ in-game đã trở nên quá quen thuộc (vì 99% đều phải chơi phiên bản tiếng Anh). Tuy nhiên với các tín đồ thế giới ảo online thì khác, trong 6, 7 năm qua đa phần họ vẫn trải nghiệm phiên bản tiếng Việt một cách dễ dàng.
 
Vẫn biết lực lượng thường xuyên tìm tòi và gắn bó với server nước ngoài là không ít, nhưng đó chỉ là một phần rất, rất nhỏ trong tổng số hàng triệu gamer tại dải đất hình chữ S. Có điều, số lượng họ đang tăng dần đều và gây nên hiệu ứng "thà chơi tại các máy chủ tiếng Anh còn hơn là tiếng Việt" hay "game hay đấy nhưng thà đừng về nước còn hơn".
 

World of Tanks là một trong những MMO mà fan hâm mộ thích chơi "ngoại" hơn "nội".
 
Vì đâu?
 
Tâm sự trên nghe có vẻ vô lý, nhưng nó phản ánh phần nào hiện trạng thị trường game online nước nhà hiện tại. Sau nhiều năm chấp nhận gắn bó với các NPH nội, tín đồ ảo Việt đã không còn "gà mờ" như trước, họ tiếp cận rất nhanh với thế giới bên ngoài và từ đó so sánh, cân đong đo đếm với làng game trong nước.
 
Theo dõi các bảng thống kê game online chất lượng cao hoặc đông người chơi trên thế giới, ngoài những cái tên đã quá "đỉnh cao" như WoW ra thì rất nhiều sản phẩm gạo cội đã từng cập bến dải đất hình chữ S. Đơn cử như Cabal, Hiệp Khách Giang Hồ, Gunbound, Kiếm Tiên, GE, Atlantica... thế nhưng đa phần chúng đều thất bại thảm hại hoặc rơi vào tình trạng ảm đạm.
 

Webgame về nước ngày càng nhiều, trong khi game hay lại đóng cửa.
 
Trong khi đó, webgame được nhập về ngày càng nhiều bất chấp việc thị trường đã gần như bão hòa. Lúc này các doanh nghiệp chỉ còn biết cố thu lời trong giai đoạn khó khăn không thể nhập thêm MMO cài đặt về nước.
 
"Quá tam ba bận" - Nhưng đây đã lên tới hàng... trăm bận, vì thế không có gì khó hiểu khi người chơi nước nhà bắt đầu lỳ đòn, quay sang tẩy chay chính các MMO nội. Nhất là những ai đã và đang quen gắn bó với server nước ngoài thì lại càng có con mắt nhìn gay gắt hơn nữa, với họ, game nào về nước là cầm chắc tương lai... đen tối.
 
Có thể đơn cử như trường hợp của Aion, trước đây khi có thông tin rằng bom tấn xứ Hàn này đã thuộc về Asiasoft và có khả năng phát hành tại Việt Nam, thay vì vui mừng, nhiều cá nhân lại bi quan cho rằng thế là số phận nó đã "an bài". Hay khi có tin DBO, VLTK 3 về nước, cư dân mạng cũng "làu bàu" không ít.
 

Ý thức của gamer ngoại thường được đánh giá cao hơn Việt Nam.
 
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa dẫn tới việc các gamer gạo cội thường không muốn chơi bản Việt hóa là vì họ gắn bó với bản tiếng Anh từ trước, đã quen với tên gọi của các kỹ năng và cảm thấy chúng được chuyển ngữ quá "sến" đến độ không chấp nhận nổi. VGE từng gặp phải vấn đề này và mất nhiều fan hâm mộ cũng vì thế.
 
Nói tới công việc chuyển ngữ, những lỗi lặt vặt của đội ngũ phiên dịch (chủ yếu do họ ít chơi game nên dịch thuần các từ "chuyên ngành") cũng là vấn đề không nhỏ với dân cày. Chỉ cần sai một chi tiết nhỏ trong tính năng của một món đồ là giá trị của nó đã thay đổi một trời một vực, chênh nhau hàng triệu VNĐ chứ không ít.
 
Năm qua, khi nguồn GO ngoại về nước giảm trầm trọng khiến cư dân mạng đổ sang server nước ngoài nhiều hơn, càng khiến họ "dạn dĩ" với ngôn ngữ tiếng Anh, khó trách được họ ăn đồ ngon rồi quay lại nhìn "rau muống với tương cà" thì không chán sao được.
 
Sự thật như thế nào?
 
Trước tiên phải công nhận một điều rằng chất lượng game phát hành trong nước đa phần không thể so sánh được với nước ngoài (nhất là phương Tây). Việc NPH chỉnh sửa quá nhiều gameplay hoặc giá trị item để điều chỉnh thế giới ảo theo ý mình vô hình chung đã phá vỡ kết cấu hoàn chỉnh của một MMO hay.
 
Nhưng phải biết rằng, có Việt hóa thì game online tại Việt Nam mới phát triển như ngày nay. Đối với nhiều người, chuyện có chuyển ngữ hay không chỉ là vấn đề nhỏ vì họ có thể đọc hiểu tiếng Anh (hoặc tiếng Trung) dễ dàng, nhưng đa phần tín đồ ảo nước nhà vẫn còn rất kém về khoản ngoại ngữ, gần như "mù đặc" khi đọc tiếng Anh.
 

Dẫu không muốn, game thủ Việt cũng khó có cách lựa chọn khác.
 
Hai là với bất kỳ thị trường nào, những năm đầu đời cũng gặp nhiều chông gai, Việt Nam cũng vậy. Trước nay thực chất chúng ta mới chỉ phân phối game chứ chưa bước vào tự sản xuất nên còn nhiều thiếu sót trong kinh nghiệm vận hành trò chơi, phải phụ thuộc quá nhiều vào đối tác nước ngoài. Khó có thể đòi hỏi được gì ở các NPH khi chính họ cũng sôi máu mỗi lần chờ NSX fix lỗi, trong khi gamer thì kêu gào trên diễn đàn.
 
Ba là chấp nhận chơi game nước ngoài đồng nghĩa với việc game thủ phải đứng trước nguy cơ khó nạp thẻ, khó mua đồ và gần như chơi chỉ cho vui là chính (dĩ nhiên vẫn có người có thể chi trả được nhưng đại đa số tín đồ ảo trong nước còn rất mù mờ khoản giao dịch qua tài khoản ngân hàng). Họ cũng khó tận hưởng niềm vui event nếu như event đó chỉ dành cho thị trường ngoài nước, trong khi tại Việt Nam thì mọi chuyện "xôm" hơn nhiều.
 
Nói chung vì những nguyên nhân trên nên dù có chán nản, gamer Việt cũng không thể xa rời thị trường nội địa. Tuy nhiên không vì thế mà các NPH cứ mãi vin vào lợi thế của mình để mang về hàng loạt sản phẩm chất lượng thấp, nếu không có sự điều chỉnh hợp lý thì dần dần làng game nước nhà sẽ chỉ còn là vùng đất "chết" mà thôi.
Xem thêm:

game online