Soi lại tất tần tật hỷ nộ ái ố của gamer Việt 4 tháng đầu năm

Nghi Lâm  | 27/04/2011 0:00 AM

Một phần 3 của năm 2011 đã sắp kết thúc, bạn có tự hỏi thời gian qua làng game Việt xảy ra những câu chuyện gì đáng chú ý hay không?

Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà làng game Việt đã trải qua 4 tháng đầu năm 2011. 120 ngày gần đây là quãng thời gian mà thị trường MMO nước nhà thể hiện sự chuyển mình không nhỏ nếu so với thời gian ảm đạm cùng cực cuối năm ngoái, lượng thông tin mà tín đồ ảo nhận được cũng lên đến con số khổng lồ.
 
Và để bạn không phải "ngụp lặn" trong mớ thông tin ấy, chúng ta hãy cùng đúc kết lại những điểm sáng gây xôn xao cho cộng đồng game thủ nhất sau "1/3" vòng đời của năm 2011. Qua đó phần nào giúp mỗi người tự đánh giá được thế giới ảo Việt Nam đang "tiến" hay "lùi".
 
Gần 10 đầu game mới - 1 đóng cửa
 
Nếu như tính cả 6 tháng cuối năm 2010, thị trường game Việt chỉ ghi nhận được 2, 3 MMO cập bến, thì chỉ trong quý 1 và 1/3 quý 2 năm 2011 đã có tới xấp xỉ 10 đầu game mới về nước. Nói một cách chính xác hơn thì thời điểm cuối tháng 03, đầu tháng 04 là lúc thông tin về chúng xuất hiện dồn dập nhất.
 

Thần Bài là dự án đình đám nhất 4 tháng đầu năm 2011.
 
Có thể dễ dàng điểm qua những cái tên mới như Thần Tiên Vui Vẻ, Loong Online, Thần Bài, Cửu Đỉnh, Vương Triều Chiến, Âu Lạc Online, Giáng Long Chi Kiếm, Minh Châu... đó là chưa tính đến cặp đôi Elsword (VNG) - Dragonica (FPT) đã được bật mí từ năm ngoái và 2 tựa game sắp "đổi đời" là Tru Tiên 3Xích Bích 2.
 
Trong số các trò chơi trên, gây chú ý cho gamer nhất có lẽ vẫn là dự án Thần Bài của xGo và Loong Online phiên bản Việt. Có điều một bên thì gây thất vọng do khác xa Yugi-Oh, một bên lại gặp vấn đề với đường truyền và khâu dịch vụ do không phát hành trực tiếp tại Việt Nam.
 

Game mới về dồn dập nhưng chỉ có Band Master đóng cửa.
 
Đáng chú ý là trong tất cả các MMO đã mở cửa, hiếm có sản phẩm nào mang đồ họa 3D mà chủ yếu chỉ dừng lại ở thể loại webgame. Điều này phản ánh đúng thực trạng là các NPH lớn đều "giữ hàng" không chịu tung ra vì bị kiểm duyệt gắt gao, trong khi đó một số doanh nghiệp tầm trung hoặc nhỏ lại tận dụng cơ hội ít cạnh tranh này để kinh doanh.
 
Một điểm thú vị nữa là qua 4 tháng đầu năm, mới chỉ có đúng 1 game phải nói lời vĩnh biệt, đó chính là Band Master. VTC Game dù hứa hẹn sẽ cải tổ trò chơi trong năm 2011 nhưng rốt cuộc phải bó tay vì không hợp thị hiếu giới trẻ bằng Audition.
 
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của game thuần Việt
 
Sau khi VTC Studio hé lộ và tiến hành thử nghiệm SQUAD hồi cuối năm 2010, hàng loạt dự án thuần Việt khác bắt đầu được quảng bá. Riêng phía VTC đã show tới 2 dự án mới là Generation 3 và Showbiz, phía FPT giới thiệu B-kool, VNG trình làng project S, các NSX nhỏ khác như MusicKing và FGame cũng không chịu thua.
 

SQUAD vẫn dẫn đầu các sản phẩm thuần Việt.
 
Thống kê lại, lúc này có khoảng 9 dự án game online "made in Việt Nam" đã được tung ra cho các phương tiện truyền thông khai thác thông tin. Đó là chưa kể tới tựa game FPS "offline" mang tên mã 7554 - Điện Biên Phủ của Emobi Studio gây chấn động cư dân mạng nhờ nền tảng đồ họa quá đẹp của mình.
 
Hiện tại, mới chỉ có 3 trong các đầu sản phẩm trên thực sự ra mắt game thủ nội địa (SQUAD - GE - Showbiz), còn lại vẫn trong giai đoạn hoàn thiện. Có điều với số lượng lớn như trên đã đề cập thì giấc mơ một ngày "hàng nội" cạnh tranh với "hàng ngoại" chắc không còn xa nữa.
 

7554 là dự án "made in VN" với đồ họa ấn tượng nhất.
 
Những vụ "lừa tình" tiếp tục diễn ra
 
Với việc gây tin đồn sắp phát hành Cửu Âm Chân Kinh, VTC Game đã mở màn cho phong trào "lừa tình" bằng website teaser trong năm 2011, bất chấp việc xu hướng này đã bị bắt thóp kể từ năm 2010. Scandal này thành công vang dội khi có tới hàng chục nghìn game thủ tin là thật, mãi tới đầu tháng 01 mọi chuyện mới vỡ lở trang teaser "Cửu" chỉ để quảng bá cho TLHK.
 

Phi vụ "Cửu" của VTC khiến hàng nghìn gamer chưng hửng.
 
Tiếp sau đó, một số NPH khác cũng "học" theo cách làm này, điển hình như việc FPT cho ra mắt trang teaser Cường Đô la hay Thủy Tiên để quảng bá cho các webgame của mình. Có điều lúc này cư dân mạng đã "khôn" hơn nhiều và chẳng cách nào dụ được họ quan tâm nữa.
 
Tâm lý nghi ngờ và dè chừng trên lan tới cả ngày Cá tháng 4 và biến ngày này thành ngày nói dối ảm đạm nhất đối với làng game Việt suốt nhiều năm qua. Đơn giản vì bất kỳ tin tức nóng hổi nào mới được tung ra đã bị vùi dập nhanh chóng bằng hàng loạt bài viết "bóc mẽ", ngay cả các NPH cũng chấp nhận "im hơi lặng tiếng" chứ không ai muốn tung tin đồn nữa.
 

Teaser "Cường Đôla" - Tàn dư còn sót lại của phong trào lừa tình.
 
Phong trào đại sứ le lói trở lại
 
Bặt vô âm tín gần như suốt năm 2010, mãi tới đầu năm 2011 này phong trào mời nhân vật nổi tiếng làm đại sứ game mới trở lại Việt Nam. Khởi đầu từ việc người mẫu 12 tuổi Lê Hoàng Bảo Trân được SaigonTel ký hợp đồng quảng bá cho các MMO của hãng, trước đó mỹ nữ này từng đồng ý làm đại sứ cho tựa game Túy Tiêu Dao của Trung Quốc.
 

Bảo Trân tại trụ sở SaigonTel.
 
Vụ việc Bảo Trân làm đại sứ gây xôn xao cho gamer Việt suốt nửa tháng trời, và ngay sau đó tới lượt quân bài người mẫu Lê Kiều Như được SGame tung vào chiến dịch quảng bá Thần Tiên Vui Vẻ của mình. Dẫu cuối cùng không trở thành đại sứ thành công nhưng bộ ảnh của nữ tác giả "Sợi Xích" cũng khiến cư dân mạng bàn tán rầm rộ.
 


Triệu Mẫn - nữ gamer TLBB xinh đẹp.
 
Gần đây, cuộc thi sắc đẹp của TLBB cũng ghi nhận trường hợp nữ gamer Nguyễn Ngọc Hiền với nickname "Triệu Mẫn" gây chú ý không nhỏ. Những bộ cosplay của cô nàng sinh năm 1989 này tỏ ra gần gũi với tín đồ ảo hơn so với các vị "đại sứ" bên trên. Xu thế sử dụng chính game thủ để quảng bá cho trò chơi đang dễ tạo thiện cảm cho cộng đồng hơn hẳn.
 
Các phi vụ tiền tỷ ít hẳn
 
Nếu như giờ này năm ngoái chúng ta còn phải sửng sốt trước những cuộc bạo chi của BeoKaKa hay SaoMai (Kiếm Thế), thì 4 tháng đầu năm 2011 không ghi nhận nhiều vụ scandal tiền tỷ nữa. Ngoại trừ sự cố nạp nhầm 2,5 tỷ VNĐ gây chấn động cộng đồng TGHM Việt, sau đó BQT DECO đã phải xin lỗi người chơi và giải quyết vụ việc êm thấm.
 

Kiếm Thế vẫn là điểm sáng "đốt tiền tỷ" dù ít hơn năm ngoái.
 
Đáng chú ý hơn cả có lẽ là cuộc đụng độ vô tiền khoáng hậu giữa hai đội hình có giá ngót ngét vài chục tỷ VNĐ trong khuôn khổ giải đấu BHVS Kiếm Thế hồi giữa tháng 01. Theo tính toán sơ bộ thì khoản tiền mà 2 đội đổ vào đội hình nhân vật ảo của mình lên tới gần... 20 tỷ VNĐ, con số quá khổng lồ.
 
Đây là cuộc chiến được coi là hấp dẫn nhất từ trước tới nay khi nó tập trung được hầu hết các cái tên danh tiếng như SaoMai, BeoKaKa, HanLongKa... và nó cũng là trận đấu có "giá" nhất khi phần thưởng dành cho đội thắng được định giá vào khoảng 1 tỷ đồng.