Sát Thát Truyền Kỳ và nỗi buồn game Việt Nam

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 16/01/2014 12:22 AM

Các studio game Việt Nam đã và đang phải hứng chịu không ít khó khăn.

Tin buồn đầu tiên của năm mới 2014 rốt cuộc cũng đã được hé lộ vào ngày hôm qua. Đối với những game thủ Việt, những người đang mong chờ những sản phẩm do chính bàn tay người Việt Nam chúng ta thực hiện, rất khó có thể diễn tả sự thất vọng và nỗi buồn bằng lời. Trong khi đó đối với các nhà làm game Việt Nam,  trong thời kỳ gian khó, việc một trong những đầu tàu trong ngành phát triển game quyết định hoãn một dự án lớn vô thời hạn cũng khiến họ có phần nào chùn bước.

Sát Thát Truyền Kỳ và nỗi buồn game Việt Nam 1

Rõ ràng, bên cạnh những dự định, những tựa game đang trong quá trình phát triển suôn sẻ của các studio game Việt, thì nhiều vấn đề vẫn đang chực chờ để gây khó khăn cho các nhà làm game trong nước.

Nếu như trong những bài viết trước đây, nhiều vấn đề nảy sinh như không nắm bắt được thị trường, hay chất lượng game do người Việt làm ra chưa tương xứng với kỳ vọng của cộng đồng game thủ, thì nay, một vấn đề rất lớn đã và đang gây ra nỗi buồn bao trùm toàn bộ làng game Việt. Đó chính là vấn đề vốn phát triển.

Vòng quay luẩn quẩn

Bản thân ông Nguyễn Tuấn Huy, giám đốc Emobi Games cũng đã chia sẻ: "Ban đầu, chúng tôi định phát triển một bản demo hoàn chỉnh, rồi trên cơ sở đó, thu hút đầu tư hoặc tìm kiếm sự hợp tác với các nhà phát hành. Tuy nhiên, rất tiếc là chúng tôi đã không hoàn thành được mục tiêu đề ra. Vì lí do đó, studio đã không tìm kiếm được các sự hợp tác cần thiết để đưa dự án đến đích mà mình mong muốn..."

Sát Thát Truyền Kỳ và nỗi buồn game Việt Nam 2

Đối với bất kỳ dự án game nào trên thế giới, vốn phát triển là thứ cực kỳ quan trọng để đem lại thành công cho cả dự án. Lý do rất đơn giản, nếu không có vốn, hàng loạt những khâu chính yếu của một tựa game sẽ khó có thể được hoàn thiện theo đúng ý của studio. Ấy là chưa kể đến việc chi trả phí cho nhân công, những người góp sức tạo nên sản phẩm đem tới cho cộng đồng game thủ.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, một tựa game được xếp vào hàng “bom tấn” cần khoảng 100.000 USD để có thể phát triển. Ở thời điểm hiện tại, thống kê cho thấy, một game đa nền để phát triển cần khoảng từ 18 đến 28 triệu USD (gần 400 đến gần 600 tỷ Đồng) để phát triển. Cá biệt có những sản phẩm có số vốn bỏ ra để sản xuất có thể lên đến gần 300 triệu USD như GTA V đình đám (số liệu Wikipedia). Dĩ nhiên, đắt thì thường xắt ra miếng.

Sát Thát Truyền Kỳ và nỗi buồn game Việt Nam 3

Từ những con số đó cho thấy, để có thể tạo ra một game (cả offline lẫn online), công sức, khả năng là một chuyện, thứ cơ bản để tạo ra những công sức đó không gì khác hơn là vốn. Không có tiền, lấy gì đảm bảo các họa sỹ, các lập trình viên cho game sẽ làm việc với tối thiểu 100% khả năng, khi mối lo cơm áo gạo tiền vẫn đang canh cánh?

Góc nhìn nhà phát hành

Đối với các NPH game Việt Nam, việc đầu tư vài tỷ đến vài chục tỷ Đồng cho các studio làm game giống như việc đánh một canh bạc mà “cửa thắng” của họ vô cùng nhỏ bé. Thay vào đó, việc bỏ tiền ra mua các sản phẩm đến từ các quốc gia khác như Hàn Quốc hay Trung Quốc, giống như những gì đã và đang diễn ra trở thành lựa chọn an toàn hơn rất nhiều.

Sát Thát Truyền Kỳ và nỗi buồn game Việt Nam 4

Họ có lý do riêng cho điều này. Khi những sản phẩm được phát triển trong nước hoặc chưa đáp ứng được chất lượng cần có, hoặc không thu hút được cộng đồng người chơi do nhà phát triển không theo kịp chuyển động thị trường, việc đầu tư ắt dẫn tới thất bại. Đó cũng là lý do khiến cho các studio game Việt Nam đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi không có vốn liếng để tiếp tục theo đuổi những dự định của mình.

Cần một sự thay đổi

Việt Nam chúng ta đang là một quốc gia “nhập siêu” xét về mảng game. Điều này ở thời điểm hiện tại đã đem lại những tác động ảnh hưởng đến chính bản thân thị trường trong nước. Đầu tiên là việc nhiều nhà phát hành nước ngoài, hầu hết là Trung Quốc bắt đầu tiến công thị trường với doanh thu hàng năm lên đến 6.000 tỷ Đồng đầy màu mỡ của chúng ta.

Sát Thát Truyền Kỳ và nỗi buồn game Việt Nam 5

Nếu chỉ thâm nhập thị trường thì khó có thể sử dụng động từ “gây ảnh hưởng” như ở trên. Một vài NPH như thế này đã triển khai không ít chiêu trò để thu hút cộng đồng game thủ thưởng thức những sản phẩm được phát hành dưới dạng game không phép của mình, để lại không ít hậu quả cho làng game.

Tác động thứ hai chính là việc ngành phát triển game nội địa cũng bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Trong năm 2013 vừa qua, các studio game Việt đã phải hứng chịu không ít khó khăn, thậm chí một số phải đóng cửa, như trường hợp của VTC Studio là một ví dụ.

Sát Thát Truyền Kỳ và nỗi buồn game Việt Nam 6

Nếu bỏ quên mảng phát triển game, chính bản thân ngành game Việt Nam sẽ tự bỏ qua một phần thị trường cực kỳ béo bở, và từ đó để ngỏ, cho phép các NPH nước ngoài tiếp cận và chào bán game một cách thoải mái. Một thị trường lớn tại châu Á về game như Việt Nam, nếu không có sự quan tâm đúng mức của những doanh nghiệp trong ngành, sẽ mãi đi theo cảnh mua game, thay vì tự tạo ra những sản phẩm mang bản sắc riêng của đất nước.