Phát hành lại game cũ ở Việt Nam: Cả thèm chóng chán!

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 11/11/2012 0:00 AM

Có thể thấy là trong 1 năm trở lại đây, phong trào hồi sinh game cũ bắt đầu xuất hiện và được lan rộng.

Có thể thấy là trong 1 năm trở lại đây, phong trào hồi sinh game cũ bắt đầu xuất hiện và được lan rộng, bắt đầu từ việc Dzogame phát hành Hiệp Khách Giang Hồ và cho tới nay đã kéo theo Maple Story, Cửu Long Tranh Bá. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là những MMO được "hồi sinh" lại rơi vào tình trạng hoạt động khá "cầm chừng" chỉ sau một vài tháng kể từ khi ra mắt.
 
Chính bản thân game online đã quá "nhàm chán"
 
Việc đóng cửa một trò chơi trực tuyến là điều rất đỗi bình thường đối với thị trường game thế giới, Việt Nam cũng vậy. Dẫu vậy đối với đa phần game thủ thì không ai mong muốn một kết cục đáng buồn, vì thế họ thường cố gắng tác động đến NPH để thay đổi quan điểm dù biết gần như chẳng bao giờ thành công.
 
Phát hành lại game cũ ở Việt Nam: Cả thèm chóng chán! 1
 
Đầu tiên, chúng ta không thể phủ nhận bên cạnh những nguyên nhân khách quan từ bên ngoài như NPH phục vụ kém, không quan tâm đến game, xuất hiện lỗi hack... thì nguyên nhân chủ quan đến từ chính MMO đó đã không còn đủ sức thu hút game thủ cũng không thể bỏ qua. Có thể, nhiều người cho rằng nguyên nhân game không còn ai chơi là do game xuất hiện hack, lỗi bug nhưng không được quan tâm, game thủ chán nản, bỏ game... nhưng sự thực lại không hoàn toàn như vậy.
 
Hãy thử nhìn xem những tựa game có rất nhiều hack như Đột Kích nhưng vẫn rất đông người chơi hay nhiều MMO tuổi thọ đến 6, 7 năm như Võ Lâm Truyền Kỳ hay MU Online nhưng vẫn sở hữu một cộng đồng game thủ đông đảo và trung thành. Ở đây, có thể nhận định rằng nếu một game bị đóng cửa thì chắc chắn, chính bản thân của trò chơi đó chưa đủ để hấp dẫn game thủ chứ không phải hoàn toàn nguyên nhân đều là các yếu tố khách quan. Từ đây, có thể thấy rằng MMO đó chưa thực sự phù hợp ở Việt Nam nên mới phải đóng cửa.
 
Phát hành lại game cũ ở Việt Nam: Cả thèm chóng chán! 2
 
Hơn thế nữa, một tựa game nếu như là đã được "hồi sinh" thì thường là những MMO đã được phát hành từ 3, 4 thậm chí 5 năm trước, và nền tảng đồ họa của chúng thì lại đã "cũ" và "xấu" so với những game online hiện nay rồi. Do vậy, ngoài cộng đồng game thủ cũ vốn đã khá ít ỏi ra thì các MMO này rất khó để tạo ấn tượng cũng như thu hút game lượng game thủ mới, vốn là một yếu tố quan trọng để một tựa game online trở nên đông khách.
 
Tâm lý cả thèm chóng chán của game thủ Việt
 
Điều đáng bàn cãi hơn chính là tâm lý "cả thèm chóng chán" của game thủ Việt đang khiến cho rất nhiều game online phải "sống dở chết dở". Khi mà trong những ngày đầu, lượng người chơi đăng nhập vào rất đông nhưng chỉ khoảng 1, 2 tháng sau, một bộ phận người chơi lại đột nhiên biến mất khiến cho server trở nên vắng vẻ.
 
Phát hành lại game cũ ở Việt Nam: Cả thèm chóng chán! 3
 
Trên thực tế, hiện nay, rất nhiều game thủ Việt thường chỉ "chơi game theo xu hướng", nghĩa là họ chỉ chơi được một thời gian rồi chán mà bỏ để chuyển sang chơi game mới. Có thể trong thời gian đầu, họ cảm thấy khá hứng khởi nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những người này rất nhanh "cả thèm chóng chán" rồi dừng cuộc chơi. Tất nhiên, chúng ta cũng chẳng có quyền bắt bẻ gì bởi chơi hay nghỉ là quyền của mỗi người. Thế nhưng, trong số những gamer nghỉ thì rất nhiều người đã từng lên tiếng ủng hộ việc game online đó cần được hồi sinh và sau khi họ chơi được một thời gian ngắn thì lại chán nản rồi bỏ.
 
Cái tâm lý "cả thèm chóng chán" này thực ra cũng khá dễ hiểu. Game thủ Việt "chán" là bởi khi mà người ta không được đứng top, không được làm "siêu nhân" và bị một số game thủ khác bỏ xa level hay chỉ số trang bị, lúc này, họ bỏ sang chơi server mới hay bỏ hẳn game. Cái chán thứ 2 ở đây là nếu trước kia, họ đã từng chơi qua MMO này rồi nên sẽ nhanh chóng cảm thấy "chán" vì phải chơi lại một tựa game đã cũ mèm, không còn tính khám phá. Điều này cũng giống như việc ta đã phá đảo một tựa game nào đó rồi thường sẽ xóa hay rất ngại chơi lại vậy.
 
Phát hành lại game cũ ở Việt Nam: Cả thèm chóng chán! 4
 
Tình trạng này đã khiến cho đôi lúc, nhiều người bị "ngộ nhận" về độ hot của một game online khiến các NPH cũng lầm tưởng khi cho rằng MMO đó vẫn đang sở hữu một cộng đồng game thủ trung thành. Tuy nhiên, thực tế thì rất nhiều với tâm lý "bầy đàn" theo kiểu "có thêm game online mới về thì càng tốt chứ sao" chứ không thực sự đam mê và gắn bó với trò chơi đó. Chính vì vậy, chúng ta cũng không quá ngạc nhiên khi nhiều MMORPG từng được hàng chục ngàn game thủ kêu gọi hồi sinh nhưng chỉ sau vài ba tháng là đã bắt đầu mất khách.