“Núp bóng” game nổi tiếng – Lợi và hại cho nhà phát hành

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 11/06/2013 12:30 AM

Tuy rằng có khá ít các nhà phát hành sử dụng cách làm này, thế nhưng hiệu ứng của phuong pháp này luôn rất lớn.

Từ trước tới nay, không ít những chiêu quảng bá game online Việt Nam đã lần lượt được chúng tôi phân tích và đăng tải thông qua không ít những bài viết trong thời gian gần đây: Từ việc sử dụng những mỹ nhân để quảng bá cho game, thông qua những bộ ảnh cosplay hay “phong tặng” cho họ danh hiệu đại sứ của một tựa game. Hay giật gân hơn là việc sử dụng những cửa sổ pop-up và những hình ảnh hở hang của những cô đào để quảng bá cho tựa game của mình.

“Núp bóng” game nổi tiếng – Lợi và hại cho nhà phát hành 1

Thế nhưng nếu bỏ qua một cách quảng bá game được đề cập trong ngày hôm nay, thì chắc chắn danh sách những cách quảng cáo game online tại Việt Nam sẽ thiếu hẳn đi một  “ứng viên” khá nổi bật. Đó chính là việc “dựa hơi” những tựa game hay những tác phẩm nổi tiếng mà nhiều người biết tới, không chỉ game thủ.

Tuy rằng có khá ít các nhà phát hành sử dụng cách làm này, thế nhưng hiệu ứng của phuong pháp này luôn rất lớn. Đáng tiếc, hiệu ứng lớn này mang giá trị tích cực hay tiêu cực thường phụ thuộc rất nhiều vào cách triển khai quảng bá của các NPH.

Game đỉnh, truyện tranh nổi tiếng, tất cả cùng lên sàn

Cách đây chỉ vài tháng, một trang teaser cực kỳ ấn tượng đã xuất hiện. Trong đó, cùng lúc hai tựa game, hai tượng đài game online và offline của làng game thế giới cùng lúc góp mặt: Assassin’s CreedWorld of Warcraft. Gần như ngay lập tức, ngay trong cộng đồng game thủ Việt đã nổi lên một cơn bão về danh tính của tựa game đằng sau trang teaser này.

“Núp bóng” game nổi tiếng – Lợi và hại cho nhà phát hành 2

Thế rồi tựa game cũng đã chính thức ra mắt. Tuy nhiên thật không may, tựa game của chúng ta lại là một webgame không hơn không kém, với cái tên từng tạo ra không ít tranh cãi trong cộng đồng game thủ. Rốt cuộc, cách sử dụng những cái tên lớn của nhà phát hành nọ lại dẫn tới tình trạng gậy ông đập lưng ông.

Thế nhưng cách quảng bá game online như thế này vẫn là sự lựa chọn không tồi với một số nhà phát hành khác.

“Núp bóng” game nổi tiếng – Lợi và hại cho nhà phát hành 3

Chẳng hạn với cái tên Áo Giáp Vàng Online, hay gần đây nhất là Fairy Tail, khi mới lần đầu nghe qua cái tên, chắc chắn họ sẽ nghĩ tới một tựa game online dựa trên những bộ truyện tranh nổi tiếng đến từ Nhật Bản. Họ sẽ vào thử nghiệm game để xem tựa game online dựa trên bộ truyện họ yêu thích ra sao. Ở một chừng mực nhất định, nhà phát hành sẽ cảm tháy thỏa mãn với chiến dịch quảng bá game của họ.

Có lợi cho NPH, và dĩ nhiên cũng có hại

Đầu tiên phải đồng ý về lợi ích của việc quảng bá game dựa trên những bộ truyện tranh, những bộ phim nổi tiếng, hay thậm chí là những game đỉnh khác. Đó chính là hiệu ứng ban đầu của cộng đồng. Người sử dụng internet, người hâm mộ game và cả những game thủ sẽ cảm thấy tò mò hay thậm chí có thể bị cuốn hút với những gì nhà phát hành game “úp mở”, và cố gắng tìm hiểu về chúng, thậm chí là chờ đợi để được thử nghiệm tựa game.

Càng tạo được hiệu ứng tốt trong cộng đồng, càng kích thích trí tò mò bao nhiêu thì khi tựa game ra mắt, số lượng game thủ chờ đợi để được thưởng thức tựa game cũng càng nhiều hơn. Tuy nhiên khi đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đôi khi với một tựa game có nội dung không liên quan hoặc chỉ dựa một phần trên những tác phẩm nổi tiếng, nếu nội dung game thực sự hay, phần đông game thủ sẽ bỏ qua cảm giác bị ‘gạt’ mà tiếp tục thưởng thức game.

“Núp bóng” game nổi tiếng – Lợi và hại cho nhà phát hành 4

Đó cũng là điểm bất cập của cách quảng bá game dựa trên những tác phẩm nổi tiếng. Ngay khi phát hiện ra những điểm bất hợp lý trong cơ chế game hay trong quá trình quảng bá, phần lớn là liên quan tới nội dung những bộ truyện, không trùng khớp với những gì họ biết, vấn đề sẽ nảy sinh.

Tạm kết

Quảng bá game online dựa trên những tác phẩm nổi tiếng hoàn toàn không phải là điều đáng lên án. Trái lại, việc sở hữu một phần cốt truyện của những tác phẩm kinh điển phần nào sẽ khiến cho game online mang một dáng dấp lạ hơn, tránh được sự nhàm chán cho những game thủ hay những người đã quen với tác phẩm nguyên gốc.

Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng phương pháp này, cộng với việc game không hội tụ đủ sự lôi cuốn cần thiết, thì việc game thủ quay lưng lại với chính tựa game lẫn nhà phát hành sẽ chỉ là điều xảy ra sớm hay muộn mà thôi.