Nỗi bế tắc của game thuần Việt tại chính... Việt Nam

PV  | 24/12/2011 0:00 AM

Nếu không có được thành công bước đầu, khó mà mơ đến một tương lai tươi sáng.

Chiều qua, tôi gặp chị bán hàng của Emobi ở tầng 7 của tòa nhà Parkson Hùng Vương. Chị ngồi bên xấp tờ rơi và đoạn trailer quảng bá cho 7554, game FPS đầu tiên của người Việt. Mỗi người đi qua đều nhận được một tờ quảng cáo và được tư vấn cặn kẽ về game, tuy nhiên, rất ít người dừng lại.
 
Tôi hỏi chị về lượng đĩa đã bán được trong mấy ngày qua, và được chị chìa cho số cùi hóa đơn đã bán. Có lẽ là đã bán được khoảng vài chục đĩa, trong vòng 7 ngày ngồi ở một trong những khu vui chơi nhộn nhịp nhất Sài Gòn.
 
Game Việt và nỗi lo ngay ngáy về đầu ra

Cái mác “nội địa” dường như là điềm gở cho rất nhiều mặt hàng. Cái tâm lý tự ti của người Việt đã dẫn đến thái độ sính hàng ngoại và luôn nghĩ đồ nội địa chất lượng “lởm”. Đau đớn thay chúng vẫn chưa thể thay đổi được một sớm một chiều, và game Việt cũng là một mặt hàng hứng chịu sự ghẻ lạnh của chính người Việt.



Nhớ lại game Thuận Thiên Kiếm, ông Lê Hồng Minh từng chia sẻ là nó ngốn mất của công ty 25 tỷ VND tiền đầu tư. Không biết đến thời điểm này nó đã lấy lại được phần vốn chưa, nhưng chắc chắn rằng, nếu không được chăm chút nhiều, nó đã đóng cửa từ lâu bởi sự ghẻ lạnh của game thủ nước nhà.
 
Đó cũng là tình trạng chung của hầu hết các game mang mác “thuần Việt”. Jay online ra mắt cũng đã lâu, và cũng đã chìm vào quên lãng. Không có bao nhiêu game thủ biết đến game, càng ít người mày mò chơi, và trong số người chơi, những người gắn bó còn ít hơn nữa. Thật khó khăn để họ gắn bó với một tựa game do nước nhà sản xuất.

Chắc hẳn rằng khi ấp ủ ước mơ làm game, các nhà sản xuất non trẻ của nước nhà đều hiểu rõ rằng đó là một chuyện phiêu lưu. Làm game đồng nghĩa với việc phải đầu tư kha khá tiền, nhưng ra mắt chưa chắc có lãi. Nhiều tấm gương nhãn tiền đó sẽ là bài học làm chùn chân những ai có ý định, và với nhiều người, mơ ước mãi chỉ là ước mơ.



Vì sao game Việt chưa thể thành công?

Trước đây, khi xu hướng làm game Việt đang bắt đầu rộ lên, có nhiều ý kiến bảo rằng: “Tại sao phải chơi game thuần Việt nếu như nó dở?”. Có lẽ cho đến lúc này, khá nhiều game thủ vẫn giữ lập trường đó. Và không ít người vẫn ủng hộ ý kiến đó như một điều hiển nhiên.
 
Qủa thật, khi chơi một game dở, chắc chắn là không ai muốn gắn bó với nó. Chất lượng là điều game thủ luôn mong ngóng. Không ai ủng hộ một tựa game vừa xấu vừa dở. Vấn đề là thật sự game thuần Việt có dở hay không?

Thử nhìn lại chất lượng các tựa game. Jay online có đồ họa hoạt hình ngộ nghĩnh như con nít, các kiểu nhảy khá giống những game dance hiện thời. Nó đúng là không thể sánh được với các game cùng thể loại. Cũng dễ hiểu thôi khi nó không phải là sản phẩm được đầu tư tốn kém.



Thuận Thiên Kiếm
lấy bối cảnh lịch sử nước nhà, với nền đồ họa tạm chấp nhận được ở thời điểm đó. Nếu so với các game 2D mà VNG đang sở hữu, có lẽ Thuận Thiên Kiếm cũng không thua kém bao nhiêu. Liệu có phải là game thủ đang so sánh nó với những game hàng đỉnh?
 
Emobi đã bố trí điểm bán lẻ 7554 tại những nơi đông giới trẻ, nghĩa là nó đã tự tìm đến, mời mọc họ, nhưng mọi thứ vẫn không khả quan. Game có hay không? Khá hay đấy chứ. Tựa game với đồ họa tân tiến nhất của người Việt, bám sát lịch sử và đầy những phút hành động nghẹt thở.

Chị bán hàng bảo tôi: “Nhiều người đã dừng lại, nghe giới thiệu, muốn mua, xong rồi cái nghe nói giá 249 nghìn, thế là đặt xuống đi luôn!”.



Ước mơ về một ngành game vững mạnh

Đó không chỉ là ước mơ của những người làm game, mà chắc chắn là của rất nhiều game thủ, những người đã từng mong ngóng, đã từng theo dõi, và tự hứa là khi game ra sẽ mua ủng hộ. Thế nhưng ước mơ đó vẫn còn khá xa vời khi mà game mới ra vẫn phải chịu tình trạng ảm đạm.
 
Game thủ có quyền chọn game để chơi, đó là điều dĩ nhiên. Họ chọn hay không chọn game Việt là quyền của họ, và nếu game dở, họ sẽ không thể ép mình chơi. Nhưng vấn đề là không phải game nào cũng dở. Chất lượng các tựa game gần đây không hề tệ một chút nào, thật sự rất đáng để thử qua.

Một đàn anh đã từng nói với tôi rằng, nếu không có những thành công ngắn hạn, sẽ không thể vững bước trên đường dài. Khi mà game làm ra ế chỏng ế chơ thì liệu có còn phấn đấu cho một tương lai tươi sáng? Khi không có được thành công, những game do người Việt làm cũng sẽ rơi rụng dần, và chắc không ai dám nghĩ đến chuyện đó nữa.



Chơi game Việt, chắc chắn là game thủ sẽ có nhiều quyền lợi hơn. Đó là việc họ nhận được chất lượng phục vụ tốt hơn, những ý kiến đóng góp về game nhanh chóng được giải quyết, nhanh chóng được tiếp nhận và game sẽ đúng như họ mong ước hơn. Đó là một mối quan hệ mà cả game thủ và nhà sản xuất đều có lợi.
 
Vấn đề là mối quan hệ đó phải bắt đầu từ bây giờ, khi game Việt đang cần sự ủng hộ của game thủ nước nhà.