Những vụ việc làm xấu mặt game thủ Việt Nam ở nước ngoài

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 09/06/2014 11:34 AM

Hãy cùng GameK điểm qua những sự vụ khiến cho game thủ Việt bị xấu mặt trong game online nước ngoài.

Như chúng ta đã biết, cách đây ít ngày, một trong những sự việc khiến cộng đồng game thủ Việt trong và ngoài nước cảm thấy phẫn nộ cũng như bẽ bàng chính là việc một vài người chơi game online Việt Nam đã "phá đám" kênh chat của tựa game Kingdom Under Fire II phiên bản quốc tế, tựa game sắp ra mắt tại làng game Việt.

Những vụ việc làm xấu mặt game thủ Việt Nam ở nước ngoài 1

Có thể nói, đã từ lâu, không ít những góc tối trong cộng đồng game thủ Việt thưởng thức game online nước ngoài đã khiến cho chúng ta cảm thấy xấu hổ mỗi khi cố gắng hòa nhập vào cộng đồng game thủ quốc tế.

Hãy cùng GameK điểm qua những sự vụ khiến cho game thủ Việt bị xấu mặt trong game online nước ngoài.

Cửu Âm Chân Kinh châu Âu đòi ban IP Việt Nam

Và đây cũng là vụ việc mới nhất trong chuỗi những “chiến tích” không đáng tự hào một chút nào của game thủ Việt Nam. Đã có không ít game thủ tham gia thảo luận trong một topic forum. Trong đó, một game thủ đã đặt vấn đề cần phải ban IP của Hàn Quốc và Việt Nam.

Những vụ việc làm xấu mặt game thủ Việt Nam ở nước ngoài 2

Giải thích cho lý do của nguyện vọng này, game thủ mang tên Xagonyx cho biết: “Họ luôn PK những game thủ yếu hơn, những người chưa biết chơi game sao cho đúng. Server USA của Cửu Âm Chân Kinh cũng bị hàng loạt những hiện tượng xấu từ những game thủ này.”

Ngay lập tức, chủ đề này đã thu hút được không ít các game thủ khác tranh luận, với nhiều luồng thông tin khác nhau. Có game thủ thì đồng tình, viện ra dẫn chứng “game thủ Việt hầu hết đều hack hoặc cheat” hay “game thủ châu Á luôn tới đây cày cuốc để bán vàng” (?!) Và cho tới thời điểm này, câu chuyện game thủ Việt Nam và Cửu Âm Chân Kinh châu Âu vẫn chưa có hồi kết.

Vụ bán độ gây chấn động làng CS:GO Việt

Gần đây trong cộng đồng Counter Strike: Global Offensive nước nhà đang náo loạn với tin đồn đội CS: GO số 1 tại Việt Nam là Legends đã bán độ trong giải đấu 5eplay vừa diễn ra từ ngày 25 đến 27/04/2014. 

Những vụ việc làm xấu mặt game thủ Việt Nam ở nước ngoài 3

Cụ thể hơn, trong giải đấu này, Legends đã có 2 thất bại liên tiếp rất đáng thất vọng trước 2 team đến từ Trung Quốc là NBDALE (tại trận bán kết) và TyLoo (trận tranh 3 - 4) đều với tỷ số 0 - 2 để xếp thứ 5 - 6 chung cuộc. Việc bị hạ gục trong thời khắc quan trọng của một giải đấu tầm cỡ thực tế không phải là quá kỳ lạ. Thế nhưng với trình độ của các tay súng số 1 Việt Nam thì họ không dễ gì thua trận dễ dàng và chóng vánh như vậy.

Mọi thứ bắt đầu lùm xùm khi một thành viên của Legends tời team và bắt đầu đưa ra nhiều bằng chứng về việc đồng đội của anh đã bán độ trong giải đấu kể trên, ở chính 2 trận cuối cùng mang tính quyết định thứ hạng. Theo game thủ này thì đội CS: GO đến từ Việt Nam đã nhận khoảng hơn 1400 USD từ phía đối thủ (được trao đổi bằng các vật phẩm đắt giá trong game) để tạo ra một trận đấu dễ dàng cho họ đi tiếp.

Những vụ việc làm xấu mặt game thủ Việt Nam ở nước ngoài 4

Có khả năng 4 thành viên của team đã quyết định "bán độ" kín để kiếm chút tiền trang trải cho việc luyện tập và thi đấu bằng tiến túi của mình (Legends hiện tại không nhận được tài trợ cho việc thi đấu eSport - điều quá quen thuộc ở mảnh đất hình chữ S). Mọi chuyện vỡ lở khi thành viên thứ 5 không đồng ý và quyết định rời đội (hoặc bị đuổi).

Cabal Elite nói không với game thủ Việt

Sau khi phiên bản Cabal Online tại thị trường Việt Nam phải ngừng hoạt động một cách đầy tiếc nuối, thì Cabal Elite lại trở thành điểm đến của một bộ phận không nhỏ những game thủ đam mê tựa game nhập vai hành động từng rất được ưa thích này.
Thế nhưng bên cạnh những game thủ chân chính, những người tìm tới game vì niềm vui với bạn bè và cả cộng đồng, thì chúng ta lại vô tình “xuất khẩu” luôn cả những cá nhân với ý thức kém, những người chơi game không màng tới lợi ích chung.

Những vụ việc làm xấu mặt game thủ Việt Nam ở nước ngoài 5

Chỉ sau một thời gian ngắn game thủ Việt chuyển hộ khẩu, số lượng những game thủ Việt Nam bị khóa account đã lên tới con số đáng báo động. Thậm chí, theo thống kê của quản trị viên server, 90% số lượng account bị khóa đều tới từ Việt Nam (theo IP). Những lý do khiến số lượng tài khoản này bị khóa là sử dụng hack, spam kênh chat thế giới và thậm chí có cả… văng tục với game thủ nước ngoài.

"Trẻ trâu" náo loạn Kingdom Under Fire II

Mặc dù đã bị các NPH chặn IP vì sắp có phiên bản dành riêng cho Việt Nam song việc vượt qua rào cản này vốn đã quá dễ dàng đối với các game thủ nước nhà, đơn giản là sử dụng phần mềm thay đổi địa chỉ mạng. Tuy nhiên sự phổ biến của các phương pháp fake IP đã khiến cho số lượng "trẻ trâu" quá khích tăng mạnh tại server Kingdom Under Fire II tiếng Anh và khiến nơi đây trở thành chỗ phô diễn sự vô văn hóa của họ.

Những vụ việc làm xấu mặt game thủ Việt Nam ở nước ngoài 6

Cụ thể hơn, một bộ phận game thủ thiếu ý thức đã tiếp tục "diễn" lại trò cũ là làm loạn kênh chat, hàng loạt những ngôn từ thô tục, bậy bạ bằng tiếng Việt được quăng lên cho tất cả cùng thấy. Tình trạng này khiến cho những gamer chân chính không khỏi buồn lòng, và cũng không muốn chỉ cách fake IP cho cộng đồng nữa, điển hình như admin của trang fanpage Kingdom Under Fire II Việt Nam:

"Đây là lý do ad không muốn phổ biến cách fake IP, kênh chat chung đầy câu hô hào và chửi bậy bằng tiếng Việt, đại loại như: Việt Nam điểm danh, VN đâu hết rồi... bla bla bla... thậm chí mình phải pm riêng họ nói rằng đừng có chat tiếng việt ở kênh chung nhưng rốt cuộc ad là người vô cớ bị "trâu húc" khiến ad nhớ lại 1 câu thế này: "Internet ở Việt Nam phổ cập tới mức trâu bò cũng có thể lên mạng chém gió và điểm danh"".

Những vụ việc làm xấu mặt game thủ Việt Nam ở nước ngoài 7

Thực tế thì đây không phải là chuyện lạ đối với cộng đồng game thủ Việt Nam - những người vốn đã quá nổi tiếng với việc phá hoại các game online thế giới, và nạn nhân tiếp theo chính là Kingdom Under Fire II. Việc ra ngoài chơi game không phải là xấu, tất nhiên là tìm kiếm người chơi cùng quốc tịch để giúp đỡ nhau cũng không xấu. Tuy nhiên, chúng ta cần học cách tôn trọng những người chơi khác và tôn trọng chính bản thân mình khi đi ra môi trường nước ngoài.