Những nguy cơ tiềm tàng của làng game Việt

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 29/12/2012 0:00 AM

Không khó để đoán trước được những mối họa đang ẩn dưới làng game nước nhà hiện nay.

Game đóng cửa nhiều
 
Như chúng ta đã biết, ở thời điểm hiện tại, có quá nhiều game online đang được phát hành ở nước ta. Chỉ tính riêng trong năm 2012 thì đã có tới khoảng 50 Webgame (trung bình 1 tháng có tới 6 Webgame mới) được phát hành và chúng sẽ còn gia tăng với tốc độ như cũ. Và với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì đến hết năm nay, số lượng game online được phát hành ở Việt Nam sẽ là gấp đôi năm ngoái, đó là chúng ta vẫn còn chưa tính tới các game online trên di động.
 
Những nguy cơ tiềm tàng của làng game Việt 1
 
Vậy hệ lụy của việc số lượng game online mới tăng quá nhanh này là gì? Đó chính là việc cộng đồng gamer bị xé lẻ, các game mới thì được phát hành quá nhiều khiến lượng người chơi ở các game cũ bị giảm đi một cách báo động. Và tất nhiên, khi mà lượng người chơi chỉ còn quá ít, doanh thu của game giảm mạnh và đây cũng là lúc NPH tính đến chuyện "đóng cửa game" để tránh lỗ.
 
2012 có thể xem là một trong những năm có nhiều game online đóng cửa nhất từ trước tới nay khi có tới hơn 20 game bị "khai tử", trong đó, số lượng Webgame bị dừng hoạt động chiếm tới 2/3. Có thể dự đoán trước một việc rằng trong năm 2013, số lượng Webgame bị đóng cửa sẽ còn nhiều hơn nữa. Và ở đây, người bị thiệt chắc chắn chính là game thủ Việt mà thôi.
 
Chất lượng game không được nâng cao
 
Như đã nói ở trên, dẫu rằng hiện nay, khá nhiều game thủ lên tiếng phản đối, chỉ trích việc các NPH chỉ toàn đưa Webgame về Việt Nam nhưng chúng ta lại không thể không thừa nhận rằng các Webgame mới được đưa về nước vẫn được khá đông game thủ tham gia chơi và yêu thích. Trên thực tế, thực ra họ không phải là những game thủ mới mà phần lớn đều là các game thủ "nhảy" từ các Webgame khác sang chơi thử, rồi gắn bó.
 

Những nguy cơ tiềm tàng của làng game Việt 2
 
Tất nhiên, vì các Webgame đa phần đều có lối chơi giống hệt nhau về cách chơi, cách xây dựng nhân vật cùng hàng loạt tính năng khác nên đối với game thủ, gần như việc chuyển sang chơi giữa Webgame này với Webgame nọ cũng chỉ đơn giản như việc chuyển sang chơi server mới mà thôi. Và một thực trạng hiện nay là việc nhiều game thủ chơi chán, không được theo ý mình là bỏ, chuyển sang chơi Webgame mới vì gần như tuần nào cũng có thêm một vài Webgame mới được phát hành.
 
Tuy nhiên, nhờ lượng người chơi đông mà nhiều NPH gần như không còn mặn mà với việc phát hành các MMO client nữa mà thay vào đó, họ lại chuyển sang chỉ phát hành Webgame mà thôi. Cần phải biết rằng hiện nay, thể loại Webgame ở Việt Nam đã trở nên quá bội thực và rất nhiều game thủ đều tỏ vẻ ngao ngán khi không có được một game online nào thật hay, đồ họa đẹp cùng những đặc điểm mới lạ để họ khám phá.
 
Những nguy cơ tiềm tàng của làng game Việt 3

Rõ ràng rằng việc phát hành nhiều Webgame như hiện nay đang khiến làng game Việt có vẻ... lùi dần so với thế giới, khi mà hầu như các Webgame 2D đã không còn được sản xuất thì ở Việt Nam, chúng lại được phát hành một cách ồ ạt.
 
Game thủ Việt mất dần tính cộng đồng
 
Một trong những điều thành công nhất của GO Việt trong giai đoạn sơ khai là nó đã tạo ra được một cộng đồng cực kỳ có chiều sâu, gắn bó và mạnh mẽ. Có thể, bạn sẽ rất khó để có thể tìm được lại tình bạn, tình bằng hữu thân thiết mỗi khi đăng nhập vào game online bây giờ, đơn giản là vì tính cộng đồng giữa các người đã bị giảm mạnh.
 
Những nguy cơ tiềm tàng của làng game Việt 4
Cộng đồng ngày càng bị chia nhỏ và không còn gắn kết.

Một trong những yếu tố khiến tình trạng này xảy ra là do các NPH đã tung ra quá nhiều game mới, đặc biệt là Webgame. Việc những hàng loạt các game trình duyệt được tung ra đã khiến cho cộng đồng game thủ liên tục bị xé nhỏ ra. Không chỉ có vậy, các server mới liên tiếp được khai mở để thu lợi nhuận cũng góp phần không ít khiến cho cộng đồng bị chia rẽ.
 
Nguy cơ tiếp tục bị thắt thêm "cùm"
 
Nếu như 2012 có thể coi là một năm tương đối dễ chịu với làng game Việt so với 2 năm 2011 và đặc biệt là 2010 nhưng tuy nhiên, điều này vẫn chưa là gì khi game online có thể tiếp tục bị các cơ quan quản lý thắt chặt bất cứ lúc nào.
 
Những nguy cơ tiềm tàng của làng game Việt 5
 
Vụ việc Chinh Đồ 2 mới đây có thể xem là một ví dụ. Dẫu rằng nó chưa bị thổi "bùng" lên một cách mạnh mẽ nhưng với hàng trăm game online, Webgame có xuất sứ từ Trung Quốc đang được phát hành tràn lan trên thị trường hiện nay, chúng ta liệu có thể "chắc chắn" rằng liệu một vụ việc tương tự có không xảy ra, khi mà các game online "Tàu" vẫn đang tiếp tục được đưa về.
 
Bên cạnh đó, nhiều game online hiện nay được phát hành một cách khá "mờ ám" nếu không muốn nói là "game lậu" khi tên tuổi NPH lạ hoắc, không được công bố rõ ràng và họ hoàn toàn chẳng chịu bất cứ trách nhiệm nào với game thủ. Thậm chí, có game thủ nạp tiền vào rồi bị mất tài khoản oan mà không hề được xử lý. Đây có thể xem là một nguy cơ khá bất ổn của làng game Việt.