Những MMO đã chết ở Việt Nam vẫn sống tốt trên thế giới

PV  | 07/06/2012 05:30 PM

Nghịch lý này thường xảy ra với các MMO có xuất xứ từ Âu Mỹ hay Hàn Quốc.

Runes of Magic
 
Nếu các bạn chưa biết thì ở thời điểm hiện tại, Runes of Magic đang là một trong những MMORPG được ưa chuộng nhất tại Châu Âu và Châu Mỹ. Ngay từ khi ra đời, RoM đã nhanh chóng thu hút được một lượng lớn game thủ tham gia với lối chơi gần tương tự World of WarCraft. Game từng được phát hành ở Việt Nam dưới tên gọi Chúa Tể Phục Sinh nhưng đáng tiếc đã bị đóng cửa vào cuối tháng 9/2011 vừa qua sau 2 năm hoạt động.
 
 
Thất bại của CTPS không phải là điều gì quá bất ngờ, nhất là khi xu thế kiếm hiệp còn quá mạnh cộng với bối cảnh phương Tây không hợp với gamer Việt. Chỉ có điều nó tới quá nhanh và vượt ra khỏi tầm kiểm soát, ai có thể lường trước được rằng một tựa game sở hữu lối chơi xuất sắc và làm chao đảo hàng vạn người chơi trên thế giới lại đi vào ngõ cụt chỉ sau chưa đầy 1 năm?
 
Atlantica Online
 
Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều trong năm 2010 nhưng số lượng người chơi Atlantica vẫn giảm mạnh để rồi VTC buộc phải đóng cửa vào tháng 7/2011. Cũng như Runes of Magic, Atlantica cũng chỉ kéo dài được 2 năm tuổi tại Việt Nam.
 
 
Dẫu bị coi khinh ở nước ta nhưng Atlantica Online lại đang là một trong những MMORPG rất được ưa chuộng trên thế giới. Lối đánh turn-base của game được đánh giá rất cao và đây cũng chính là một trong những điểm mạnh khiến trò chơi này trở nên hút khách. Tuy nhiên, có vẻ như gamer Việt vẫn chưa thể thích ứng được với lối chơi đòi hỏi "đầu óc" này trong một game online nhập vai.
 
Cabal Online
 
Nhắc tới cái tên Cabal, có lẽ không chỉ game thủ tại Việt Nam nói riêng mà trên phạm vi toàn thế giới đều phải công nhận đây là một trong những sản phẩm toàn diện nhất từng xuất hiện trong mảnh đất trò chơi trực tuyến. Mặc dù ra đời từ năm 2005 và có tuổi đời khá cao, nhưng "con cưng" của ESTsoft vẫn luôn khẳng định mình không hề thua kém các đàn em mới chào đời.
 
 
Cũng giống như Runes of Magic, Cabal thất bại ở nước ta một phần bởi gameplay quá đặc biệt, khác lạ. Trong khi đó, vào thời điểm năm 2010, dân cày Việt vẫn còn quá quen thuộc với các game nhập vai kiếm hiệp Trung Quốc trên nền đồ họa 2D.
 
Special Force

Dán mác "MMOFPS số 1 Hàn Quốc", SF hiên ngang về Việt Nam với kỳ vọng lớn sẽ thống trị thể loại bắn súng. Tuy vậy sau cuộc chiến dai dẳng với CrossFire, trò chơi dần tụt hậu và ở thời điểm hiện tại khó có thể bì kịp về lượng người chơi.
 
 
Gần như mọi game thủ ưa thích thể loại FPS đều công nhận rằng SF là tựa game đậm tính chiến thuật, đề cao kỹ năng cá nhân hơn là "ăn rùa". Nhưng tiết tấu có phần chậm chạp đã khiến game mất đi lượng lớn khách hàng là giới trẻ vốn ưa thích bắn giết đã tay.
 
Xem thêm:

game online