Những kiểu game thủ thường gặp trong thế giới ảo

MaxSpeed  - Theo Trí Thức Trẻ | 12/03/2015 04:16 PM

Cộng đồng game thủ cũng giống như một xã hội thu nhỏ với rất nhiều kiểu người khác nhau.

Thế giới game vẫn được coi là một người bạn thân thiết và là miền đất giải trí hàng đầu dành cho không ít game thủ Việt vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, game online cũng giống như ngoài xã hội, cũng được phân hóa thành nhiều kiểu game thủ khác nhau góp phần làm cộng đồng game thủ tại Việt Nam luôn luôn phong phú, đa dạng.

Có những người thích chơi game thực sự và tỏ ra gắn bó với game nhưng cũng có những người chỉ coi game như một công cụ để giải trí. Vậy họ là những kiểu game thủ như thế nào?

Game thủ "đại gia"

Các NPH phát hành game đều có chung một mục đích giống nhau là đem về lợi nhuận. Vậy nên, ngày càng nhiều NPH thích tung ra thị trường game free to play, bởi với hình thức này chắc chắn sẽ lôi kéo nhiều gamer đến với game hơn, từ đó sẽ không thiếu những "đại gia" muốn trở thành hàng khủng, đứng top sever phải nạp tiền vào game một cách đều đặn. Chính lợi nhuận từ các game thủ này sẽ là thứ để các NPH có thể phát triển, duy trì tựa game đó "sống" lâu hơn. Và chắc chắn, kiểu game thủ này hiện nay là cũng tương đối nhiều.

Tất cả họ đều có thể gọi là "đại gia" nhưng cũng tùy theo hầu bao mà mức độ đầu tư vào thế giới ảo cũng khác nhau. Mặc dù vậy, kiểu game thủ này thường là những người không có nhiều kinh nghiệm chơi game, nhưng với ví tiền không đáy của mình cùng với máu ăn thua, thích thể hiện thì họ chẳng tiếc vài chục thậm chí vài trăm triệu để nhân vật ảo được đứng top, xưng bá võ lâm.

Có rất nhiều người ganh tỵ, hay ghen ghét "tầng lớp" game thủ này vì những thành công mà họ nhanh chóng đạt được trong game khi chỉ cần chi tiền ra là xong. Thế nhưng, cũng không ít người không thể phủ nhận tầm quan trọng của các "đại gia" này đã đều đặn hàng ngày, hàng giờ đóng góp cho game. Họ là lực lượng chính chung tay với các NPH để duy trì sự sống game của mình.

Game thủ "hardcore"

Đã từ lâu, game thủ “hardcore” đã trở thành một khái niệm mang tính tương đối ở làng game Việt. Một game thủ hardcore có thể được hiểu như một người chơi có hiểu biết sâu rộng về game, trung thành, có tình yêu cũng như hiểu biết đối với những tựa game online họ đam mê để chia sẻ cho những người chơi mới.

Trong số những game thủ hardcore, một phần không nhỏ là những người tự biến mình thành fanboy của một thương hiệu hay xu hướng nào đó. Dù thường xuyên bị chỉ trích trên các diễn đàn game và là đề tài giễu cợt của nhiều bài báo nhưng đây lại là đối tượng được các NPH đặc biệt ưa thích.

Lý do rất đơn giản, đây là những người đặc biệt trung thành và luôn háo hức tự tìm hiểu thông tin về sản phẩm mà mình ưa thích. Họ cũng thường là những người có quan điểm một chiều và luôn sẵn lòng bênh vực cho sở thích của mình. Đây chính là mỏ vàng của các hãng game vì không tốn nhiều chi phí và công sức, họ vẫn dễ dàng tiếp cận và bán hàng cho đối tượng game thủ này.

Game thủ chơi mãi vẫn "gà"

Đây là kiểu game thủ đã chơi được một khoảng thời gian khá lâu nhưng vẫn chưa nắm vững được những kỹ năng cơ bản, kinh nghiệm chơi game vẫn còn hạn chế nhiều. Họ sở hữu lối chơi “vui là chính” và thường không được nhạy bén trong việc quan sát. Và có thể nói đây là dạng người chơi có trình độ trung bình.

Họ có thể không phải là những feeder hàng đầu nhưng cũng rất khó để trở thành “siêu nhân” mang trọng trách gánh team trong các game Liên Minh Huyền Thoại, DOTA 2 hay gây ức chế cho đồng đội khi chiến bang hội, săn boss...trong VLTK...chẳng hạn.

Có khá nhiều lý do để ở mãi "đẳng cấp" này, có thể những người chơi này bảo thủ, không nghe lời người khác khuyên bảo, có thể họ thực sự không phù hợp với game...

Game thủ chơi game chỉ "giải trí"

Những game thủ kiểu này chi xem game là để giải trí, để chơi cho vui, không cần thực lực, đến đâu thì đến và lấy việc ngắm cảnh, chém gió làm vui thú. Họ không có mong muốn nhiều điều trong các tựa game họ tham gia, không muốn được đứng top, làm bang chủ. Với những game thủ đã quá bận rộn với cuộc sống ngoài đời thì khi vào game họ muốn chọn cho mình một lối chơi hay còn gọi là lối sống của nhân vật một cách đơn giản, làm một người bình thường, cái mà ngoài đời họ không làm được.

Tuy nhiên, bộ phận game thủ này cũng xuất hiện khá nhiều trong cộng đồng game online tại Việt Nam. Chính những người này đã đóng góp không nhỏ vào các hoạt động ngoài lề của game online, điển hình là các buổi offline môn phái, các sự kiện từ quy mô hoành tráng đến tự phát.

Các game thủ này là nhân tố chính tạo sự kết nối giữa nhiều người, luôn động viên, khích lệ và thậm chí là lôi kéo các game thủ khác đến các buổi họp mặt để tôn tạo và phát triển cộng đồng ngày một quy mô hơn, sâu rộng hơn. Tầm quan trọng của họ không chỉ dừng lại ở trong phạm vi cộng đồng game thủ mà còn giúp sức rất nhiều cho các NPH game nếu có những sự vụ ngang trái xảy đến với họ.

Game thủ chơi game để kiếm tiền

Thường thì mọi người cho rằng chơi game chỉ vừa tốn tiền vừa mất thời gian. Nhưng thực tế thì lại không ít người còn kiếm được tiền từ những tựa game mà họ tham gia. Kiểu game thủ như này luôn có sự nhạy bén và cũng rất thực dụng, coi thế giới ảo kia chính là mảnh đất màu mỡ để kiếm tiền thật.

Game là thế giới ảo và cũng giống như một xã hội thu nhỏ, hầu hết các game đều có một “khu chợ” để buôn bán các vật phẩm game. Rất nhiều game thủ đã mất công, mất sức, bỏ thời gian để cày kéo kiếm được những món đồ hiếm, lượng vàng khủng để mua đi bán lại và thu được số tiền khá khá. Những game thủ này luôn đặt nặng vấn đề : chơi game là để kiếm tiền chứ không phải để giải trí hay đam mê. Mặt khác, chính những người này cũng đã tạo nên một không khí sôi động, một thị trường đầy tiềm năng trong các game onine trên thị trường hiện nay.

Như vậy, rõ ràng tất cả những người tham gia vào game online không chỉ để thỏa mãn cái thú giải trí thông thường nữa mà đôi khi còn là nơi để thể hiện sự nhạy bén, khả năng kinh doanh để kiếm tiền phục vụ cuộc sống thường nhật...nhưng tất cả họ đều đang chung tay để tạo ra một cộng đồng game thủ Việt lớn mạnh, vững vàng trong tương lai.

 

>>Game thủ Việt hưởng lợi gì từ việc chơi game mobile?