Nhìn lại hành trình Thiên Long Bát Bộ tại Việt Nam

PV  Theo Thanh Niên Game | 19/08/2014 04:15 PM

Thiên Long Bát Bộ
15/06/2007 NCB: SoHu - Changyou NPH:

7 năm qua, Thiên Long Bát Bộ đã trải qua bao thăng trầm, song với sự trân trọng từ chính những người FPT.

7 năm qua, Thiên Long Bát Bộ đã trải qua bao thăng trầm, song với sự trân trọng từ chính những người FPT, nó vẫn luôn là bạn đồng hành của một lượng lớn game thủ Việt và là sản phẩm chủ lực của FPT Online.

Những người "tiên phong" và cái giá phải trả

Năm 2005, FPT Telecom đi tiên phong trong lĩnh vực game online tại Việt Nam với 2 sản phẩm đầu tay là Priston tale (PTV) và MU (MU FPT). Vào thời điểm đó, họ đã phải trả cái giá rất đắt vì... chẳng hiểu gì về game.

Cả 2 tựa game đầu tay của FPT đều có mức đầu tư khủng khiếp vào thời điểm ấy: trên 500.000 USD cho mỗi sản phẩm. Nếu PTV thất bại vì không có cơ sở thương mại trong game, thì MU thất bại vì chính những người FPT. Họ đã kỳ vọng rằng game cũng như bao sự thành công mà họ từng làm, trở thành một sản phẩm có thể đem lại hàng vài chục tỷ đồng mỗi tháng. Thêm nữa, bản thân FPT không lường trước và không “dẹp loạn” được nạn MU private trên toàn Việt Nam với gần 40 nhà phát hành chui.

MU FPT là một trong những game online có vòng đời dài nhất tại Việt

MU FPT là một trong những game online có vòng đời dài nhất tại Việt Nam

Tuy nhiên, MU FPT dù chỉ đạt doanh thu khoảng 3 - 4 tỷ đồng/tháng, song nó cực kỳ bình ổn và trở thành một trong các sản phẩm game online có vòng đời dài nhất tại Việt Nam. Tính đến thời điểm đóng cửa vào cuối tháng 7.2014 thì MU FPT đã hoạt động được đến 10 năm.

Cả PTV và MU FPT đều không thành công như mong đợi, lãnh đạo tập đoàn thất vọng... Chính bản thân TGĐ FPT Telecom khi ấy là Trương Đình Anh trong một buổi họp kín đã thốt lên với các “tướng lĩnh” một lời cay đắng: “Các chú đã và đang làm game online trở thành nỗi thất bại nặng nề nhất trong sự nghiệp của anh”.

Càng không thành công như kỳ vọng, người FPT dường như càng cay cú. Gần chục “tướng tài” đã từng chiến thắng trên các mặt trận khác được huy động về chỉ huy game online. Trong số này có đến 4 người trở thành lãnh đạo cấp công ty thành viên của tập đoàn FPT, thậm chí có người hiện còn là đương kim TGĐ FPT Telecom.

Đến hết năm 2006, tình hình vẫn không được cải thiện. Ông Trương Đình Anh đã hoàn toàn thất vọng và dần dần chuyển các tướng lĩnh thua trận trong game online sang làm công việc khác, đặc biệt là đẩy mạnh lĩnh vực viễn thông. Nhiều lãnh đạo cao cấp từng trải qua thời kỳ ấy, đến giờ họ vẫn thẳng thắn chia sẻ cùng chúng tôi rằng “nói một cách sòng phẳng thì ngày ấy người FPT chả biết gì về game, và cũng có thể nói rằng chính game online đã dạy cho người FPT một bài học rằng không phải cái gì họ cũng giỏi”.

Sự ra đời của FPT Online và Thiên long bát bộ

Trước nỗi ám ảnh thua trận, Phạm Thành Đức (người sau này là PTGĐ FPT Telecom, rồi TGĐ FPT Retail và hiện đang là TGĐ M Service với sản phẩm Momo) - người chỉ huy toàn bộ mảng game online khi ấy đã từng sống những tháng ngày hết sức cay đắng trong sự nghiệp: Quay đủ mọi cách, đủ các giải pháp hay ý tưởng nhưng vẫn không làm tình hình tốt hơn.

Sự tổn thương của một kẻ thua trận khiến anh lang thang lặn lội khắp nơi, thậm chí bằng cả tiền cá nhân, để tìm cách thay đổi số phận. Rồi cơ duyên cũng đến khi đang lang thang Trung Quốc thì có người chỉ anh tìm đến Sohu (ChangYou hiện giờ) với sản phẩm Thiên long bát bộ.

Nhìn lại hành trình Thiên Long Bát Bộ tại Việt Nam

Với mức phí bản quyền kỷ lục gần 1 triệu USD, Thiên long bát bộ làm tập thể lãnh đạo FPT "phát hoảng". Họ trở nên thận trọng và nhát tay. Bao nhiêu ý kiến phản đối vì họ cho rằng tiếp tục Thiên long bát bộ với mức đầu tư như thế là thiếu sáng suốt, và nếu làm thì chẳng khác gì làm bằng sự cay cú.

Phạm Thành Đức đã nhận được sự chia sẻ và hậu thuẫn lớn từ sếp của mình là Trương Đình Anh, rồi thầy trò họ đã phải thuyết phục từng người trong ban lãnh đạo FPT để Thiên long bát bộ có thể về với FPT Telecom.

Nhưng để phát hành Thiên long bát bộ, người FPT đã sáng suốt thay đổi cách thức phát hành. Họ đã hiểu rằng: Làm game phải có thứ hiểu biết đàng hoàng về nó, và từ đó FPT Online ra đời. Thiên long bát bộ có thể xem như một món quà mà anh Phạm Thành Đức để lại cho FPT Online trước khi kiên quyết đứng dậy đi làm nhiệm vụ khác.

Người tiếp nhận Thiên long bát bộ cùng sứ mệnh lấy lại danh dự cho người FPT trong lĩnh vực game online là Lương Công Hiếu. Người từng đứng ngoài suốt 2 năm nhìn những người bạn của mình cay đắng với game online giờ sẽ xung trận đón nhận thách thức. Hàng loạt các chuyên gia giỏi về game online, đa số đều xuất phát từ game thủ được quy tụ về FPT Online.

Người đảm nhận chủ trì công tác phát hành Thiên long bát bộ đầu tiên (Project manager) cũng chính là người từng thua 2 trận trước đó với PTV và MU FPT: anh Huỳnh Ngọc Hải, với biệt danh "Hải Nobita".

Sự "cứu vãn" danh dự của người FPT

Mùa Hè năm 2007, Thiên Long Bát Bộ ra mắt công chúng. Ít ai biết rằng nó vừa phát hành đã... thất bại. 6 tháng sau, Hải Nobita xin ngân sách phát hành lại. Lần này thì chỉ số lên đều và ngay lập tức trở thành game MMORPG trực tiếp cạnh tranh với Võ lâm truyền kỳ của VNG.

2007 - 2009, Thiên long bát bộ tiếp tục tăng trưởng đều và ổn định. Người FPT tạm thở phào vì rốt cuộc họ đã có thể cứu vãn được danh dự và tạm chấp nhận với vị trí thứ 2 trên thị trường về doanh thu game online sau VNG.

Thời đỉnh cao, TLBB đã từng thu về 49 tỷ tiền nạp thẻ mỗi tháng

Thời đỉnh cao, TLBB đã từng thu về 49 tỷ tiền nạp thẻ mỗi tháng

Năm 2009, một sự cố hy hữu đã xảy ra với Thiên long bát bộ. Hacker đã tấn công vào cơ sở dữ liệu bằng chính mạng WiFi và ăn cắp toàn bộ source game. Vì sự cố này, ChangYou đã cân nhắc đến việc chấm dứt hợp đồng phát hành với FPT Online ngay lập tức. Một lãnh đạo FPT Online đã phải bay sang Trung Quốc, trú tại một căn hộ ngay tầng trên văn phòng của ChangYou suốt 1 tháng ròng chỉ để hàng ngày thuyết phục ChangYou bỏ qua sự cố ấy và đừng chấm dứt hợp đồng.

Cũng trong năm 2009, "khai quốc công thần" Hải Nobita rời khỏi công ty. "Đông Ca" (Lê Phương Đông) thay thế nắm Thiên long bát bộ.

Năm 2010, FPT Online thay đổi Tổng giám đốc, rồi sau đó Đông Ca cũng rời khỏi FPT Online, Thiên long bát bộ lại được giao về cho "Phát mập" (Nguyễn Tấn Phát) quản lý.

Năm 2011, Phát mập lại rời khỏi FPT Online, Thiên long bát bộ lại được chính Hải Nobita quay về chủ trì.

Năm 2012, một lần nữa Hải Nobita dứt áo ra đi khỏi FPT Online. Thiên long bát bộ lại được giao cho "Hải hói" (Hoàng Minh Hải).

Tháng 9.2014, Thiên long bát bộ chính thức rời bỏ FPT Online, rời bỏ những người FPT để về ngôi nhà mới VNG.

Trong suốt 7 năm qua, Thiên long bát bộ đã trải qua bao thăng trầm, trải qua bao đời giám đốc sản phẩm, song với sự trân trọng từ chính những người FPT, sản phẩm này vẫn luôn là bạn đồng hành của một lượng lớn game thủ trên toàn Việt Nam và là sản phẩm chủ lực của FPT Online.

Đặc biệt giai đoạn 2010 - 2011 (phát hành ở năm thứ 4 và thứ 5), Thiên long bát bộ mới đạt đến mức cực thịnh. Trong giai đoạn này, có lúc mức đỉnh CCU đã lên đến gần 50.000 với mức doanh thu lên đến 49 tỷ tiền nạp thẻ mỗi tháng.

Đến nay, có thể nói rằng Thiên long bát bộ đã là một sản phẩm về cuối vòng đời, tuy nhiên nó sẽ được duy trì và cập nhật mới bằng một phiên bản khác, như Thiên long bát bộ 3 (hay Tân thiên long) chẳng hạn.

Cảm ơn FPT Online đã đưa Thiên long bát bộ đến với công chúng trong 7 năm qua, chúng tôi hiểu các bạn giờ đang rất khó khăn vì mất đi Thiên long bát bộ khi chưa có sản phẩm thay thế xứng đáng thật sự là rủi ro cho toàn doanh nghiệp và những người FPT.

Tuy nhiên, chúng ta hãy chờ đợi một Thiên long bát bộ khác biệt, được làm mới đến công chúng thông qua nhà phát hành số 1 của Việt nam hiện nay là VNG. Mong rằng Thiên long bát bộ sẽ tiếp tục đem lại cho game thủ sự trải nghiệm kỳ thú mới.

>> VNG giành quyền phát hành Thiên Long Bát Bộ từ tay FPT