Nhìn DOTA 2 khóa hack mà buồn cho Việt Nam

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 20/04/2014 0:00 AM

Đến khi nào các NPH mới dám chấp nhận hy sinh để tạo ra một môi trường game Việt Nam công bằng?

Trong tuần qua, một trong những chủ đề cực kỳ nóng trong cộng đồng game thủ nói chung cũng như những fan của DOTA 2 nói riêng chính là sự xuất hiện một cách bất ngờ của NtHack, một chương trình cho phép game thủ tham gia những trận đấu có được những lợi thế hơn hẳn đối thủ cùng chơi.

Nhìn DOTA 2 khóa hack mà buồn cho Việt Nam 1

Tất nhiên, đối với những game thủ cứng cựa, những người có kinh nghiệm thưởng thức tựa game MOBA đình đám này, thì những sự trợ giúp như hiển thị tầm nhìn của trụ, hay theo dõi máu/mana của đối thủ là điều quá đỗi đơn giản vì họ đã thuộc nằm lòng, thế nhưng đối với những newbie, việc nhận biết được trong số những bản sao illusion đâu là hero thật, đâu là “cái bóng” luôn giúp họ rất nhiều trong combat.

Chính vì thế, NtHack đã bị coi là một chương trình trực tiếp cho phép game thủ gian lận và có được lợi thế trong DOTA 2. Và những tài khoản bị hệ thống chống gian lận của Valve (VAC) phát hiện đều đã bị khóa khỏi những cụm server DOTA 2 trên toàn thế giới tới... 24 năm.

Mạnh tay vì cộng đồng game thủ

Đây không phải lần đầu tiên Valve mạnh tay trước những game thủ cố tình sử dụng phần mềm can thiệp để gian lận trong game. Bản thân tôi đã từng gặp phải một trường hợp game thủ trong CS: GO đang “làm loạn” nhờ vào chương trình hack thì bất ngờ bị kick ra khỏi server và bị VAC khóa tài khoản không cho kết nối với server matchmaking vĩnh viễn.

Nhìn DOTA 2 khóa hack mà buồn cho Việt Nam 2

Đó là câu chuyện của Valve, một trong những công ty game lớn nhất thế giới. Ở nhiều thị trường khác như Nga, Hàn Quốc hay thậm chí là cả Trung Quốc, từ trước tới nay không thiếu những lần những game thủ phá quấy bằng công cụ hack cheat đã bị thẳng tay trừng trị.

Vào khoảng cuối tháng 03 vừa qua, phiên bản ArcheAge Nga mới đây đã phải khóa 2.000 tài khoản, cũng như đưa ra những hình phạt nặng với tổng cộng 57.900 tài khoản vì có dấu hiệu lợi dụng bug, bot game để trục lợi cũng như spam kênh chat. Đây là một hành động vô cùng cứng rắn của nhà phát hành game đến từ xứ Bạch Dương.

Nhìn DOTA 2 khóa hack mà buồn cho Việt Nam 3

Mạnh tay hơn là thị trường game tỷ dân. Cuối năm ngoái, 10 hacker Trung Quốc chuyên hành nghề đánh cắp tài khoản game online World of Warcraft đã bị công an tỉnh Chiết Giang bắt giữ và kết án tù 2 năm. Theo đó, nhóm này đã thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tới hơn 10.000 account WoW, lấy đồ của các nhân vật ảo rồi bán lấy tiền mặt thông qua chợ đen.

Thị trường Hàn Quốc, vốn nổi tiếng với sự quyết liệt trong việc tạo ra một môi trường game online công bằng cũng chẳng hề kém cạnh. Kể từ khi ArcheAge ra mắt vào đầu năm đến nay, nhà phát hành XLGames đã công bố có đến hơn 120.000 tài khoản trong game đã bị khóa vĩnh viễn, hầu hết lý do là vì những game thủ này sử dụng các chương trình bot (auto) hay hack.

Đó là câu chuyện ở nước ngoài.

Đến khi nào mới thực sự mạnh tay?

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng những nhà phát hành dám thẳng tay với tình trạng hack rốt cuộc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sở dĩ chỉ có công cụ hack được đề cập, đó là vì auto giờ đã trở thành một trong những “mốt” của game nhập vai, vốn đều là những webgame tại nước ta, và cũng đang dần ăn vào máu của một bộ phận game thủ Việt. Ở Hàn Quốc, đến auto còn bị ban account, trong khi ở Việt Nam, việc game thủ sử dụng hack và tiếp tục nhởn nhơ vẫn cứ là chuyện thường ngày.

Nhìn DOTA 2 khóa hack mà buồn cho Việt Nam 4

Rất nhiều những chiến dịch “truy quét” cheater đã được các NPH game Việt Nam tung ra, thậm chí là có cả sự vào cuộc của các cơ quan công an. Thế nhưng kết quả ra sao chúng ta đều đã biết. Những “điểm nóng” về hack cheat của làng game Việt vẫn là nơi một bộ phận “con sâu làm rầu nồi canh” nhởn nhơ.

Một lý do cho tình trạng này chính là việc các NPH e dè, lo sợ rằng sau khi mạnh tay truy quét, tựa game họ phát hành sẽ giống như bài học xương máu của làng game Việt trong quá khứ mang tên Cabal Online.

Nhìn DOTA 2 khóa hack mà buồn cho Việt Nam 5

Mọi chuyện bắt nguồn từ sự quản lý lỏng lẻo của chính Asiasoft, đơn vị chủ quản của game tại nước nhà. Sau thời điểm game đạt được thành công lớn nhất và đang đi vào sự ổn định thì cũng là lúc nạn hack dần xuất hiện. Ngay chính lúc này, Asiasoft lại không bám sát để triệt hạ vấn nạn này, để chúng âm ỉ và bùng phát chỉ một vài tháng sau đó.

Cú đánh cuối cùng của Asiasoft về phía các hacker cũng là ngón đòn tự kết liễu mình. Khóa vĩnh viễn 17 ngàn tài khoản có dấu hiệu vi phạm, NPH gốc Thái đã thành công trong việc triệt tiêu hack, và cũng đã cắt đi chính nội lực của mình. Trò chơi hoạt động cầm chừng hơn 1 năm sau, rồi chính thức đóng cửa vì ESTsoft chấm dứt hợp đồng.

Nhìn DOTA 2 khóa hack mà buồn cho Việt Nam 6

Có thể nhận định rằng, chính bài học này đã khiến một số lượng không nhỏ các nhà phát hành đã trở nên vô cùng e dè mỗi khi ra tay đương đầu với tệ nạn của thế giới ảo này.

Chính vì e dè nên cheater tại Việt Nam mới thỏa sức hoành hành, cộng với nhiều thói hư tật xấu khác trên môi trường game, tất cả đã biến làng game Việt trở thành một nơi với nhiều góc tối mà chẳng game thủ nào muốn đặt chân vào. Câu hỏi còn lại chỉ là, đến khi nào các NPH mới dám chấp nhận hy sinh để tạo ra một môi trường game công bằng, từ đó góp phần tạo ra cộng đồng có ý thức hơn trong việc chơi game.