Nghề viết game và những định kiến sai lầm

Rogue Knight  Theo Gamesao | 25/08/2014 02:54 PM

Dường như bản chất của nghề viết game vẫn chưa thực sự được làm rõ và vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về công việc đang hết sức thu hút giới trẻ này.

Nghề viết game (Gaming journalism) đang trở nên thịnh hành và phát triển hơn bao giờ hết nhờ sự bùng nổ của thị trường game những năm gần đây. Những người làm nghề này thực hiện các công việc như: viết các bài báo đánh giá (review), nhận định (preview), phỏng vấn các game thủ và đại diện các nhà sản xuất, cập nhật thông tin nóng hổi từ các sự kiện lớn trong ngành sản xuất trò chơi điện tử…Các bài viết phải hội tụ đủ các yếu tố: thông tin nóng hổi, cập nhật, nhiều người quan tâm và đặc biệt phải có tính phổ biến nhất định.

Nghề viết game và những định kiến sai lầm

Nói thì có vẻ to tát như vậy, nhưng nghề viết game không phải là một công việc quá khó khăn như nhiều người nghĩ. So với những nghề nghiệp khác, nghề viết game còn được coi là một trong những ngành nghề tốn ít công sức hơn, làm việc trong một thời gian ngắn hơn, và thu nhập cao hơn..?

Dường như bản chất của nghề viết game vẫn chưa thực sự được làm rõ và vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về công việc đang hết sức thu hút giới trẻ này. Hãy cùng chúng tôi liệt kê những quan niệm sai lầm của nhiều người về nghề viết game và làm rõ những câu hỏi mà nhiều người đang còn thắc mắc:

1. Chỉ cần suốt ngày chơi game và chẳng cần làm gì cả:

Bất cứ ai đã và đang làm nghề viết game phải công nhận rằng tất cả khoảng thời gian làm việc của họ đều xoay quanh công việc nhận định và đánh giá game. Mà muốn làm được công việc đó thật tốt, người viết game phải trực tiếp trải nghiệm và chơi game trong một thời gian nhất định để thực sự hiểu bản chất của một trò chơi.

Nghề viết game và những định kiến sai lầm

Một số chuyên gia phê bình game được “miễn” điều này, nhưng xét về tổng thế, viết game luôn song hành với chơi game. Nhưng những game thủ dù có chơi giỏi, chơi tốt một game đến đâu nếu không có kiến thức về văn học, khả năng diễn đạt và bộc lộ cảm xúc tốt trong những lời văn, câu chữ thì cũng chẳng đủ sức để viết ra một bài viết có chất lượng, gây được ấn tượng với độc giả.

Đó là lí do các chuyên trang về game luôn sử dụng những nhà văn, cây viết có năng lực kiêm luôn một game thủ đúng nghĩa để thực hiện công việc tưởng dễ mà khó này, đó là: chơi game rồi viết bài. Hơn nữa, những cây bút viết game phải là những người tỉnh táo, khách quan và phải thoát ra khỏi tâm lí của những game thủ thông thường để thấy được những ưu-nhược điểm của mỗi trò chơi để từ đó có được những nhận định chính xác nhất về bất cứ một trò chơi nào.

2. Không cần có kinh nghiệm vẫn làm được việc:

Phải khẳng định rằng, những người làm nghề viết game luôn hiểu biết thêm được rất nhiều thứ khi bước chân vào lĩnh vực này được một khoảng thời gian. Từ những người không biết gì, chưa có một chút khái niệm nào về ngành công nghiệp game hiện nay, nhưng nhiều người vẫn có thể làm tốt và trở thành những cây viết game uy tín và danh tiếng.

Không ai sinh ra đã trở thành một nhà văn tài năng, và nếu bạn muốn thành công trong lĩnh vực này, hãy biết nơi bạn đứng ở đâu và có phương hướng phát triển nghề nghiệp thật rõ ràng. Ban đầu, những “lính mới” được giao những công việc đơn giản như gõ bản thảo, dịch tin ngắn, review những game đơn giản,…Sau một thời gian học việc, nếu người đó biết lắng nghe, tiếp thu và học hỏi chắc chắn tương lai của họ sẽ sáng lạn hơn rất nhiều những người khác.

Có thể khẳng định rằng kinh nghiệm trong nghề viết game không phải là gì quá to tát (tất nhiên có vẫn tốt hơn), nhưng “keyword” để thành công trong nghề này là: kiên nhẫn, nỗ lực, cầu thị và chịu khó. Hãy coi thời gian khởi đầu khó khăn trong nghề viết game là một thách thức lớn cần vượt qua (mức lương ít ỏi, công việc nhàm chán không đúng với suy nghĩ trước đó…), bởi nếu vượt qua được bạn chắc chắn sẽ tiến xa trong nghề.

3. Tham dự tất cả các sự kiện lớn đều miễn phí:

Là một người làm nghề viết game có tên tuổi, bạn sẽ được mời đến các sự kiện game lớn và đưa tin độc quyền; được đi máy bay, ở khách sạn…bằng tiền của các nhà tổ chức sự kiện. Đó là lí do họ lui tới các sự kiện có tầm cỡ như E3, PAX, Gamescom, Tokyo Games Show, ChinaJoy… thường xuyên mà không phải chi trả bất cứ chi phí nào cho chuyến đi.

Kỷ lục 114 showgirl lên sân khấu ChinaJoy 2014 đồng lúc

Bởi lẽ họ được các nhà tổ chức sự kiện “bao trọn” những chuyến đi tốn kém như vậy bởi chính họ sẽ là những người đưa tin tức tới nhiều game thủ nhất, đưa sự kiện của họ trở nên phổ biến hơn, các game được quảng cáo trong sự kiện bán được nhiều hơn…

Chính sức hút không thể cưỡng lại được từ các chuyến đi miễn phí đó đã khiến nhiều cây viết game nghiệp dư hoặc đang chập chững vào nghề đang ngày càng muốn chứng tỏ bản thân mình hơn bằng việc tự rút tiền túi của mình để tham dự được những sự kiện tầm cỡ của làng game. Bằng cách đầu tư hết sức tốn kém này, họ sẽ có bài gửi về cho các biên tập chịu trách nhiệm đăng tải,…cứ thế, cứ thế, họ mong mỏi một ngày nào đó sẽ trở thành một cây viết game có uy tín được các “host” mời đi dự sự kiện miễn phí.

4. Công việc không chỉ bó hẹp trên những trang game điện tử:

Trò chơi điện tử có rất nhiều cách để “hạ bệ” điện ảnh và truyền hình. Nó được tiếp cận một cách nhanh chóng, không kể tuổi tác, giai cấp, mức thu nhập,…trò chơi điện tử đang ngày càng đặt dấu ấn thống trị của mình lên trên mọi mặt của cuộc sống. Đơn cử như với GTA V, trò chơi đã phá vỡ tới 6 kỷ lục về doanh số bán ra trên toàn Thế giới, đặc biệt ấn tượng trong số đó là kỷ lục “sản phẩm giải trí thu về số tiền giá trị 1 tỷ USD nhanh nhất”. Từng đó đủ thấy sức hút của game là lớn tới nhường nào.

Trước kia, nghề viết game chỉ thực sự được biết tới qua những trang web, cổng thông tin, blog, trang mạng xã hội,…trên mạng Internet vì nó thực sự có tính phổ cập nhanh chóng. Nhưng cho tới nay, các tờ báo giấy, báo in chính thống cũng đang gấp rút tuyển mộ những cây viết game có tài năng và uy tín về đầu quân cho mình với mục đích tạo ra những bài viết về game có sức nặng thu hút độc giả mua báo nhằm tăng doanh thu, đáp ứng thị hiếu độc giả và nâng tầm tên tuổi của mình. Có thể kể tới một số ấn phẩm, tờ báo lớn như: tạp chí Forbes, tờ The New York Times cho tới cả tờ USA Today…

Chính ý tưởng đưa những bài viết về game lên mặt báo in truyền thống đã khiến cho cuộc cạnh tranh giữa báo in và báo mạng trở nên khốc liệt hơn. Qua đó, khiến cho các cây viết game phải tự nâng cao trình độ của mình nếu không muốn các đối thủ của mình vượt mặt.

5. Đây không phải một “câu lạc bộ” dành riêng cho đàn ông:

Trên thế giới, tỉ lệ nam giới ở mỗi quốc gia đang áp đảo hoàn toàn so với nữ giới. Cũng giống như vậy, theo một vài cuộc khảo sát không chính thức, số lượng nam giới chơi game cũng nhỉnh hơn số lượng chị em phụ nữ chơi game, với tỉ lệ là 55/45.

Hiệp hội các nhà phát triển game Quốc tế (IGDA) cho biết, tính đến tháng 6 năm 2014, 22% trong số các nhà sáng tạo game là phụ nữ (tăng gấp đôi so với năm 2009). Điều này cũng tương đương với số lượng người viết game là phái nữ cũng rất lớn và không có sự chênh lệch quá lớn so với nam giới.

Nghề viết game và những định kiến sai lầm

Nghề viết game không phải là một công việc đặc thù chỉ dành riêng cho phái mạnh. Các bà mẹ, sinh viên, game thủ là phái yếu cũng có thể trở thành những cây bút viết game chuyên nghiệp, miễn là họ có khả năng. Trong thực tế, có rất nhiều lí do chính đáng để họ trở thành những cây viết game có danh tiếng, nhưng quan trọng nhất, viết game cũng giống như viết văn, cần nguồn lực phong phú và đa dạng để khiến những bài viết không trở nên nhàm chán và một chiều

6. Không cần thiết phải có một tấm bằng:

Kỹ năng viết lách được coi là một thứ bản năng, năng khiếu riêng của mỗi người. Chính vì điều đó, việc một cây viết game được đánh giá dựa trên những tấm bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ,…là hoàn toàn sai lầm. Nghề viết game nói riêng và nghề văn chương, báo chí nói chung dựa vào phần lớn năng khiếu bẩm sinh cùng với thái độ rèn luyện một cách tích cực.

Phần lớn những trang game hiện nay, hầu hết những cây viết game là những người nhỏ tuổi (nhiều người còn chưa đến tuổi học ĐH), họ viết vì đam mê và sở thích của họ. Họ thực hiện những bài viết bằng sự sáng tạo, công sức của mình mà nhiều khi không cần nhuận bút, tiền lương…Nếu niềm nam mê của họ được nuôi dưỡng và rèn luyện trong một thời gian dài tiếp theo, chắc chắn họ sẽ trở thành những cây bút có danh tiếng, những nhà biên tập video có tên tuổi, những người thiết kế web thành đạt,…liên quan đến ngành công nghiệp game đang vô cùng sôi động.

7. Thu nhập ít ỏi:

Đây là một quan niệm đúng nhưng chưa đủ. Như đã nói ở trên, phần lớn những cây viết game nghiệp dư và chưa có tên tuổi, họ thường làm công việc mà mình đam mê mà ít khi nhận một đồng lương nhuận bút nào, đơn giản vì họ chưa có tên tuổi thực sự, chưa khẳng định được tên tuổi của mình trong làng game.

Chưa đủ vì: theo một bản báo cáo của GamesRadar, một cây viết game chuyên nghiệp có thu nhập hàng năm từ 20.000 cho tới 30.000 USD. Sở dĩ có một con số khổng lồ được đưa ra vì có rất nhiều các trang web đang cạnh tranh khốc liệt với nhau nhằm thu hút sự chú ý của độc giả từ những bài viết về game của mình, nếu họ làm tốt điều đó, số tiền thu về từ các hợp đồng quảng cáo sẽ là khổng lồ.

Nghề viết game và những định kiến sai lầm

Thế nên cũng giống với tất cả các ngành nghề khác trong xã hội, bất cứ một người nào có năng lực thực sự sẽ vẫn “sống tốt”, và đương nhiên các cây viết game chuyên nghiệp vẫn sẽ có một nguồn thu rất lớn từ những bài viết của mình không giống như nhiều người vẫn nghĩ.

8. Dễ dàng nhận hối lộ từ những nhà sản xuất game:

Chắc chắn dư luận sẽ coi việc một phóng viên viêt game nhận hối lộ từ những nhà sản xuất, nhà phát hành game để viết “tốt” cho một trò chơi nào đó là một lẽ đương nhiên và sẽ vô cùng “an toàn”…nhưng sự thật không phải vậy.

Trước tiên, phải khẳng định một điều gần như “bất di bất dịch”: cái hay cái dở của bất cứ một trò chơi nào dù có khéo léo khỏa lấp đến đâu cũng chẳng thể qua được mắt người chơi ngày càng “tinh nhanh”, nhất là qua những video trailer được phát hành rộng rãi trên mạng Internet.

Thứ hai, những phóng viên chuyên nghiệp sẽ không bao giờ đánh mất tự trọng của mình để nhận những đồng tiền hối lộ. Vì nếu nhận hối lộ, sự khách quan trong việc đánh giá chất lượng trò chơi sẽ không còn, từ đó người nhận tiền “bẩn” cũng sẽ dễ dàng bị phát giác bởi những suy luận, câu chữ trong bài viết trái ngược hoàn toàn so với những gì người chơi đã trực tiếp trải nghiệm…

Và cuối cùng, các cây viết game được trả lương, nhuận bút rất cao để cho ra đời những bài viết có chất lượng để đem về danh tiếng cho cơ quan chủ quản của họ. Họ có thừa tiền, thừa điều kiện sống để tập trung vào công việc của mình sao cho khách quan, chân thực và đúng đắn nhất chứ không phải nhận những đồng tiền hối lộ để tự mình đánh mất sự nghiệp của bản thân.

9. Cuối cùng: viết game không hề dễ dàng một chút nào!

Viết game là một công việc dễ dàng mà ai cũng có thể làm được, nhưng để làm tốt và có tên tuổi thì chẳng mấy ai đủ sức để đạt đến đẳng cấp đó.

Nghề viết game được coi là một thể loại báo chí mới nổi trong xã hội hiện đại. Người viết game được coi như một phóng viên (chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư) có trách nhiệm đưa tin, phản ánh, bình luận,…mọi khía cạnh của làng game. Đôi khi bạn phải tìm được những nhược điểm trong những ưu điểm, khẳng định game X là tồi trong khi tất cả game thủ đều đồng thuận đó là game bom tấn…miễn là bạn phải có lập luận sắc bén, chuẩn xác để làm tốt nhiệm vụ của mình, một cây viết game đúng nghĩa.

Game Việt và nỗi đau bị thủng lưới trên chính sân nhà

Để trở thành một cây viết game giỏi, bạn phải có cá tính và góc nhìn của riêng bản thân mình. Đừng nên tin vào những gì đồng nghiệp đang viết, báo chí truyền thông đề cập mà bản thân mình chưa có sự nghiên cứu, hiểu biết tường tận về vấn đề đó. Hãy nghiên cứu, suy xét các vấn đề đó theo cách của riêng mình!

Và cuối cùng, viết game cũng yêu cầu ngôn ngữ, cách trình bày và những quy định chuẩn nghiêm ngặt giống hệt với báo chí chính thống. Ở đó có những con người luôn làm việc chăm chỉ và cống hiến hết mình. Nếu bạn không tiến lên, học hỏi không ngừng…thì bất cứ lúc nào bạn cũng sẽ bị đánh bật ra khỏi ngành nghề đang rất có sức hút này. Hãy làm việc thật chăm chỉ!

>> Làm game tại Việt Nam kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng