Mánh “dìm” đối thủ mua game online của NPH Việt Nam

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 13/09/2013 12:01 AM

Cùng lúc đàm phán mua game online, liệu có phải cạnh tranh lành mạnh?

Làng game Việt từ trước tới nay luôn là nơi những chiêu thức thậm chí là “mánh khóe” cạnh tranh của các nhà phát hành để có được lợi thế cũng như lợi nhuận cao hơn so với đối thủ được dịp tha hồ “tỏa sáng”.

Mánh “dìm” đối thủ mua game online của NPH Việt Nam 1

Trước đây chúng ta đã có những bài viết phân tích những mánh cạnh tranh không đẹp đẽ lắm của các NPH, từ việc sử dụng những cái tên sốc, độc, đôi khi có phần phản cảm, hay mua quảng cáo trên adword để game thủ bị nhầm lẫn lúc tìm kiếm thông tin về một tựa game, thu hút nhân tài của đối thủ, đến cả việc… mạo danh nhà phát hành khác để đàm phán mua game online tại thị trường nước ngoài…

Trong thời điểm game online tại Việt Nam đã chính thức có những chế tài quản lý việc phát hành, cũng là lúc các nhà phát hành game online trong nước bắt đầu dám để ý tới những game online có chất lượng tại các thị trường nước ngoài (thường thì vẫn là Trung Quốc), thay vì phải chịu quẩn quanh với những webgame nhàm chán và dễ khiến game thủ bội thực, từ đó có cái nhìn khác về NPH.

Mánh “dìm” đối thủ mua game online của NPH Việt Nam 2

Chính vì thế một hình thái cạnh tranh khác của một số nhà phát hành trong nước cũng dần hình thành. Trong những bài viết trước đây mà GameK có đề cập, không ít những game online đang trên đường về với dải đất hình chữ S đã và đang được cùng lúc nhiều nhà phát hành đàm phán một cách độc lập với đơn vị sở hữu bản quyền phát hành tại nước sở tại.

Điều này có nghĩa là, một tựa game đôi khi (có vẻ như đã) trở thành mục tiêu của nhiều NPH, tất cả (lại có vẻ như) đều muốn đưa tựa game này về mái nhà của chính mình bằng mọi giá. Thế nhưng liệu có đôi chút phi lý, khi số lượng những game online được đánh giá tích cực tại thị trường Trung Quốc là không hề nhỏ, thế nhưng vì sao các nhà phát hành lại cố gắng giành giật với nhau một tựa game online?

Mánh “dìm” đối thủ mua game online của NPH Việt Nam 3

Kỳ thực, theo đại diện một số NPH game Việt, đây là một chiêu thức “dìm” đối thủ mới của một bộ phận những cái tên đã trở nên quen thuộc trên bản đồ MMO Việt. Thông thường, sau khi “đánh hơi” thấy mục tiêu mà một nhà phát hành đối thủ đang nhắm tới, một số nhà phát hành Việt Nam cũng sẽ bước vào một cuộc đua ảo mà chính họ đã tạo nên.

Họ vẫn sẽ ngồi vào bàn đàm phán với đơn vị nắm giữ bản quyền, phía đối tác. Tuy nhiên mục đích của những nhà phát hành này hoàn toàn không phải để nẫng tay trên tựa game đầy hứa hẹn nọ, mà đơn thuần chỉ là gây khó khăn cho nhà phát hành thực sự mong muốn phát hành sản phẩm này.

Mánh “dìm” đối thủ mua game online của NPH Việt Nam 4

Việc cùng lúc phải đàm phán với nhiều bên chắc chắn sẽ khiến quá trình đạt được thỏa thuận hợp tác giữa hai phía, với một bên là nhà phát hành game online Việt Nam bị đình trệ. Chưa dừng lại ở đó, việc đàm phán cũng vô tình tạo ra tình trạng  khi đơn vị sở hữu bản quyền luôn muốn bán tựa game cho bất kỳ bên nào sẵn sàng trả cái giá cao nhất để sở hữu tựa game của mình.

Ở một chừng mực nhất định, cạnh tranh là chất xúc tác hoàn hảo để thúc đẩy thị trường phát triển. Thế nhưng quá chú tâm vào việc gây khó dễ đối thủ, không chừng hệ quả sẽ là gậy ông đập lưng ông. Hãy nhớ rằng, trong “cuộc chạt đua ảo” mà tôi đề cập ở trên, chỉ có nhà phát hành Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán với bên Trung Quốc.

Mánh “dìm” đối thủ mua game online của NPH Việt Nam 5

Vì tựa game sẽ được bán cho phía trả giá cao nhất, vì thế các nhà phát hành game online Trung Quốc sẽ chẳng ngại ngần gì mà không ép giá các NPH Việt chúng ta. Từ đó những kẻ hưởng lợi hoàn toàn không phải là các nhà phát hành “phá game”, mà đó chính là những người Trung Quốc. Hãy nhớ có một dịp, chúng ta đã bàn về vấn đề một tựa game khi bán cho thị trường Thái Lan với mức giá chênh lệch rẻ hơn gấp nhiều lần khi bán cho NPH Việt chúng ta.

Rõ ràng chiêu bài “dìm dập” đối thủ này của một số nhà phát hành game online Việt Nam lại dấy lên những lo ngại về những chiêu trò cạnh tranh mang tính lợi bất cập hại hiện nay. Hệ quả của chúng đôi khi khá giống với việc sử dụng những teaser 18+ chẳng hạn, khi sẽ chỉ có làng game Việt nói chung phải chịu thiệt hại nặng nề.