Lựa chọn tai nghe chơi game và những điều cần biết

PV  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/02/2016 02:23 PM

Việc lựa chọn một chiếc tai nghe chơi game phù hợp không hề dễ dàng, đặc biệt là với những game thủ mới bắt đầu bước chân vào thế giới Gaming Gear đầy mê hoặc.

Với xu hướng thể thao thao điện tử ngày một phát triển, các sản phẩm Gaming Gear cũng ngày được đầu tư, chăm chút chuyên sâu hơn. Với số lượng sản phẩm cực kỳ phong phú, chắc chắn rằng việc lựa chọn một chiếc tai nghe chơi game phù hợp không hề dễ dàng, đặc biệt là với những game thủ mới bắt đầu bước chân vào thế giới Gaming Gear đầy mê hoặc.

Trong bài viết dưới đây, mình xin gửi tới các bạn một vài hướng dẫn nho nhỏ cách thức lựa chọn một chiếc tai nghe chơi game ưng ý, cũng như phù hợp nhất với nhu cầu của mình!

1. Các tiêu chí khi lựa chọn tai nghe

Thế nào là một tai nghe chơi game tốt? Đây là câu hỏi được rất nhiều game thủ đặt ra khi đứng giữa bạt ngàn các sản phẩm trên thị trường. Mỗi người có một đôi tai khác nhau, khả năng cảm âm khác nhau và sở thích âm nhạc khác nhau, vì vậy mỗi người lại tìm được chiếc tai nghe ưng ý khác nhau. Nhưng, để đánh giá một tai nghe chơi game tốt hay không, đều có những tiêu chí cơ bản, và trong bài viết dưới đây, mình xin tóm gọn lại những tiêu chí để các bạn có thể lựa chọn được chiếc tai nghe chơi game phù hợp nhất !

1.a Âm trường:

Âm trường nói chung chỉ độ rộng của không gian âm thanh mà chiếc tai nghe tạo ra. Khi đánh giá âm trường người ta thường nói nó "bí, hẹp" hay "rộng, thoáng đãng"

Âm trường rộng: mọi âm thanh trong game sẽ được tái tạo rộng mở, mênh mông hơn, đặc biệt trong các game FPS khi mà tiếng bước chân, tiếng súng đạn cần được phân biệt rõ ràng và là điểm mấu chốt để dành chiến thắng

Âm trường hẹp: trái với rộng, một chiếc tai nghe có âm trường quá hẹp sẽ tạo cảm giác bí bách, khó chịu, mọi âm thanh dường như dí sát vào tai người dùng, không phân biệt được trước, sau…

1.b Âm hình

Nếu như âm trường là độ rộng mở của không gian, thì âm hình là độ chính xác của những âm thanh trong không gian đó. Một tai nghe có âm hình tốt luôn đi kèm với âm trường rộng mở, khi đó mọi tiếng động sẽ được định hướng, xác định vị trí rõ ràng và tạo lợi thế đáng kể trong những giai đoạn quyết định của trận đấu. Để dễ hình dung, khi các bạn sử dụng một tai nghe có âm hình tốt sẽ dễ dàng xác định chính xác tiếng bước chân đến từ trái, phải, từ trên trần, hay dưới đường hầm, v.v.... trong khi đó, với âm hình tồi thì phương hướng âm thanh sẽ bị lẫn lộn, độ xa gần không được thể hiện chính xác.

Thông thường các tai nghe 7.1, 5.1 sẽ cho âm hình tốt hơn các tai nghe 2.1.

1.c Âm sắc

Hay còn gọi là chất âm, mỗi tai nghe có một chất âm khác nhau và đây là đặc điểm chính để đánh giá một tai nghe chơi game là tốt hay kém. Việc đánh giá chất âm của tai nghe không hề đơn giản, ngoài việc thể hiện tốt các âm thanh trong game, còn phải tạo ra độ thoải mái khi sử dụng lâu dài, không khiến người dùng bị mệt mỏi do các âm thanh mà tai nghe tạo ra.

Với các game bắn súng góc nhìn người thứ nhất ( FPS ): Dải cao ( Treble ) cần được quan tâm nhất, treble lên cao tốt, đanh và sắc sẽ làm nổi bật tiếng bước chân. Ngoài ra 2 dải còn lại cũng không được quá “lùi” để có thể tái tạo tốt nhất tiếng bom đạn, cháy nổ.

Với các game MOBA, RTS, MMORPG, v.v..: Các bạn nên lựa chọn tai nghe có 3 dải tần cân bằng, hoặc tuỳ theo sở thích âm thanh và loại nhạc bạn thường nghe khi chơi game. Việc 3 dải tần không quá chênh lệch sẽ giúp các âm thanh trong game được tái tạo tốt hơn, vì trong các game kể trên, âm thanh thường hỗn tạp và không quá thiên về dải nào cả.

Kingston HyperX Cloud II - một trong những tai nghe có âm hình, âm trường cũng như âm sắc cân bằng nhất hiện tại.
Kingston HyperX Cloud II - một trong những tai nghe có âm hình, âm trường cũng như âm sắc cân bằng nhất hiện tại.

1.d Độ chi tiết:

Khi xem một bức tranh, nếu những vật thể từ nhỏ đến lớn đều được chăm chút tỉ mỉ, kĩ càng thì bức tranh đó có độ chi tiết tốt, điều này cũng giống như khi bạn đánh giá một chiếc tai nghe. Nếu những âm tiết nhỏ nhất đều được thể hiện chính xác thì chiếc tai nghe đó có độ chi tiết cao, và ngược lại.

1.e Tốc độ đáp ứng

Hãy tưởng tượng các âm thanh trong game như dòng người đi trên phố, nếu đi có hàng lối nhất định, thì họ sẽ đi nhanh và đều đặn. Ngược lại nếu chen lấn xô đây thì dòng người sẽ bị loạn. Giống như trong những trận chiến khốc liệt, khi mà âm thanh tới tai người dùng một cách đều đặn không chồng chéo, thì những trải nghiệm có được sẽ tốt nhất.

Trong game, dải dễ mất kiểm soát nhất và gây ra lấn âm là dải trầm ( bass ), âm trầm tạo nên sức sống cho những tiếng bom đạn, tạo nền cho những trận chiến gay cấn, nếu dải trầm làm không tốt thì sẽ nhấn chìm 2 dải kia, khiến cho những âm thanh hò hét, những tiếng bước chân bị lấn át, giảm hiệu năng chơi game đáng kể.

2. Những thông số cơ bản của tai nghe

2.a Dải ần đáp ứng:

Tai người có thể nghe trong khoảng 20Hz - 20.000Hz, hiện tại các tai nghe chơi game đều đáp ứng tốt dải tần này, thậm chí có những mẫu dải tần đáp ứng còn rộng hơn nhiều so với khoảng tai người có thể nghe.

2.b Kích cỡ Driver

Đây là đặc điểm thường được dùng để giới thiệu tai nghe, một Driver to thường sẽ có âm lượng to và bao quát hơn Driver nhỏ. Tuy nhiên để kiểm soát chất âm của Driver to cũng khó hơn rất nhiều.


53mm, đủ hay chưa?

53mm, đủ hay chưa?

2.c 2.1/5.1/7.1 thực và những điểm khác nhau

Các game hiện tại đều hỗ trợ rất tốt âm thanh vòm, tuỳ thuộc vào đặc tính của tai nghe mà chúng có khả năng thể hiện âm thanh theo 2/5/7 hướng khác nhau

● 2.1: Âm thanh thể hiện theo 2 hướng trái-phải, các âm thanh từ hướng khác không chính diện sẽ được thể hiện tuỳ thuộc vào chất lượng của tai nghe, khá nhiều mẫu tai nghe 2.1 nhưng âm hình rất tốt như Kingston HyperX Cloud, Corsair Void,…

● 5.1: Ngoài 2 hướng trái-phải, 5.1 còn có thêm hướng trước mặt và phía sau trái-phải nữa, tuy nhiên loại tai nghe 5.1 hiện tại không còn được ưa chuộng bởi kết nối khá khó khăn, và âm hình không thực sự vượt trội so với 2.1.

● 7.1: Chuẩn âm thanh chơi game cao cấp nhất hiện tại với 7 kênh âm thanh tương ứng với 7 hướng khác nhau. Để sử dụng được tai nghe 7.1 thực thì máy tính cũng cần được tích hợp soundcard 7.1 chuyên dụng. Âm hình của loại này là tốt nhất nếu game có hỗ trợ.

2.d Âm thanh vòm giả lập

Trong thời gian gần đây, âm thanh vòm giả lập đã xuất hiện dần dần ở rất nhiều các mẫu tai nghe chơi game trung cấp, các nhà sản xuất sử dụng động tác làm méo 1 âm tần nào đó, giúp người dùng cảm nhận rõ rệt hơn hướng của âm thanh chỉ với 2 loa. thay vì cần 7 loa như truyền thống. Sự khác biệt của âm thanh giả lập 7.1 so với 2 kênh truyền thống thể hiện rõ nhất trong phim ảnh, cũng như các game với chiến trường rộng và hoành tráng như BattleField, Starwar:Battle Front, Call of Duty, v.v…

Rất nhiều chức năng của chiếc tai nghe được giới thiệu trên vỏ hộp.
Rất nhiều chức năng của chiếc tai nghe được giới thiệu trên vỏ hộp.

2.e Phương thức giao tiếp với máy tính

Tai nghe chơi game phân ra 2 loại, sử dụng jack 3,5mm và jack USB.

● Jack 3,5mm: Âm thanh sẽ qua xử lý của soundcard máy tính, xuất ra tai nghe, vì vậy các máy khác nhau có thể cho ra âm thanh khác nhau. chuẩn 3,5mm rất thông dụng và tương thích tốt với các thiết bị di động

● USB: Âm thanh được mã hoá số và gửi đến DAC của tai nghe, sau đó DAC sẽ xử lý thành dữ liệu analog và phát ra âm thanh. Do đặc điểm tín hiệu đầu vào là tín hiệu số nên chất âm tai nghe sẽ không thay đổi khi cắm vào các máy khác nhau, cũng như do có dòng điện lớn từ USB nên tai nghe có thể được trang bị đèn led. Tuy nhiên chuẩn USB lại không tương thích tốt với các thiết bị di động.

3. Những đặc tính bổ sung

3.a Độ cách âm:

Nhưng game thủ luôn cần sự yên tĩnh tối đa để tập trung khi chơi game, vì vậy các hãng đều đưa ra rất nhiều cách để tạo sự cách âm tuyệt đối, khả năng cách âm cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất âm khi một tai nghe kín bưng ( closed ) sẽ cho âm trường bé hơn tai nghe dạng mở ( open ).

3.b Trọng lượng

Đo đặc điểm hay sử dụng lâu dài nên trọng lượng của tai nghe cũng rất cần được lưu ý, tai nghe nhẹ sẽ thoải mái hơn một tai nghe nặng khi đeo liên tục trong 4-5 giờ. Trọng lượng khoảng 300-400gr được coi là lý tưởng để sử dụng.

3.c Chất liệu đệm tai

Đệm tai nghe là phần ảnh hưởng trực tiếp tới độ thoải mái khi sử dụng, quá cứng hoặc quá mềm sẽ tạo cảm giác không thoải mái. Ngoải ra lớp đệm cũng là nhân tố quan trọng đóng góp cho âm hình và âm trường của tai nghe.

● Với loại đệm giả da ( PU ): Loại đệm này cho khả năng cách âm rất tốt, cũng như mềm mại khi đeo. Tuy nhiên với những bạn hay đổ mồ hôi xung quanh thì loại đệm này sẽ khá nhanh chóng bị mủn và bong tróc, cũng như do khả năng thấm hút kém nên mồ hôi bị đọng lại, gây hại cho đệm tai. Ngoài ra do đặc tính vật liệu, nên đệm giả da cũng khó vệ sinh nếu như bị bẩn.

● Đệm nỉ cho khả năng lưu thông khí rất tốt so với đệm da, do đó âm trường cũng được mở rộng hơn ( nếu so sánh trên cùng 1 sẩn phẩm ). Do khả năng thấm hút mồ hôi ra tốt và thoáng khí, nên đệm nỉ là lựa chọn tốt nếu ngồi trong những nơi có nhiệt độ không quá mát mẻ. Tuy nhiên cũng do khả năng thấm hút mồ hôi, nên đệm nỉ nhanh bị ám mùi mồ hôi/thuốc lá/mùi cơ thể và cần được vệ sinh thường xuyên (rất may là vệ sinh đệm nỉ dễ dàng hơn đệm da rất nhiều).


Đệm da hay nỉ?

Đệm da hay nỉ?

3.c Micro

Một tai nghe chơi game tốt không chỉ có chất âm cao cấp, mà còn cần 1 micro “ngon” nữa. Đa số các tai nghe chơi game hiện tại đều sử dụng microphone lọc âm và đơn hướng, giúp bắt dính giọng nói của người chơi, cũng như loại bỏ hoàn toàn tạp âm xung quanh. Ngoài ra khả năng uốn của dây mic cũng cần được chú trọng để có thể để vị trí phù hợp nhất, không quá gần cũng như không quá xa, tạo cảm giác thoải mái nhất cho người nghe ở đầu bên kia.

Một vài tai nghe còn sử dụng các thuật toán độc quyền để tăng chất lượng âm đầu ra, giúp triệt tiêu gần như hoàn toàn tạp âm và tăng âm lượng của người nói

3.d Dây nối

Một “phong trào” dây bọc dù được sử dụng trên nhiều mẫu tai nghe cao cấp. Nhưng không hẳn dây bọc dù vượt trội so với dây bọc cao su. Trong một vài trường hợp, dây cao su cho khả năng uốn theo ý người dùng tốt hơn dây dù, ngoài ra các mẫu dây dù thỉnh thoảng còn cọ sát với áo gây cản trở cho việc xoay trở. Nhưng không phải bao giờ dây cao su cũng tốt hơn dây dù, nhiều mẫu tai nghe cao cấp có dây dù được phù bề mặt đặc biệt triệt tiêu ma sát.

3.e Các tính năng phụ trợ

Điều không thể thiếu đối với các tai nghe chơi game. Tuy nhiên các tính năng này được hỗ trợ tốt nhất trên các mẫu sử dụng jack USB, khi đó toàn bộ âm thanh được xử lý bằng DAC riêng của tai nghe, vì vậy chất âm có thể tuỳ biến dễ dàng để phục vụ chuyên biệt cho các thể loại game khác nhau. Ngoài ra đèn led cũng là điểm nhấn cho góc chơi game, cũng như người sử dụng.

4. Tổng hợp một các mẫu tai nghe chơi game đáng mua trong phân khúc trung-cao cấp

4.a Razer

➤ Razer Kraken Pro/Kraken Mobile

● Driver: 40mm neodymium

● Nặng: 300g

● Đệm: giả da

● Cổng kết nối: 3,5mm

● Âm thanh: 2.1

● Microphone: đơn hướng ( Kraken Pro ), đa hướng ( Kraken Mobile )

● Nhược điểm thiết kế: Do thiết kế dạng đóng, cùng với đường kính đệm tai nhỏ nên Razer Kraken cách âm cực tốt, tuy nhiên điều này cũng gây một chút bí bách nếu người dùng có tai quá to.

● Tổng quan: Tai nghe chơi game phổ thông của Razer, một trong những tai nghe chơi game bán chạy nhất bởi thiết kế mạnh mẽ, màu sắc đa dạng và chất âm dễ nghe với đa số người dùng. Tuy nhiên do dải bass khá lấn nên Kraken Pro chưa thể hiện được tốt trong những game FPS thi đấu như CSGO, tuy nhiên cũng vì vậy mà Kraken Pro được nhiều game thủ ưa thích các tựa game hoành tráng như Battle Field, Call of Duty, Dota 2, League of Legends,… lựa chọn.

➤ Razer Kraken 7.1

● Driver: 40mm neodymium

● Nặng: 300g

● Đệm: giả da

● Cổng kết nối: USB

● Âm thanh: Giả lập 7.1

● Microphone: đơn hướng

● Nhược điểm thiết kế: Do thiết kế dạng đóng, cùng với đường kính đệm tai nhỏ nên Razer Kraken cách âm cực tốt, tuy nhiên điều này cũng gây một chút bí bách nếu người dùng có tai quá to.

● Tổng quan: Phiên bản nâng cấp của Razer Kraken với DAC tích hợp và đèn led 16,8 triệu màu. Do DAC tích hợp nên chất âm của Kraken 7.1 có thể điều chỉnh để phù hợp hơn với mục đích sử dụng, cũng như khả năng giả lập 7.1 nên Kraken Chroma thể hiện cực tốt trong môi trường phim ảnh, cũng như những game có khung cảnh hoành tráng.

4.b SteelSeries

➤ SteelSeries Siberia 200

● Driver: 50mm neodymium

● Nặng: 252g

● Đệm: giả da

● Cổng kết nối: 3,5mm

● Âm thanh: 2.1

● Microphone: đơn hướng

● Nhược điểm thiết kế: Siberia 200 có thiết kế gần như hoàn hảo được thừa hưởng từ đàn anh Siberia v2. Với phần đệm tai to, êm ái và headband tự co giãn, đây được coi là chuẩn mực thiết kế tai nghe chơi game.

● Tổng quan: Tai nghe chơi game dòng trung cấp của SteelSeries, với chất âm cân bằng và dải treble sắc nét, giúp tái tạo tiếng bước chân cực tốt. Cũng như âm hình, âm trường rộng rãi, chính xác, Siberia 200 là người kế nhiệm xứng đáng của Siberia v2 - vốn là top lựa chọn của các game thủ đam mê game FPS. Tuy nhiên dải mid của Siberia 200 có phần hơi khô khan, không phù hợp lắm khi nghe những thể loại nhạc trữ tình cần sự mềm mại, tuy nhiên điểm này không phải quá quan trọng với tai nghe chơi game

➤ SteelSeries Siberia v3 Prism

● Driver: 50mm neodymium

● Nặng: 252g

● Đệm: giả da

● Cổng kết nối: 3,5mm

● Âm thanh: 2.1

● Microphone: đơn hướng

● Nhược điểm: Siberia v3 Prism là bản nâng cấp của đàn anh Sibeira v3. Thiết kế của v3 Prism tạo cảm giác khá thoải mái cho người đeo do cũng có Driver to, ôm trọn vành tai, nhưng do khu vực headband nhỏ hơn so với Siberia v2, nên Siberia v3 Prism không thích hợp lắm với những game thủ có đầu ngoại cỡ

● Tổng quan: Về chất âm, Siberia v3 Prism có chất âm tương đối sáng, âm hình, âm trường thể hiện trong game tốt. Tuy nhiên do chất âm phục vụ tốt cho game nên khả năng trình diễn âm nhạc của Siberia v3 Prism không quá ấn tượng, dải mid bị khô và bass chưa đủ lượng...

➤ SteelSeries Siberia 650

● Driver: 50mm neodymium

● Nặng: 450g

● Đệm: giả da

● Cổng kết nối: 3,5mm, USB

● Âm thanh: 7.1

● Microphone: đơn hướng

● Nhược điểm: Siberia 650 là người kế thừa của Siberia Elite, một trong những tai nghe chơi game có đệm tai dày nhất và êm nhất, tuy có kích cỡ khá lớn, và nặng nhưng cảm giác sử dụng Siberia 650 là rất tốt, đệm tai êm và headband mềm mại.

● Tổng quan: Chất âm của Siberia 650 khá cân bằng, cả 3 dải đồng đều và không bị lấn, kết hợp cùng âm than 7.1 giả lập ( khi cắm vào soundcard đi kèm ), Siberia 650 đủ sức làm hài lòng phần lớn game thủ kể cả khó tính nhất.

4.c Kingston

➤ Kingston HyperX Cloud

● Driver: 53mm neodymium

● Nặng: 350g

● Đệm: giả da và nỉ, có thể thay đổi

● Cổng kết nối: 3,5mm

● Âm thanh: 2.1

● Microphone: đơn hướng

● Nhược điểm thiết kế: Microphone của Kingston HyperX Cloud II là loại tháo rời chứ không gấp gọn được, nên khi không dùng cần tháo ra và có thể gây thất lạc

● Tổng quan: Kingston HyperX Cloud được mệnh danh là ông vua dành cho game FPS, dải treble được làm rất tốt, đanh và sắc, âm hình, âm trường đều tuyệt vời. Tuy nhiên do chất âm quá chú trọng cho game, nên khả năng nghe nhạc của HyperX Cloud chưa thực sự tốt do dải mid khá khô, treble lên cao bị một chút sib.

➤ Kingston HyperX Cloud II

● Driver: 53mm neodymium

● Nặng: 350g

● Đệm: giả da và nỉ, có thể thay đổi

● Cổng kết nối: 3,5mm và USB

● Âm thanh: 7.1

● Microphone: đơn hướng

● Nhược điểm thiết kế: Do thừa hưởng 99,99% thiết kế của HyperX Cloud, nên Cloud II vẫn mang nhược điểm đó là Microphone không phải loại thu gọn mà là gắn rời, dễ gây thất lạc.

● Tổng quan: Được trang bị thêm Soundcard 7.1, HyperX Cloud II như hổ mọc thêm cánh, âm trường cũng như âm hình được tăng sức mạnh lên tầm cao mới, cực kì rộng rãi, chính xác, đây là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các game thủ FPSCorsair VOID Stereos

4.d Corsair

➤ Corsair VOID Stereo

● Driver: 50mm neodymium

● Nặng: 380g

● Đệm: nỉ

● Cổng kết nối: 3,5mm

● Âm thanh: 2.1

● Microphone: đơn hướng

● Nhược điểm thiết kế: Corsair VOID là một trong những tai nghe thoải mái nhất hiện tại. Do headband được làm bằng nhựa dẻo, và đệm tai vải nỉ. Tuy nhiên do lớp nhựa hơi dẻo quá, VOID Stereos có thể không vừa với những game thủ nhỏ tuổi

● Tổng quan: Là một trong những tai nghe rất hot thời điểm hiện tại do chất âm phục vụ rất tốt cho cả chơi game, lẫn giải trí. Âm trường của VOID cực kì rộng rãi, một phần là do lớp đệm nỉ giúp thông thoáng âm thanh, dải high lên cao tốt, không bị chói, cũng như bass đánh đủ lực, thể hiện tốt tiếng bom đạn, cháy nổ.

➤ Corsair VOID USB

● Driver: 50mm neodymium

● Nặng: 380g

● Đệm: nỉ

● Cổng kết nối: USB

● Âm thanh: 2.1

● Microphone: đơn hướng

● Nhược điểm thiết kế: VOID USB có thiết kế giống như VOID Stereos, nhưng có thêm đèn led ở hai bên củ tai để tăng tính thẩm mĩ. Cũng vì vậy, VOID USB có thể không vừa văn với các game thủ nhỏ.

● Tổng quan: Được sự trợ giúp đắc lực từ Soundcard thông qua cổng USB, chất âm của VOID RGB được gia tăng đáng kể chất lượng, đặc biệt là âm hình do hệ thống giả lập 7.1 đem lại. Những ưu điểm của VOID Stereos vẫn được giữ nguyên như Treble lên cao tốt, sắc bén, Bass đủ lực. Đây cũng là một thành công của Corsair bên cạnh VOID Stereos

5. Bảng chấm điểm chung các tiêu chí của tai nghe (Chấm theo thang điểm 10 mỗi mục, tối đa 80 điểm)

Bài viết được thực hiện bởi Trần Tất Đạt - Chuyên gia gaming gear thuộc công ty Hà Nội Computer!

Top tai nghe cao cấp đắt giá nhất cho game thủ Việt