Làm game Việt làm gì cho phí tiền?

PV  | 12/03/2012 0:00 AM

Đó là ý kiến của không ít game thủ, tuy nhiên quan điểm ấy có thực sự đúng đắn?

Như đã biết, mặc dù thị trường game online Việt đang dần thoát khỏi giai đoạn khó khăn, thế nhưng không ít game thủ vẫn đặt dấu chấm hỏi về tương lai của lĩnh vực này. Đặc biệt là vấn đề giải pháp để đưa làng MMO nội địa thay đổi bộ mặt mới chứ không chỉ đi theo vết xe đã đi gần chục năm qua.
 
Khá nhiều ý kiến được đưa ra và chia sẻ trên diễn đàn, trong đó vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là việc có nên đầu tư mạnh mẽ cho khâu sản xuất game thuần Việt, nhất là khi nó chưa được thành công thời gian qua. Thậm chí một số thành viên còn thẳng thừng cho rằng làm game Việt "chỉ phí thời gian", và số tiền của công sức ấy nên dành ra cho những giải pháp khác thực tế hơn. Quan điểm ấy có thực sự đúng đắn?
 
 
 
"Làm game Việt chỉ phí thời gian"?
 
Không phải ngẫu nhiên mà kết luận này lại được đưa ra trong khuôn khổ những thảo luận xung quanh tương lai ngành game Việt Nam. Nó được dựa trên thực tại gần, khi hầu hết chúng ta đều từng chứng kiến ít nhất một vài cái tên thất bại. Thất bại ấy có thể là tới từ mặt kỹ thuật (như Thuận Thiên Kiếm với đồ họa xấu) hay tới từ khâu nhận thức gamer (như 7554 với doanh số thấp).
 
Có một thực tế là không ít người vẫn quan niệm rằng chỉ cần game "made in Việt Nam" có chất lượng cao thì chắc chắn sẽ thành công, vì thế khi nhìn thấy 7554 không thể đạt được doanh thu mong muốn (dù là game FPS có thể nói là xuất sắc nhất nội địa), họ cảm thấy thất vọng tràn trề. Trong khi đó một số dự án đình đám khác như SQUAD của VTC thì lại phải... phát hành ra thị trường ngoại trước cả Việt Nam.
 

Thất bại doanh thu của 7554 và nhiều MMO thuần Việt khác khiến cộng đồng mất niềm tin.
 
Hơn nữa, nhận thức của đa phần giới trẻ nước nhà vẫn còn chưa cao, tình trạng hack, bot diễn ra liên tục. Tâm lý người chơi chỉ thích thể loại kiếm hiệp mua từ Trung Quốc, chấp nhận sống chung với loạt sản phẩm thấp kém dường như cho thấy rằng các MMO thuần Việt không thể có chỗ đứng trong cộng đồng nghèo nàn lạc hậu ấy.
 
"Tóm lại là VN ta bỏ ý định làm game đi là được, đỡ hao tổn tài chính với ngân sách... dùng tiền đó làm chuyện khác có ích cho xã hội thì hay hơn... Đâu phải nc nào cũng muốn làm game là được, cái quan trọng là có trọng dụng được nhân tài và có được ủng hộ hay không kìa...", một game thủ tâm sự, âu những suy nghĩ ấy cũng là vì những gì chúng ta vừa kể đến bên trên.
 
Không!
 
Thoạt nghe qua những khẳng định trên, cùng với nhiều nhức nhối trong cộng đồng gamer nội địa thì chắc hẳn ai cũng thấy chính xác. Thế nhưng nếu suy nghĩ một cách sâu sắc hơn thì mọi chuyện không đơn giản như thế.
 

Không lẽ chúng ta cứ mãi "cống tiền" ra nước ngoài vì những sản phẩm thế này?
 
Thứ nhất, bất cứ ai cũng nhận ra rằng cứ với tình hình như bây giờ thì các MMO tới từ Trung Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung sẽ tiếp tục thống trị Việt Nam. Dĩ nhiên, điều ấy không có gì là xấu, nhưng việc ngồi nhìn nguồn tiền trong nước cứ tuồn ra nước ngoài rõ ràng chẳng sung sướng gì. Có một sự thật là khoản tiền mà ngày ngày gamer Việt vẫn đổ vào trò chơi trực tuyến không hoàn toàn vào tay NPH mà còn phải chia sẻ lợi nhuận với hãng game bán cho họ.
 
Hiện tại, đa phần các bản hợp đồng mua game từ Trung Quốc về Việt Nam đều có giá rất rẻ hoặc thậm chí... chưa phải trả tiền ngay. Hai bên sẽ thực hiện ăn chia ngay trên lợi nhuận mà trò chơi thu được, nếu tỷ lệ ăn chia càng lớn thì số tiền thất thoát càng cao. Vô hình chung chúng ta đang cống tiền để nuôi sống những doanh nghiệp nước ngoài, trong khi thị trường game nội địa thì dậm chân tại chỗ. Để chấm dứt tình trạng ấy, rõ ràng chỉ có cách tự phát triển game hoặc thậm chí phát hành game ra nước ngoài.
 

Các studio nội địa cần thời gian để hoàn thiện mình.
 
Thứ hai, đúng là nhiều game thuần Việt đã thất bại, nhưng nên nhớ rằng mảng nội dung này mới chỉ xuất hiện và rộ lên khoảng 2 năm gần đây. Trong 2 năm ngắn ngủi mà có tới hàng chục MMO "made in VN" ra đời, đó là thành quả không phải là nhỏ và cho thấy sức tăng trưởng rất dồi dào của ngành nghề mới.
 
Bất kỳ công việc gì mới cũng khó khăn, làm game cũng thế, ban đầu có thể chưa thuyết phục nhưng nếu biết rút kinh nghiệm thì sẽ thành công. Sự thật là cách đây khoảng 6, 7 năm Trung Quốc cũng như chúng ta, bị MMO Hàn Quốc lấn sân quá nhiều (chiếm tới 80% thị trường), nếu họ cũng khoanh tay đứng yên thì giờ đây chắc chắn không thể trở thành một trong các cường quốc game online Châu Á.
 

Game "made in Việt Nam" còn vì lòng tự tôn dân tộc.
 
Thứ ba, và cũng là quan trọng nhất, đó chính là lòng tự tôn dân tộc. Việt Nam không thiếu những nhân tài trong nghề phát triển game, chỉ có điều chưa khai thác được nguồn nhân lực ấy mà thôi. Vì thế chẳng có lý do gì mà chúng ta phải từ bỏ ước mơ được đưa nền văn hóa nghìn năm vào thế giới trực tuyến để đưa đến bạn bè năm châu. Nghe qua điều ấy có vẻ xa vời nhưng dân tộc Việt đã vượt qua được nhiều thử thách còn cao hơn thế trăm lần.
 
Nhớ lại tâm sự của Emobi Games, sau khi chứng kiến 7554 không thành công như mong đợi, họ dù thất vọng nhưng vẫn tự hào vì đã đưa đến cộng đồng một sản phẩm tâm huyết của chính bản thân, đồng thời cũng biến giấc mơ game Việt của mình thành hiện thực. Chiến thắng ấy có thể không được trang hoàng bằng tiền bạc, nhưng vẫn khiến cộng đồng phải ngả mũ khâm phục là vì nó thỏa mãn được lòng tự tôn dân tộc, tinh thần dám nghĩ dám làm.