Khi game thủ online Việt Nam nhìn nhận lại game offline

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 18/03/2013 0:00 AM

Game thủ online nhìn nhận lại những điều game thủ offline nhận xét về họ.

Không lâu trước đây, tôi đã được đọc một bài viết tâm sự của một game thủ vốn quen chơi game offline nhìn nhận cộng đồng game online Việt. Thú thực là sau khi đọc bài viết của game thủ này, tôi có cảm giác vừa đồng tình, nhưng cũng có phần nghĩ rằng những nhận xét của bạn có phần quá khiên cưỡng khi cố gắng so sánh những chức năng của game online với game offline. Thông qua bài viết này, tôi cũng không hề có ý định “bật” lại tất cả những gì bạn viết bằng cách lôi những thứ của game offline ra để phân tích, mà thay vào đó là nhìn nhận lại những điểm bạn nhận định chưa khách quan trong bài viết trước.
 
Khi game thủ online Việt Nam nhìn nhận lại game offline 1
 
Đầu tiên chúng ta phải xác định một điều, cả hai thể loại game hoàn toàn không thể lấy ra để so sánh được với nhau. Dĩ nhiên chúng ta có thể xem xét những khía cạnh như đồ họa, gameplay hay tính cộng đồng, thế nhưng đó đều là những phép so sánh tương đối, mà có thể tôi sẽ kể một số mảng được bạn đề cập đến trong bài viết trước ngay dưới đây.
 
Đầu tiên là về khái niệm xã hội hóa. Xu hướng chung của rất nhiều game (tạm gọi là) offline trong vài năm trở lại đây, và cũng là điểm “ăn tiền” của những game như thế này chính là mục chơi multiplayer. Ở đó, người chơi có thể có những giây phút vui vẻ, thoải mái với những trận đấu giữa người chơi khác. Ở đó các game thủ có thể kết bạn được với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người chơi khác trên toàn thế giới.
 
Khi game thủ online Việt Nam nhìn nhận lại game offline 2
 
Lấy một ví dụ nho nhỏ, Battlefield 3. Gần như 100% game thủ được hỏi đều cho rằng mục chơi đơn của tựa game này chỉ là “hàng tôm tép” so với Call Of Duty, thế nhưng bù lại DICE đã làm rất tốt một điều đó là tạo ra một hệ thống Multiplayer có chiều sâu (rất sâu), cộng với việc gameplay cho phép những game thủ thuộc dạng “noob” cũng có thể làm quen với game và dần dần trở thành pro nếu chăm luyện game. Chưa kể, hệ thống Battlelog mặc dù còn nhiều bất cập khi sử dụng nền tảng trình duyệt, thế nhưng những chức năng của hệ thống này giúp người chơi như tham gia vào một mạng xã hội thực sự.
 
Đó là nơi những game thủ yêu thích Battlefield hay sau này là Medal Of Honor Warfighter có thể gặp được nhau và chia sẻ rất nhiều điều. Một tựa game người ta mua về những chỉ tập trung vào multiplayer thông qua mạng mà thậm chí không thèm động vào phần Single, thì sao có thể coi là game offline? Nói ngắn gọn và công bằng, thì những tính năng xã hội hóa mà DICE đưa vào BF3 có một phần công sức rất lớn của những người khai thác game online khai phá và hoàn thiện.
 
Khi game thủ online Việt Nam nhìn nhận lại game offline 3
 
Quay trở lại với MMO, một tựa game thuần multiplayer cũng sở hữu những điểm rất mạnh về cộng đồng. Con người quen nhau qua game, thậm chí nảy sinh tình cảm, trở thành vợ chồng ngoài thế giới thực. Thật lòng, tôi thấy rất ít “game offline” nào làm được điều tương tự.
 
Tiếp đến là gameplay. Đồng ý một điều game offline có lịch sử phát triển hơn hẳn so với game online, thế nhưng không phải vì thế mà hệ thống gameplay của game off lại luôn luôn sở hữu chiều sâu đáng ngạc nhiên, đến mức game thủ nọ cho rằng gamer MMO tại Việt Nam là “nhạt”. Dĩ nhiên nhìn vào thực tế có thể thấy được những webgame hay không ít các game online khác tại Việt Nam sở hữu lối chơi thiếu sự đầu tư, với auto, cash shop tràn lan.
 
Đúng, người chơi game online chúng tôi rất “dị ứng” với những thói quen chơi game như vậy. Thế nhưng có thể chắc chắn 100% cộng đồng gamer MMO tại nước ta không phải ai cũng cắm đầu vào những game như vậy. Mặc dù CCU ít, nhưng những game online theo kiểu truyền thống với lối chơi yêu cầu sự tìm hiểu khám phá vẫn có người chơi, chứ chúng chưa hề tuyệt chủng.
 
Khi game thủ online Việt Nam nhìn nhận lại game offline 4
 
Một điều nữa bạn nhắc tới, và cũng là một khía cạnh khác của cộng đồng game Việt, đó là chuyện cày kéo. Bản thân tôi không ủng hộ việc cày cuốc trong game. Các NPH cũng đã có những bước đi để khuyến khích game thủ chơi game có ý thức hơn, từ việc giới hạn giờ chơi thông qua số lượng XP thu được, đến việc khuyến khích game thủ nên chơi game vào ban ngày hoặc thời gian rảnh rỗi, tránh chơi game về ban đêm gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Không phải ai chơi MMO cũng đều là những “trâu cày”. Cách bạn nhìn nhận MMO và thưởng thức MMO ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào bạn, chứ không phải đua đòi theo cách những người khác thưởng thức game mà làm mất đi cái thú của việc khám phá một tựa game.
 
Trên đây cũng mới chỉ là một vài điều mà tôi muốn chia sẻ với bạn “game thủ offline” kia. Còn rất nhiều điều khác mà tôi không muốn so sánh hay giải thích, ví như cốt truyện game, nhân vật hay cách chơi, vì đơn giản game offline và online, như tôi đã đề cập ở trên, là hai thái cực dù không trái ngược nhưng cũng không có quá nhiều điểm chung. Hy vọng những gì được đề cập trong bài viết này sẽ giúp những game thủ, đặc biệt là gamer offline tại dải đất hình chữ S có được cái nhìn thoáng hơn và đa chiều hơn về cộng đồng game tại nước ta.