Game thủ Việt vẫn lầm tưởng những gì?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 26/01/2013 12:07 AM

Những nhầm lẫn này dù đã nhiều năm nhưng vẫn khó gạt bỏ được.

Game online Việt đã trải qua chặng đường hàng chục năm phát triển, với hàng vài trăm sản phẩm về nước nhưng chưa hẳn cộng đồng game thủ nội địa đã thấu hiểu tường tận về ngành này. Vì vậy thời gian qua, phần đông người chơi vẫn thường lầm tưởng không ít điều vô lý. Nguyên nhân có lẽ do tâm lý số đông hoặc tư tưởng cực đoan.
 
Cứ webgame là rẻ hoặc rác
 
Hiện tại, cứ khi nào nhìn thấy một webgame về Việt Nam thì câu bình luận dễ thấy nhất từ phía game thủ Việt là "rác lại về rồi". Thậm chí ngay cả khi họ còn chưa biết trò chơi đó ra sao hoặc đồ họa như thế nào. Sự thật thì ngay cả một số webgame 3D gần đây cũng vẫn bị đánh đồng với rác thải và kêu gào tẩy chay.
 
Game thủ Việt vẫn lầm tưởng những gì? 1
 
 
Có lẽ vì thế mà như đã đề cập trong bài viết trước, đa phần NPH không cảm thấy hoảng sợ khi trò chơi của mình bị chê bai. Họ vẫn tập trung vào vận hành và thực tế thì đa phần webgame về nước đều kiếm lãi chứ không lỗ. Hơn nữa, giá một webgame đời mới lúc này cũng không thua kém gì giá một client game, vì thế khó có thể đánh đồng tất cả là đồ vứt đi.
 
Thứ hai, dường như gamer Việt đang thần tượng hóa client game sau thời gian dài nó không được mua về nước. Trong khi có thể nói rằng ngoại trừ một số client game thực sự vượt trội ra, các sản phẩm trung bình cũng chỉ xêm xêm chất lượng với một webgame được đầu tư kỹ lưỡng mà thôi.
 
Game thu phí sẽ loại bỏ "trẻ trâu"
 
Với tình trạng chất lượng văn hóa của cộng đồng game thủ Việt xuống dốc, nạn hack và chửi tục gia tăng thì nhiều người chơi tâm huyết đang tỏ ra khó chịu. Họ cho rằng các game đỉnh về nước nên thu phí và đề ra nhiều mức giá như 200.000 ~ 300.000 VNĐ 1 tháng, thậm chí còn nghĩ rằng làm thế sẽ khiến game sống lâu hơn.
 
Nhưng có một thực tế là với xu thế bây giờ, một MMO thu phí sẽ chỉ thỏa mãn được lượng rất nhỏ gamer chịu chi trả, còn lại đại bộ phận sẽ bỏ qua. Mà một khi game đã không đông, không xôm thì ngay cả những người mua thẻ tháng cũng cảm thấy chán nản khi đăng nhập vào. Đó là chưa kể doanh thu của NPH cũng không cao.
 
Vì thế xét cho cùng, F2P vẫn là giải pháp khó khác được với các NPH nội địa. Mà không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới thì cũng chỉ còn vài MMO là thu phí giờ chơi, số còn lại đều đã chào thua và quyết định miễn phí.
 
Hack hoàn toàn do lỗi của NPH
 
Đã từ lâu, chuyện phàn nàn (thậm chí là chửi rủa) các NPH có game bị hack quá nhiều không còn xa lạ gì với làng game Việt. Không thể trách được game thủ vì họ thường xuyên bức xúc mà không thể làm gì được những kẻ gian lận.
 
Game thủ Việt vẫn lầm tưởng những gì? 2
 
Tuy nhiên, việc bất lực trước hacker cũng không hoàn toàn do lỗi của NPH, vì họ bị phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị sản xuất. Nếu NSX không tiếp tục hỗ trợ thì dĩ nhiên các bản vá chống gian lận cũng không có, NPH lại không có mã nguồn game trong tay nên chịu trận là điều không thể tránh khỏi.
 
Vì thế mà thời gian qua một số NPH lớn chủ động thành lập studio sản xuất của riêng mình để chủ động trong khâu kỹ thuật, không phải đợi đối tác nước ngoài fix lỗi mới update chống hacker. Ngoài ra, các MMO mua về Việt Nam thời bây giờ cũng rất khó để hack được.
 
Cứ nạp tiền nhiều là thành pro
 
Trong game online, kĩ thuật của người chơi (khả năng PK) là rất quan trọng bởi nó là một phần tất yếu giúp ta giành chiến thắng trong các cuộc chiến với kẻ khác. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều người chơi lại quá thiên theo hơi hướng "lấy thịt đè người" bằng các chỉ số level cao cũng như lượng item khủng.
 
Vẫn biết là dù có PK giỏi đến mấy nhưng nếu quá cách biệt về sức mạnh (level, item) thì cũng chẳng thể đánh bại được đối phương nhưng nếu chỉ xét trong phạm vị nhỏ hơn, khi mà các nhân vật có chỉ số không hơn kém nhau nhiều lắm thì lúc này, vinh quang sẽ rơi vào tay người biết PK giỏi hơn.
 
Như đã biết, từ hồi tháng 3/2010, đại gia Kiếm Thế Beokaka - người đã gây chấn động toàn bộ cộng đồng game thủ Việt khi trở thành "Vô song vương giả" đầu tiên tại Việt Nam và ở thời điểm đó, anh cũng đang đứng nhất, nhì trong top những người có điểm tài phú cao nhất Kiếm Thế (tương đương với đồ khủng nhất). Tuy đã chi tới hơn 2 tỷ cho nhân vật của mình nhưng khi tham gia các giải đấu cá nhân, Beokaka lại rất hiếm khi đăng quang.
 
Game online dễ gây nghiện
 
Tiếp tục là một quan niệm cực kỳ sai lầm nữa khi cho rằng chơi game online rất dễ gây nghiện. Trên thực tế thì với thực trạng game online nước nhà như hiện nay thì bạn có muốn trở thành con nghiện game cũng là... khá khó.
 
Game thủ Việt vẫn lầm tưởng những gì? 3
 
Khi mà đồ họa, chất lượng gameplay của các MMO đang được phát hành ở nước ta chỉ dừng lại ở mức trung bình, không có nhiều biến đổi và các game đều na ná nhau thì việc game thủ có thể chết mê chết mệt vì chúng quả là khó. Không chỉ có vậy, cộng đồng game thủ Việt lại khá nhạt nhòa, không gắn kết, gần như mỗi người khi đăng nhập vào game cũng chỉ quanh quẩn một mình đi làm các nhiệm vụ được hệ thống chỉ dẫn sẵn thì có lẽ, sẽ thật khó để chúng ta tìm lại được những con nghiện game sẵn sàng ngồi cả ngày để cày kéo như Võ Lâm Truyền Kỳ hay Kiếm Thế thời xưa.
 
Phần lớn game thủ Việt đều cả thèm, chóng chán khi chỉ sau một thời gian, họ sẽ rất nhanh cảm thấy không còn hứng thú với tựa game online mình đang chơi mà chuyển sang những trò offline trên PC/Console hay eSport như DotA, LoL... Chính vì vậy, việc nhận định rằng các game online dễ dàng bỏ bùa mê, thuốc lú đối với người chơi là thiếu xác thực.
Xem thêm:

MMO Việt Nam