Game online ngày càng nhạt là lỗi của game thủ Việt?

PV  | 03/05/2012 0:00 AM

Ghét "mỳ ăn liền" nhưng lại tạo điều kiện cho chúng phát triển, gam thủ Việt đang tự làm khó mình cũng như các NPH.

Không ai là không nhận thấy những gì mà sự phát triển quá nóng của game online Việt mang lại cho chính bản thân nó trong suốt những năm vừa rồi. Chắc hẳn cũng không mấy ai vui vẻ khi nhận ra thực trạng "nhạt nhẽo" hiện tại, tính cộng đồng in-game ngày càng phai nhạt dần, mức độ gắn kết giữa gamer với trò chơi giảm xuống thảm hại và họ sẵn sàng bỏ sang game khác mà không chút nuối tiếc.
 
Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào và ai đã dẫn đến những hậu quả này? Rõ ràng đây là một câu hỏi khó mà không phải ai cũng trả lời được và lại càng khó trả lời chỉ trong khuôn khổ một bài viết. Chính vì thế, bài viết lần này sẽ chỉ tập trung vào những khía cạnh chính, nổi bật và rõ ràng của "căn bệnh" này.
 
Thị trường càng lớn, cộng đồng càng nhạt
 
Hãy nhớ lại thời điểm ra đời của game online khi đó chỉ có khoảng 3 game được phát hành chính thức trên thị trường và trong suốt thời gian dài sau đó chúng không chịu sự cạnh tranh nào. Điều này đã tạo ra cho lứa game tiên phong này một cộng đồng rộng lớn và vững chắc.
 

Các buổi offline đang dần mất đi tính sôi động so với 2, 3 năm trước.
 
Game thủ khi đó có rất ít sự lựa chọn nên sẽ hiếm cảnh đang chơi game này lại bỏ ngang sang game khác, người chơi buộc phải gắn bó với một tựa game suốt thời gian dài, điều này đã trực tiếp tạo nên sức kết dính của cộng đồng. Thành công và sức sống của VLTK suốt những năm vừa rồi là minh chứng rõ ràng nhất.
 
Còn bây giờ? Game mới ra vời tần suất mỗi tháng 1 thậm chí là vài game, người chơi chưa kịp "nóng chỗ" với game thì bạn bè lại đã lôi kéo sang game khác khiến cho cộng đồng game online hiện nay rất không ổn định. Điều này xét về một khía cạnh nào đó tạo ra những điều không tốt cho sự phát triển của cả game online.
 
Lỗi của NPH?
 
Đương nhiên, yếu tố quan trọng với bất cứ NPH nào đầu tiên cũng là doanh thu. Không một NPH nào đưa một sản phẩm ra thị trường mà không quan tâm tới yếu tố này. Nhưng thật tệ khi một game online chỉ là công cụ để thu tiền.
 
Như đã biết ở bài viết trước, thị trường game online đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt và căng thẳng hơn đã buộc NPH phải đưa ra những chiến lược nhằm tăng doanh thu của game, trong đó có không ít phương pháp sẽ đồng thời giảm luôn cả tuổi thọ của game - điều mà game thủ sợ nhất.


Vấn đề doanh thu khiến NPH thường chọn game "mỳ ăn liền".
 
Nếu như trước đây chi phí và công sức để phát hành một game online tại thị trường trong nước là rất lớn nhưng hiện nay khi mà nền công nghiệp phát triển game online đang vô cùng lớn mạnh thì các chi phí này sẽ rất thấp với các sản phẩm chất lượng trung bình, thấp.
 
Điều này càng tạo ra "điều kiện" cho NPH đưa thêm nhiều nguyên liệu vào "nồi canh chung" của game online Việt. Tuy vậy, không phải nguyên liệu nào cũng ngon và một nồi canh cũng không thể ngon khi nguyên liệu đều không có chất lượng cao.
 
Thử hỏi, trừ những sản phẩm được chăm sóc của các NPH lớn như Kiếm Thế, TLBB, TQTK... thì các game khác hầu như không thu hút mấy sự chú ý của game thủ và khó có khả năng gây sốt trên thị trường, chúng chỉ đóng góp một phần rất nhỏ thậm chí là kéo cả thị trường đi xuống.
 
Hay là của game thủ?
 
Chính các game thủ cũng không thể chối bỏ lỗi của chính mình trong việc tạo ra những mặt trái không đáng có này. Điều này thể hiện qua chính những lựa chọn và tâm lý chơi game của họ.
 
Điều đầu tiên phải nhắc đến chính là sự thiếu kiên nhẫn của game thủ Việt trong quá trình chơi game. Họ rất nhanh chán và liên tục đòi NPH đưa ra các chức năng mới cho game.
 
Cả thèm chóng chán, chính game thủ đang khiến cộng đồng nhạt dần.
 
Lấy ví dụ ngay từ tựa game được yêu thích nhất thời điểm này: Kiếm Thế, game thủ Kiếm Thế luôn đòi ra mắt tính năng song tu ngay lập tức nhưng rõ ràng ai cũng hiểu tại thời điểm này còn là quá sớm và như vậy sẽ chỉ hại cho chính tựa game họ yêu thích.
 
Nói chung, giới trẻ nước nhà thường muốn rút ngắn quá trình làm họ nhàm chám mà ví dụ điển hình nhất là "luyện cấp" nhưng trớ trêu là điều ấy cũng đồng nghĩa với việc tự rút ngắn tuổi đời của game.
 
Tiếp theo, các game thủ Việt tỏ ra là những người "cả thèm chóng chán" và rất hiếm ai sẽ gắn bó thậm chí là ý muốn gắn bó với tựa game của mình. Đa số chơi theo sở thích và cho vui khiến cho chính các NPH phải phát hành các bát "mỳ ăn liền" để thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Và chính các game thủ sẽ lại từ bỏ những "bát mỳ" này và vòng tròn luẩn quẩn đó cứ lặp đi lặp lại.
 
Vẫn còn quá nhiều điều để nói, để bàn về nguyên nhân của những mặt trái này. Còn theo bạn, đâu là nguyên nhân chính giải thích cho sự đi xuống đang diễn ra trong làng game online Việt?