Game online “Hút máu”: Lỗi tại ai?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 30/03/2013 12:05 AM

Tình trạng vật phẩm trong game online đắt đỏ, nhưng vẫn có những đại gia bạo chi, là lỗi của nhà phát hành hay của chính bản thân game thủ?

Thông thường, các MMO hot nhất luôn bị chê là quá đắt đỏ, chỉ chiều đại gia mà không nghĩ tới dân nghèo. Điều này được đúc rút từ tình trạng cash-shop trong nhiều game online thời gian vừa qua đã tạo ra không ít những siêu nhân trong game, những người ngoài đời thực bỏ ra những khoản tiền lớn, rất lớn để nhân vật trong game của họ trở thành mạnh nhất.

Game online “Hút máu”: Lỗi tại ai? 1

Và cứ như thế, những người không chịu bỏ tiền, hoặc không có điều kiện đầu tư cho nhân vật trong game bỗng nhiên trở nên tụt hậu thấy rõ, với việc thiếu hụt rất nhiều chức năng mà chỉ ‘VIP’ mới có. Đến lúc này, người chơi sẽ lại quay ra đổ lỗi cho nhà phát hành vì đã quản lý game theo kiểu “pay-to-win”, nghĩa là cứ đổ nhiều tiền vào game là nhân vật sẽ mạnh.

Đốt tiền là do gamer hay NPH? 

Thậm chí có một số NPH tại Việt Nam mà cứ mỗi khi nhắc tới tên là thế nào ý nghĩ đầu tiên trong đầu gamer cũng liên quan tới chuyện hút tiền nhiều hay ít. Tuy nhiên, gamer Việt nên quy trách nhiệm cho ai, khi chi phí dành cho cày kéo GO càng tăng cao? Họ, những người bỏ tiền “đầu tư”, hay là các NPH - những "kẻ hút máu"?

Một sự thật là, dù có bỏ ra bao nhiêu tiền để chơi, hoặc không bỏ ra một xu nào để chơi thì cũng là do chính bản thân mình khống chế, chứ không phải do bất cứ một cái gì bên ngoài tác động vào. Nói cách khác, việc bỏ nhiều hay ít tiền vào game online hoàn toàn do chính các "thượng đế" tự nguyện chứ không ai bắt ép hay dọa nạt họ thực hiện.

Game online “Hút máu”: Lỗi tại ai? 2

Cũng theo gamer trên, nếu chi 2, 3 triệu VNĐ hoặc thậm chí là hơn thế chỉ vì ham mê quá độ mà không kiểm soát được khả năng chi trả của bản thân, thì rõ ràng khi đó gamer phải tự chịu trách nhiệm về hành động bản thân mình chứ không thể nào đổ tội cho game hay NPH. Và nếu đã không kiểm soát được khả năng chi trả của bản thân ở trong mô hình giải trí A, thì cũng khó có thể kiểm soát được khả năng chi trả ở một mô hình giải trí B, C, D nào đó...

Đã là kinh doanh thì bằng mọi phương pháp, mọi hình thức để có thể thu hút được nhiều khách hàng nhất, khiến cho nhiều khách hàng rút tiền túi ra nhất để chi tiêu vào sản phẩm của mình, và kiếm ra lợi nhuận.

Trên thực tế, đúng là các mô hình kinh doanh dù có theo phương pháp nào đi chăng nữa, thì cũng đều dẫn tới một kết quả duy nhất: Thu về lợi nhuận. Và như một lẽ dĩ nhiên, các NPH game online cũng nằm trong quy luật bất di bất dịch ấy. Nếu cảm thấy sản phẩm của mình đang "phất", CCU đang cao, người chơi đang hết mình với tựa game, thì họ chẳng dại gì mà không tăng giá vật phẩm, miễn sao cái giá mới không quá phi lý để game thủ có thể gật đầu chi thêm.

Game online “Hút máu”: Lỗi tại ai? 3

Điều quan trọng ở đây là, rất nhiều người chơi thường lên án hành động mà họ thường gọi là “hút máu” trên một cách mạnh mẽ, thậm chí sẵn sàng tuyên bố sắp bỏ game hoặc cạch mặt tất cả các trò chơi của NPH đó, tuy nhiên chẳng mấy chốc họ lại quay lại vì không vượt qua được sự cám dỗ. Và thế là tất cả tạo nên một cái vòng luẩn quẩn: game tăng giá - khách hàng chê nhưng vẫn nạp thẻ nhiều - game tiếp tục tăng giá...

"Kẻ hút máu" vô tội? 

Với những phân tích ở phần đầu bài viết, dường như toàn bộ nguyên nhân dẫn tới việc thế giới ảo đắt đỏ đều do gamer chứ không phải các NPH vì họ làm đúng "quy luật kinh doanh", thế nhưng mọi chuyện hoàn toàn không đơn giản như vậy.

Trong lịch sử ngành công nghiệp game online, đã có quá nhiều những trường hợp một món đồ mới được quảng cáo rầm rộ với tính năng vượt trội và vẻ ngoài bắt mắt, thế nhưng khi bỏ không ít tiền mua về, nhiều người chơi mới ngã ngửa khi phát hiện ra công năng của chúng nhỏ hơn nhiều so với số tiền họ bỏ ra. Nói cách khác, cơ hội để khách hàng xem xét chất lượng sản phẩm trước khi chi tiền là không có.

Game online “Hút máu”: Lỗi tại ai? 4

Vậy thì ở đây không thể nói rằng NPH vô tội, họ đã cố tình úp mở về món đồ mình sắp tung ra, đánh vào thị hiếu và sự tò mò của gamer để bán được với giá hời. Đó là chưa kể tới việc một số thủ thuật nhằm kích giá thị trường ảo lên cao và ru ngủ người chơi.

Ngoài ra, một phương án cũng hiệu quả không kém là sử dụng một chương trình khuyến mãi với giá thuê các loại vật phẩm rẻ hơn tới 50%, điều này chắc chắn sẽ khiến nhiều game thủ nhà nghèo cũng cố công rót tiền để sở hữu bằng được. Thế nhưng khi giai đoạn khuyến mãi kết thúc, rõ ràng việc từ bỏ món hàng quý vì không đủ tiền thuê là khó xảy ra vì nếu làm vậy, khoản tiền ban đầu chi ra coi như mất trắng.
 
Game online “Hút máu”: Lỗi tại ai? 5

Hay trực quan hơn cả là trường hợp đã xảy ra trong quá khứ của các GO chuẩn bị đóng cửa, không ít doanh nghiệp bắt đầu “đánh cú chót” bằng cách triển khai event rầm rộ như giảm giá vật phẩm, x2 điểm kinh nghiệm khiến gamer thường rất vui mừng vì trò chơi ảm đạm trong thời gian dài bỗng hồi sinh và họ bắt đầu bỏ tiền nhiều hơn. Thế nhưng chỉ 1, 2 tuần sau đó, tin dữ về chuyện ngừng phát hành ập đến và coi như họ cũng tay không.

Ai mới là người có lỗi? 

Đã buôn bán là phải kiếm lời, nhưng không phải là bằng mọi cách, đó chắc chắn cũng là những lời giảng dạy mà nhiều nhà kinh doanh từng nghe tới mòn tai trên giảng đường. Vậy thì các NPH có hoàn toàn vô tội? Kết luận này có lẽ xin để lại cho chính người chơi phán xét.