Game online đã phân hóa xã hội ảo như thế nào?

Vĩnh Hậu  | 04/09/2011 0:00 AM

Game online với đặc thù của mình đã phân hóa người chơi thành nhiều loại khác nhau.

Như một xã hội thu nhỏ, game online đã kết nối bao người lại với nhau trong một hoảng không gian đủ cho họ thể hiện tất cả những cá tính của mình. Mỗi người đã tự tạo nên một hình ảnh riêng, một ấn tượng riêng.
 
Nhưng ngược lại, với đặc trưng của mình, game cũng tạo ra được một sự phân hóa trong cộng đồng người chơi. Sự phân hóa này tạo ra những mảng khác nhau khá phong phú. Bằng một liệt kê vui, chúng ta cùng lướt qua sự phân hóa mà game online đã làm.
 
Gameplay – “Gà” và “Pro”
 
Nhân vật trong game online hiện nay, nhất là các game nhập vai, thường rất phong phú và đa dạng. Mỗi game thường có ít nhất cũng đến 4 lớp nhân vật khác nhau, mà sau này có thể phân nhánh ra đến hơn 10 loại. Hay các môn phái trong game cũng đi theo những hướng phát triển khác nhau. Tuy vậy, chung quy lại thì chúng thường có hai hướng cơ bản.
 
Thứ nhất, đó là các kiểu nhân vật có giáp “dày”, sức chịu đựng tốt, “trâu bò” trong tấn công, “lì lợm” khi phòng thủ. Đặc điểm chủ yếu của những nhân vật này là khả năng càn lướt, “tank” ngon lành nhưng khá chậm chạp và sức tấn công không cao lắm.
 
 
Kiểu nhân vật còn lại thường yếu hơn về khoản phòng ngự, nhưng lại nhanh nhẹn hơn, sức sát thương cao hơn. Các nhân vật dạng này có thể có những kĩ năng riêng biệt, tốt cho việc vừa đánh vừa chạy, thao tác uyển chuyển, linh hoạt, nhưng khi ăn phải đòn thì mất rất nhiều “máu”.
 
Với hai hướng phát triển nhân vật chính như thế, không bên nào quá nổi trội, cũng tạo ra sự lựa chọn cho người chơi. Và với nhân vật mà mình đã lựa chọn, nó cũng phản ánh một phần con người của người chơi.

Những người có kĩ năng tốt, thao tác nhanh nhẹn, linh hoạt, thường chọn các lớp nhân vật có sức sát thương cao, nhanh nhẹn. Họ có thể thay đổi liên tục trong lối chơi để vừa đánh được đối phương, vừa tránh bị “ăn đòn”. Còn với những người kĩ năng không được tốt, tuổi đã cao, mắt mờ tay run, sự chắc chắn là cần thiết, nên họ sẽ hợp với những kiểu nhân vật “trâu bò”, tuy chậm chạp nhưng cũng khó chết.



Và cứ có một quy luật là, hễ ai mà nắm nhân vật yếu nhưng thao tác tốt, đánh bại kẻ địch, người đó sẽ được tung hô, còn những người nắm các nhân vật trâu bò, cũng chỉ nhận được lời nhận xét là “vai u thịt bắp”, “hữu dũng vô mưu”, hay nói nôm na là “đồ con gà”.
 
Ném tiền – Đại gia và con nhà nghèo
 
Những người chơi game lấy niềm vui là chính, họ thường không mấy câu nệ chuyện hơn thua với người khác. Nhưng cũng có những người khi đã chơi, chắc chắn họ sẽ phải hơn được người khác, phải đánh thắng được đối phương.

Chính vì vậy, không ít người bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu để mua đồ trong game hoặc nạp thẻ với ham muốn được “VIP” hơn người ta. Số tiền họ bỏ ra có khi bằng cả mấy năm trời một người bình thường có thể kiếm được ngoài đời.



Và cũng chính vì sẵn sàng bỏ ra hàng đống tiền vào game, những người như trên sẽ được cộng đồng xếp vào hạng “đại gia”, một tiếng nói có trọng lượng gấp nhiều lần những người chơi khác, dẫu cho game chỉ là một cuộc chơi ảo, không được công nhận.
 
Dĩ nhiên cũng sẽ có những người không có nhiều tiền nạp vào game, và họ không ai khác cũng là những người nhìn các “đại gia” và ngưỡng mộ. Không có tiền đồng nghĩa với việc trở thành một “dân đen”, không nhiều người biết đến và cũng dễ bị “ăn hiếp” trong game.
 
Cũng như xã hội bên ngoài, tiền bạc cũng là một khía cạnh mà game phân cấp người chơi thành những địa vị khác nhau. Dĩ nhiên thứ hạng này không ảnh hưởng gì đến cuộc sống thực, nhưng trong tất cả những gì liên quan đến game, thậm chí là những cuộc offline, địa vị về tiền bạc trong game vẫn được phân định rõ ràng.
 
Kiếm tiền – Người ngay, kẻ gian
 
Tiền ảo cho đến nay vẫn chưa từng được công nhận giá trị. Nó chỉ được sử dụng trong game mà thôi. Tuy nhiên, nói vậy không phải là nó không đáng một xu. Những người chơi game thường tự định giá tiền với nhau, và thật sự thì giá của tiền ảo không hề rẻ một chút nào.



Vậy nên, không hiếm người sẵn sàng lao đầu vào công cuộc tìm kiếm tiền ảo, với mục đích này hay mục đích khác. Bằng việc bán số tiền này ra tiền mặt, họ kiếm được một khoản không nhỏ mỗi ngày. Tuy nhiên, cách kiếm tiền của mỗi người thường khác nhau.
 
Có những người chọn cách làm của “thương nhân”, mua đi bán lại những món đồ ngoài chợ, kiếm lời từ đó. Lời lãi đôi khi phụ thuộc nhiều vào hên xui, nhưng họ rất “kết” cách làm này. Cũng có những người “cày cuốc” các nhiệm vụ trong game để kiếm tiền thưởng, hay kiếm tiền rơi từ quái, hoặc tìm những món đồ ngon, đồ hiềm rơi ra bán cho những người chơi khác.

Tuy vậy, nhiều người chơi lại chọn cách làm không mấy trong sạch. Họ có thể ra chợ để lừa đảo, đánh tráo hàng tốt với hàng “lởm” để lừa những người nhẹ dạ. Giả danh GM để lừa lấy password người khác, rao link chứa virus, trojan, hack tài khoản người khác bán lấy tiền cũng là cách chơi mà nhiều người lựa chọn.



Dĩ nhiên là nhân nào quả ấy. Khi chơi bời không trong sạch, những người này sẽ bị tẩy chay, chửi bới không kém gì ngoài đời thực. Lợi nhuận từ game khiến cho một bộ phận game thủ phân hóa thành những loại người khác nhau. Đó là minh chứng cho sức ảnh hưởng của game online.