Game lậu còn hoành hành nếu chưa quản được thanh toán trực tuyến

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 07/05/2014 12:16 AM

Một khi thanh toán trực tuyến vẫn chưa có những chế tài quản lý cụ thể, thì nó vẫn sẽ là công cụ để một số doanh nghiệp khai thác thông qua những game lậu.

Cần chặn lọc game lậu từ khâu thanh toán


Theo một đại diện của VTC Intecom, hầu hết các doanh nghiệp game online, nhất là phát hành game lậu tại thị trường Việt Nam vẫn đang sử dụng các phương thức thanh toán qua thẻ cào trả trước, quy mô hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong số các loại thẻ cào được game thủ sử dụng để thanh toán thì đa phần là thẻ trả trước của các nhà mạng như Viettel, VinaPhone, MobiFone,...


Game lậu còn hoành hành nếu chưa quản được thanh toán trực tuyến 1


Trên thực tế, bên cạnh việc dùng thẻ cào để thanh toán, các game thủ đang có xu hướng sử dụng cổng thanh toán để giao dịch trực tuyến. Ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng Giám đốc VCCorp chia sẻ hiện trạng có không ít công ty "ma" phát hành game lậu tại Việt Nam đã đấu nối vào các cổng thanh toán để kinh doanh không phép, đến khi bị cơ quan quản lý phát hiện ra thì nhanh chóng "biến mất", gây thiệt hại cho người chơi game và các doanh nghiệp liên quan.


Các doanh nghiệp game như VNG, VCCorp, VTC,... đều cho rằng việc các cơ quan quản lý sớm áp dụng các biện pháp, công cụ chặn lọc ở khâu thanh toán sẽ là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các loại game lậu phát triển tại thị trường Việt Nam.


Game lậu còn hoành hành nếu chưa quản được thanh toán trực tuyến 2
Game lậu vẫn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm tại thị trường Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cơ quan quản lý không bắt kịp xu hướng phát triển


Tại một hội thảo gần đây bàn về hoạt động quản lý game và Internet, lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, Bộ TT&TT thừa nhận, gần đây game lậu tràn lan trên thị trường mà chưa có giải pháp quản lý hiệu quả. Quan điểm của Bộ TT&TT là để hạn chế hiệu quả tình trạng này, cần có quy định điều chỉnh hoạt động của cổng thanh toán (nơi doanh nghiệp nước ngoài thu tiền từ người chơi trong nước) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (các đơn vị cho thuê máy chủ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật để doanh nghiệp nước ngoài phát hành game lậu ở Việt Nam). Đặc biệt, việc kiểm soát được các cổng thanh toán sẽ triệt tiêu được phần lớn nguồn thu của doanh nghiệp phát hành game lậu. Tuy nhiên, hiện các quy định liên quan đến cổng thanh toán vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng.


Bản thân từng theo đuổi khá lâu việc xin cấp giấy phép cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian (trong đó có cả hoạt động thanh toán cho các giao dịch game), đại diện VTC Intecom chia sẻ: "Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nghị định về hoạt động trung gian thanh toán từ cuối năm 2012, chính thức có hiệu lực từ tháng 3/2013, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về cấp phép dịch vụ cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán".


Trước thực trạng này, các doanh nghiệp kinh doanh game cho rằng cơ quan quản lý đã không bắt kịp xu hướng phát triển của ngành game. Hiện tại, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cổng thanh toán không thể "phanh" một khoản tiền của doanh nghiệp bị nghi là cung cấp game lậu bởi chưa có quy định, cơ sở pháp lý cụ thể nào cho việc này.


Quản cổng thanh toán: Bất khả thi?


Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG cho rằng ngành game đang có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các cổng thanh toán điện tử quốc tế. Ví dụ người dùng điện thoại Apple nếu muốn mua ứng dụng game sẽ phải kết nối thanh toán quốc tế, hoặc nhiều game thủ sẽ dùng thẻ thanh toán Visa, Master để giao dịch. Với các phương thức thanh toán quốc tế, cơ quan quản lý Nhà nước ở Việt Nam không có nhiều khả năng kiểm soát được vì hoạt động giao dịch thanh toán phụ thuộc các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế hoạt động ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Với các cổng thanh toán nội địa, cũng không thể bắt buộc các doanh nghiệp cung cấp, vận hành cổng phải biết tường tận từng giao dịch qua cổng được chi trả cho sản phẩm, dịch vụ game nào bởi việc này rất khó. Doanh nghiệp không thể kiểm soát 100% hoạt động đi qua hệ thống thanh toán của mình.


Game lậu còn hoành hành nếu chưa quản được thanh toán trực tuyến 3


Phó Tổng Giám đốc VCCorp Nguyễn Thế Tân đề xuất cơ quan quản lý nên học hỏi kinh nghiệm của các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng để áp dụng vào hoạt động quản lý giao dịch game. Chẳng hạn đưa ra nhiều tiêu chí bắt buộc các cổng thanh toán phải đáp ứng để giám sát các giao dịch như nếu phát hiện thấy lưu lượng giao dịch tăng đột biến, giá trị giao dịch phát sinh tới 500 triệu đồng/tháng,... thì nhanh chóng cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để lần tìm các dấu vết của game lậu.


(Theo ICT News)