Đạo chơi game - Người Việt có mấy ai hiểu

PV  - Theo PLXH | 15/09/2014 02:30 PM

Người chơi game thì nhiều, nhưng người “hiểu” game thì ít, kẻ “thưởng” game càng ít hơn.

“Nghề chơi cũng lắm công phu” – Câu này không phải là các cụ dạy mà là của một trong những nhà văn nổi tiếng Việt Nam, cụ Nguyễn Tuân, đã nói. Chơi là cái thú, nhưng để chơi sao cho giỏi, cho hay, đôi khi lại thành một nghề. Chả thế mà những cái phục vụ cho tinh thần như chơi hoa, chơi chim, chơi cờ, chơi… này nọ đôi khi còn được đem ra thi thố, đua tài để xem ai tinh tế hơn ai.

“Chơi game là một nghệ thuật và người chơi game hẳn là nghệ sĩ” – Câu này thì không phải của các cụ mà cũng chẳng phải của gã nhà văn, nhà thơ nào cả mà là của… tôi, một tay “thợ chữ”, một tay game reviewer đã “nghỉ hưu” do dòng đời xô đẩy nghĩ ra. Chắc cũng có một vài người nói rồi, nhưng để trong một bài viết thế này, chắc tôi là người đầu tiên.

Đạo chơi game - Người Việt có mấy ai hiểu

Ấy vậy mà cũng đúng đấy. Ngẫm thử mà xem: người chơi hoa thì nhiều nhưng đâu phải ai cũng hiểu được cái tinh tế của thưởng hoa, đâu phải ai cũng hiểu rằng hoa hướng dương khi đem tỏ tình còn mạnh mẽ hơn cả hoa hồng nhung; người thưởng trà cũng chả ít mà đâu phải ai cũng hiểu chén trà của người Hà Nội ngày xuân khác với chén trà của người Sài Thành ngày hè, người thưởng chim đâu phải ai cũng hiểu rằng chim bồ câu nấu món gì là ngon nhất?!

Chơi game cũng vậy mà thôi. Người chơi game thì nhiều, nhưng người “hiểu” game thì ít, kẻ “thưởng” game càng ít hơn.

Đạo chơi game - Người Việt có mấy ai hiểu

Tôi chưa dám nhận là kẻ “thưởng” game, vì cái “yêu” của tôi với game còn hãn hữu lắm. Có những người đàn anh của tôi, bỏ cả đời theo nghiệp game, coi game như cuộc sống của mình, trung thành với nó ngay cả khi nó ở bên bờ vực hiểm nguy nhất. Họ, có thể là một biên tập viên của tờ báo game đã chết nào đó, có thể là nhân viên của một công ty gameonline ngày ngày bị xã hội dè bỉu nào đó, hay đơn thuần chỉ là một người cứ hàng tháng lại bỏ tiền ra mua một game gốc để thoả mãn cái thú “chơi” của mình.

Đối với tôi, họ thật đáng trân trọng. Vì họ “thưởng” game, “hiểu” game đúng nghĩa. Còn tôi, vì miếng cơm manh áo mà đành không thể theo nghiệp, chỉ còn có thể thi thoảng ngồi lạm bàn, hay còn gọi là “chém gió” theo ngôn từ bây giờ với các bậc đàn anh mà thôi. Âu cũng là cái buồn.

Đạo chơi game - Người Việt có mấy ai hiểu

Chơi game ấy vậy mà không dễ. Hồi bé thì dăm bảy nghìn, lớn lên, thêm chục nghìn nữa cho cái đĩa game, chơi xong là vứt, “phá đảo” xong là quên, thường thì người ta sẽ gọi đấy là chơi game, còn tôi thì không. Đấy chỉ là cái thú tiêu khiển của trẻ con mà thôi, chưa thể gọi là “chơi” được. Người chơi, nhất phải có tâm, nhì phải có lòng.

Tâm ở cái tôn trọng game, tôn trọng người làm game, như vậy chính là tôn trọng bản thân mình. Lòng ở cái hiểu game, hiểu ý nghĩa truyền đạt của người tạo ra câu chuyện, muốn khám phá, muốn tìm tòi những cái mà game gợi mở. Đã bao giờ bạn hoàn thành game mà vẫn còn day dứt với kết thúc của câu chuyện? Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng để có thể cho ra một sản phẩm như vậy, người làm game phải đầu tư, phải đọc, phải nghe, phải xem, phải hiểu những gì?

Câu trả lời cho mỗi người là khác nhau. Nhưng tin rằng những ai đã tự tìm được cho mình, một lúc nào đó, sẽ “Ồ” lên mà rằng: “Thật thú vị, thật thú vị!”. Và như thế, đôi khi cảm hứng để chơi đến với ta gần như bất tận, ta cũng biết chơi như thế nào là đủ, game nào là hay, ta có được cảm quan của riêng mình, có được đánh giá của riêng mình, và thậm chí vận dụng những cái ta có từ game vào trong cuộc sống thường nhật.

Đạo chơi game - Người Việt có mấy ai hiểu

Nói ví dụ với bản thân tôi mà thôi, tôi là một người sản xuất truyền hình, tức là tôi cần những bài học về hình ảnh, âm thanh, bố cục, đạo diễn... Game đã dạy tôi rất nhiều những điều ấy, về cách sắp xếp trường đoạn, về cách sử dụng câu thoại, về việc chọn âm nhạc cho chương trình của riêng mình. Một lần, có người xem chương trình của tôi và hỏi rằng: “Nhạc ở đâu hay vậy?”. Tôi không trả lời và chỉ cười; tôi biết có trả lời, họ cũng không hiểu được vì đó là nhạc lấy từ Final Fantasy 7: Crisis Core và Dynasty Warriors 4 mà. Là gamer, đôi khi có được nhiều lợi thế như vậy đó.

Chơi game, giống như đọc một quyển sách hoặc xem một bộ phim, nhưng lại hay hơn ở chỗ ta tương tác được. Vậy nên mức độ nhập tâm cao hơn nhiều, tất nhiên là chỉ với những game hay mà thôi. Và khi đã chơi đến một mức độ nào đó, người ta sẽ tránh được cảm giác nghiện hay cảm giác đua đòi vì người ta hiểu mình cần gì, mình muốn gì.

Đạo chơi game - Người Việt có mấy ai hiểu

Tôi, khi còn đi học, cũng hay rơi vào hai trạng thái đó: nghiện và đua đòi. Nghiện có nghĩa là không thể rời màn hình máy tính nửa giây, say mê trong một thế giới ảo nào đó để chinh phục những đỉnh cao không có thật. Đua đòi có nghĩa là thấy người ta chơi game này game kia cũng theo, mặc dù bản thân không hề hiểu về nó. Phải mất một thời gian dài, tôi mới hiểu được chơi game không chỉ có như thế.

Cái gì cũng vậy, quá là mất hay, dư thừa là mất vị. Chơi ít nhưng thấm, thưởng ít nhưng chất, biết ít nhưng hiểu nhuần, ấy mới đáng gọi là chơi vậy. Chơi một game mà mở mang thêm về lịch sử, về văn học, về ngôn ngữ, về âm nhạc, chơi một game mà cảm được hết cái tinh thần của game, ấy mới đáng gọi là chơi vậy. Bởi vậy mà giờ, cả năm chỉ có khi chơi vài ba game, nhưng đáng tiền, đáng thưởng, và chỉ cần có một người chung sở thích bàn về những game đó, âu cũng là một cái lạc thú ở đời...

>> Ký ức "đau đớn khó quên" của tuổi thơ chơi game