Đã có tên cụm từ đáng sợ nhất với gamer Việt năm 2012

PV  | 01/06/2012 0:00 AM

Đó chính là "Webgame".

Webgame vẫn tiếp tục được đưa về nước
 
Từ khi các NPH trở nên khó khăn trong việc xin giấy phép lưu hành các MMO cài đặt từ khoảng đầu năm 2011 cho tới nay thì đã có khoảng gần 30 Webgame từ nhập vai, chiến thuật cho tới casual được phát hành ở Việt Nam. Nếu tính thêm cả các Webgame cũ đã được phát hành trước đây thì thậm chí, Webgame đã vượt mặt các MMO casual về số lượng. Không chỉ có vậy, trong thời gian tới, chúng sẽ vẫn tiếp tục được ồ ạt phát hành.
 
 
Hãy cùng thử tính toán lại, hiện nay, có được bao nhiêu người chơi ở một Webgame. Không tính đến một vài ông lớn như Tam Quốc Truyền Kỳ, Ngọa Long, Võ Lâm Chi Mộng... thì đa số các Webgame còn lại đều chỉ tồn tại dưới dạng "cầm chừng". Số lượng người chơi ở 1 server là quá ít bởi lượng người bỏ cuộc chơi tăng đến chóng mặt. Sau một thời gian, các server này ngày càng trở nên vắng vẻ và lúc này, người chịu thiệt tất nhiên lại chính là gamer khi họ chơi online mà chẳng tìm được đối thủ để so tài.
 
Điều đáng sợ hơn là mặc dù thị trường Webgame ở Việt Nam đã gần như bão hòa nhưng chúng vẫn đang tiếp tục được đưa về nước. Từ đầu năm 2012 cho tới nay, sau 5 tháng với mức tăng trưởng bình quân gần 4 Webgame/tháng, làng game Việt đã đón chào thêm gần 20 Webgame mới và con số này sẽ.. tiếp tục tăng mạnh trong tương lai, khi mà ở thời điểm này, mặc dù chưa sang tháng 6 nhưng chúng ta đã biết được thông tin về việc 3 Webgame mới sắp được mở cửa trong tháng tới. Như vậy là cho đến hết năm, game thủ Việt sẽ được đón tổng cộng 48 Webgame mới chỉ trong 1 năm 2012 - gần gấp đôi số lượng MMO cài đặt đang được phát hành hiện nay.
 
Game thủ đang "khóc thét" trước Webgame
 
Không chỉ khủng bố tinh thần game thủ Việt về mặt số lượng mà các Webgame này đã và đang tiếp tục bộc lộ những nhược điểm khi gameplay của chúng quá giống và chẳng có gì khác biệt. Trong tháng 6 tới, chúng ta sẽ được đón thêm 2 Webgame nhập vai kiếm hiệp mới giúp nâng tổng số lượng Webgame thể loại này ở Việt Nam lên con số 10. Như vậy, chỉ cần nghe nói đến Webgame nhập vai mới là chúng ta đã có thể hình dung được ngay về đồ họa, lối chơi, chiêu thức nhân vật...
 
 
Webgame nhập vai trên đây chỉ là một ví dụ khi ở thể loại chiến thuật, gameplay cũng bị "nhai đi nhai lại", trùng lặp quá nhiều và điều khác biệt duy nhất của chúng có lẽ chỉ là tên gọi hay cốt truyện. Có thể nói, các Webgame tràn về Việt Nam như nước khiến cụm từ này đã trở thành nỗi ám ảnh của game thủ. Nỗi ám ảnh này được thể hiện rõ mỗi khi có game nào 2D được đưa về nước là gamer tưởng rằng đó là Webgame. Một trường hợp khá buồn cười như game Tiên Cảnh mới đây dù là game cài đặt nhưng nhiều người đã chê bai, bài xích ngay khi vừa thấy tấm screenshot đầu tiên vì tưởng rằng đây là Webgame.
 
Hiện tại, cứ mỗi khi một Webgame mới nào được đưa về nước là game thủ lại vào đấy chửi rủa, ca thán và thậm chí, nhiều người còn lập hẳn hội chống phá, tẩy chay Webgame Tàu được phát hành ở Việt Nam. Quả thực, game thủ Việt đã gần như mất hết niềm tin đối với thể loại game online chơi trên trình duyệt này.
 
Tại sao Webgame vẫn cứ được phát hành
 
Không tìm được lối ra cho các MMO cài đặt, nhiều NPH hiện chỉ biết trông chờ vào lợi nhuận từ việc phát hành các Webgame và thậm chí, đây đã trở thành phương hướng phát triển chính của họ. Chúng ta có thể thấy điều này qua việc một số NPH nhỏ, mới nổi ở Việt Nam đều chỉ phát hành Webgame chứ không chịu "đánh" sang những MMO cài đặt với đồ họa đẹp, gameplay đặc sắc.
 
 
Webgame rẻ, dễ kiếm, dễ mua và chỉ cần lượng người chơi vừa vừa hay "đột phá" ở một Webgame nào đó là NPH đã thu lời và không sợ lỗ. Thay vì phải bỏ nhiều tiền ra mua một game cài đặt mà chưa chắc đã thành công, việc NPH tung ra hàng loạt Webgame "mỳ ăn liền" để xoay vòng hiện đang giúp họ kiềm lời khá ổn nên có lẽ, các MMO Client sẽ ngày càng phải chịu thiệt thòi so với thể loại game chơi trên trình duyệt này.
 
"Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy". Đối với thể loại Webgame này, nhiều người chơi quan niệm rằng chỉ chơi cho vui, không nạp thẻ rồi nhảy game liên tục nhưng rốt cuộc, khi đã lao đầu vào cày kéo thì bất cứ ai cũng sẽ tiếc công sức đã bỏ ra của mình, rồi lại cảm thấy mệt mỏi, chán nản, chơi game mà cứ phải đánh vật khi mà chất lượng không có gì đổi mới, số lượng người trong server thì cứ giảm đi theo ngày. Dù không phải tất cả nhưng có lẽ, các Webgame đang trở thành nỗi ác mộng đối với dân cày Việt, đặc biệt là những ai đã trót dính vào.
Xem thêm:

game online