Chiêu trò mới của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 14/08/2013 0:00 AM

Đứng trước những khó khăn, không ít NPH game Trung Quốc đã có những biến tướng trong việc hoạt động.

Kể từ khi có những thông tin liên quan đến việc các nhà phát hành game online Trung Quốc bị truy quét tại Việt Nam, cộng đồng game thủ đã có những phản ứng vô cùng tích cực khi thấy những nhà phát hành với cung cách làm việc và phục vụ game thủ không được như mong muốn buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ. 

Chiêu trò mới của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam 1

Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn kể trên nhằm về phía các nhà phát hành game Trung Quốc tại Việt Nam như 37Wan hay Koram Game, các nhà phát hành này đã và đang có những hướng đi mới, hay nói đúng hơn là những biến tướng trong việc khai thác dịch vụ game online tại Việt Nam.

Những bước đi đầu tiên của cơ quan quản lý

Đối với những game thủ không theo dõi diễn biến của sự việc này, vào khoảng đầu tháng 08 vừa qua, thanh tra Bộ TT & TT đã yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ internet chặn tất cả các tên miền và máy chủ truy cập truy cập đến 4 game online của Công ty TNHH Koram Games Hồng Kông chưa được cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp phép, gồm: "Tam quốc tranh hùng" ("Phong vân Tam quốc"), trang chủ pvtq2.com; "Phi tiên", trang chủ phitien.com; "Tuyệt đỉnh tam quốc", trang chủ 3quoc.com; "Tiên cảnh", trang chủ tiencanh.com. Toàn bộ máy chủ của 4 game online này được đặt tại Mỹ (IP:119.81.23.100). 

Chiêu trò mới của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam 2

Bên cạnh NPH Koram Games Hồng Kông đã bị "sờ gáy", Thanh tra Bộ TT&TT xác định trên thị trường hiện có ít nhất 4 công ty nước ngoài đã vào Việt Nam, cung cấp hàng chục trò chơi trái phép vào lãnh thổ Việt Nam thông qua một số tổ chức, cá nhân Việt Nam, trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế cũng như quản lý nhà nước của Việt Nam. Trong thời gian tới lần lượt những đơn vị này sẽ tiếp tục bị truy quét.

Rõ ràng, những bước đi đầu tiên của các cơ quan quản lý đối với hành vi cung cấp game online trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam như thế này. Những hành vi như thế này vừa khai thác cộng đồng game thủ Việt về mặt tài chính, khi những người chơi game quyết định nạp tiền vào những tựa game online do các NPH Trung Quốc. 

Chiêu trò mới của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam 3

Những nhà phát hành không rõ danh tính luôn luôn là mối đe dọa đối với bất kỳ game thủ nào khi tựa game vì một lý do nào đó mà đóng cửa một cách đột ngột mà không có bất kỳ chính sách bồi thường rõ ràng nào. Làm việc như vậy chẳng khác nào lừa đảo. Và những chiêu trò của các nhà phát hành Trung Quốc đang có dấu hiệu biến tướng.

Biến tướng thành các cổng game

Mặc dù đã được đưa ra phân tích từ khoảng giữa năm nay, thế nhưng hiện tại, theo nguồn tin riêng của GameK, ngày càng có nhiều nhà phát hành game online Trung Quốc đã và đang hợp tác với các cổng phát hành game tại Việt Nam để phát hành những game mới, dĩ nhiên là không có giấy phép, cũng như không có cả tên tuổi nhà phát hành thực sự. Nói cách khác, những tựa game này được mở cửa không khác gì những game online “lậu”.

Chiêu trò mới của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam 4

Trao đổi với một đại diện NPH nội địa thì "ngoài Myw ra còn không ít cổng game khác cũng được lập ra với mục đích trên". Đứng trước chiêu bài khôn ngoan trên, các NPH nhỏ lẻ tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị "xóa xổ" vì ai cũng biết khả năng đầu tư tiền bạc của NPH Trung Quốc là lớn hơn nhiều. Họ sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn để truyền thông, kinh doanh game cũ theo kiểu chộp giật rồi nhanh chóng đóng cửa để xoay sang game mới, khiến thị trường hỗn loạn và xuống cấp.

Chưa dừng lại ở đó, chiêu bài này còn khiến cho các nhà phát hành game Trung Quốc rất dễ “phủi tay” loại bỏ hoàn toàn hệ quả nếu bị lực lượng chức năng “sờ gáy”. Mọi trách nhiệm sẽ bị đổ hết lên đầu của cổng phát hành game trung gian kể trên, đơn giản vì những cổng game này đảm nhiệm từ việc phát hành đến cả chức năng thanh toán cho các nhà phát hành game Trung Quốc.

Chiêu trò mới của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam 5

Điều này có nghĩa là, những cổng game tại Việt Nam rất có thể sẽ trở thành bia đỡ đạn cho các NPH Trung Quốc nếu bị họ thuyết phục bằng khoản phần trăm ăn chia béo bở. Sau khi thu được lợi nhuận, với túi tiền đầy căng, các NPH này cũng ôm tiền ra đi không hẹn ngày trở lại kèm theo nụ cười mãn nguyện khi 'làm cỏ' được rất nhiều game thủ Việt nhẹ dạ cả tin.

Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu

Một lần nữa, trách nhiệm của các cơ quan quản lý việc phát hành game online ở Việt Nam lại được quan tâm. Về phần game thủ, một kinh nghiệm được đưa ra là chúng ta rất cần phải tỉnh táo trước những tựa game online đã và đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam, để có thể chọn ra cho mình những tựa game, những nhà phát hành thực sự chăm lo tới cộng đồng game thủ, thay vì những nhà phát hành làm ăn kiểu “chộp giật” và chỉ lo tới lợi nhuận.