10 năm về trước, game thủ Việt chúng ta phải chơi những thứ này đây

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/02/2016 06:01 PM

Vào năm 2006, nghĩa là 10 năm về trước, khi game thủ Việt mới bắt đầu làm quen với game, họ chơi những gì?

2006, một năm khi nhiều game thủ Việt vẫn còn đang là những cô bé cậu bé ngồi trên ghế nhà trường, là năm của nhiều sự kiện. Mùa hè là lúc đội tuyển áo thiên thanh Italia lên ngôi vô địch World Cup 2006 bất chấp scandal bán độ Calciopoli, và đối với chúng ta, những cỗ máy mới ra mắt như Xbox 360 và PlayStation 3 dường như là một giấc mơ có phần xa vời khi cái giá của một máy chơi game có thể mua được cả một chiếc xe máy xịn, và chẳng phải ai cũng có cơ hội sắm cho mình một chiếc máy xịn đến chừng đó nhất là khi một đĩa game có cái giá cả triệu Đồng.


Quán PS3 giờ nhiều vô kể, nhưng 10 năm trước đây lại là của hiếm theo nghĩa đen

Quán PS3 giờ nhiều vô kể, nhưng 10 năm trước đây lại là của hiếm theo nghĩa đen

Nếu giờ đây tính đến 1 triệu Đồng, con số không có gì quá lớn với thu nhập của những game thủ đã đi làm. Nhưng 10 năm về trước, đây là một khoản tiền không hề nhỏ. Vậy 10 năm trước khi game thủ Việt mới bắt đầu làm quen với game, họ chơi những gì?


Thời kỳ hoàng kim của quán net, ra muộn là xác định đứng chờ

Thời kỳ hoàng kim của quán net, ra muộn là xác định đứng chờ

Hãy bắt đầu từ việc những quán cafe internet đã dần chuyển đổi sang những quán game do sức hút của game online, những sản phẩm được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam như MU Online, Gunbound và nổi bật gần như hơn cả là Audition, tựa game online mang tính cách mạng, đưa cả những nữ game thủ trẻ tuổi đến với thế giới game online, nơi vốn có số lượng game thủ nam chiếm số lượng áp đảo.


Thời ấy cứ được ra quán game là sung sướng

Thời ấy cứ được ra quán game là sung sướng

Những phòng máy chơi game của 10 năm về trước, hầu hết là được những ông chủ đầu tư máy móc và bàn ghế một cách đơn giản hết mức có thể. Những chiếc ghế sắt bọc giả da có thể... rụng ra bất kỳ lúc nào, hoặc kinh tế hơn thì có ghế nhựa. Chuột bàn phím thì Mitsumi, có quán dùng chuột quang, có quán chuột bi. Thế nhưng hồi đó cứ hết giờ học chúng tôi lại ra "bón hành" cho nhau ở những khu vực "thần thánh" thời bấy giờ như khu Bách Khoa, ngõ Tự Do, Đặng Văn Ngữ hay đối với những game thủ ở khu vực Giảng Võ và Kim Mã thì có quán Đạt không thể nào quên... Mà không nhắc lại chắc cũng quên. Thời đó chỉ có màn máy tính CRT chứ lấy đâu ra LCD xịn như bây giờ.


Có màn LCD là quá xịn

Có màn LCD là quá xịn

Thế không có game online, không có Võ Lâm Truyền Kỳ và MU Online, thì đám học sinh chúng tôi thời đó chơi gì? Xin thưa là không hề thiếu. Thời kỳ DotA bắt đầu phát triển mạnh, thì bên cạnh những CS 1.6 và map DDay ba lane có cả Illidan hóa chaos to nhất bản đồ, người mê game luôn có thể ra thưởng thức những trận đấu thông qua mạng LAN hoặc trên nền tảng GG quá nổi tiếng thời bấy giờ, trước khi được đổi tên thành Garena như ngày hôm nay.

Đó mới là game online và "nét văn hóa" quán game. Vậy còn những game offline? Tôi vẫn nhớ thời kỳ lóc cóc đạp xe ra Lý Nam Đế hay Lê Thanh Nghị để mua đĩa game về chơi. Những "siêu phẩm" thời đó như The Elder Scrolls Oblivion, Company of Heroes luôn là những tựa game không thể nào quên trong suốt chặng đường chơi game và yêu game của những cậu bé như chúng tôi.


Có thể bạn không nhớ nhưng Company of Heroes đã ra mắt từ 10 năm trước. Cảm thấy già rồi chứ?

Có thể bạn không nhớ nhưng Company of Heroes đã ra mắt từ 10 năm trước. Cảm thấy già rồi chứ?

Trong khi game trên máy tính và game online làm mưa làm gió thời kỳ đó, thì máy chơi game cũng có sự lột xác nếu chỉ tính trong giai đoạn 2006 - 2007. Đó là khi PS3 ra mắt, nhưng thời đó để sở hữu một phòng máy chơi PS3, số vốn bỏ ra cũng như chi phí cho cả chủ quán lẫn người chơi là quá lớn. Tôi nhớ khi học lớp 12, quán game PS2 ngay gần trường nhập về hai chiếc máy PS3 với màn hình 40 inch.

So sánh với chiếc máy PS2 bé tý xíu, nhiều khi bị kẹt ổ đĩa phải kéo ra để nhét đĩa game vào, với cái TV đèn hình 21 inch mua hàng bãi với giá rẻ, hai chiếc máy kia giống như ở một thế giới hoàn toàn khác. Thế nhưng không phải ai cũng dám... sờ vào PS3 vì lúc đó một giờ chơi game có giá lên đến 20.000 Đồng. Mà nói đi cũng phải nói lại, ở thời kỳ quán net chỉ có 3 nghìn một tiếng, PS2 là 4 nghìn, thì 20 nghìn có khi đủ chơi game cả tuần. Vậy thì liệu ai dám phung phí vào những game đua xe trên PS3 thay vì đá bóng?

Và rồi quán PS3 đầu tiên tại Hà Nội cũng mọc lên ở số 38 phố Đại Cồ Việt. Rất nhanh chóng chúng tôi làm quen được với anh Tùng, chủ quán game nhờ vào tình yêu game mãnh liệt được coi là điểm chung lớn nhất, thay vì chỉ ra quán đá PES như bình thường. Giờ đây quán game đã không còn, nhưng đó sẽ là khoảng thời gian đẹp nhất mà chúng tôi từng có, khi game là thứ kết nối mọi người với nhau, chứ không phải là thứ chúng ta chơi và văng tục, mạt sát đồng đội cũng như đối phương như một bộ phận người trẻ hiện nay.


Quán PS3 đầu tiên ở Hà Nội chỉ đơn sơ như thế này thôi nhưng lúc nào cũng đông khách

Quán PS3 đầu tiên ở Hà Nội chỉ đơn sơ như thế này thôi nhưng lúc nào cũng đông khách

Rồi thời kỳ điện thoại di động và máy chơi game cầm tay cũng đến. Lác đác vài ông bạn cùng lớp nhà có điều kiện được bố mẹ mua cho những chú dế thời thượng, và đương nhiên có cả game trong đó. Vẫn nhớ những ngày những cô bé học cùng lớp xếp điện thoại thành bông hoa và chụp từng chiếc dế xinh xinh và tải lên Yahoo 360, công cụ kết bạn thời bấy giờ, khi Facebook chưa lên ngôi vào những năm 2008, 2009.

Rồi cả PSP, chiếc máy nhỏ bé nhưng vô cùng cuốn hút nhờ vào màn hình lớn so với những thiết bị ở thời bấy giờ. Những tựa game dù giờ đây chẳng muốn đụng vào vì game trên iPhone và Android quá chất, quá đẹp, nhưng lại là thứ bao nhiêu người cùng thèm thuồng và thưởng thức miệt mài.

Đó là 10 năm về trước. Giờ đây nhìn lại, tìm tòi lại những hình ảnh của một thập kỷ trước, thời điểm chúng tôi chập chững bước vào cuộc du hành với game, không thể tránh được nụ cười đầy hoài niệm của một thời kỳ tươi đẹp, tuy thiếu thốn, chưa hiện đại như bây giờ nhưng lại đầy cuốn hút, thôi thúc chúng ta khám phá và trải nghiệm.