Game bom tấn không cần crack vẫn chơi được: Sự thật là thế nào?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 27/04/2017 0:00 AM

Game thủ không có cảm giác đang chơi một tựa game của những tập đoàn tham lam, làm mọi cách moi tiền game thủ, mà thay vào đó là những hãng game thực sự biết quan tâm tới lợi ích của người chơi

Như chúng ta đã biết, thay vì sử dụng phần mềm bảo mật Denuvo như những tựa game khác trong thời gian gần đây, hãng phát triển Red Barrels lại lựa chọn giải pháp đặt niềm tin vào game thủ với Outlast 2 khi đem sản phẩm của mình phát hành trên cả GOG.com - một nền tảng hoàn toàn không có bất kì hình thức DRM nào.

Chỉ cần mua game trên cửa hàng của GOG, bạn sẽ có thể tải bản cài của game và cài ở bất kỳ đâu, thậm chí là trên những máy tính chưa cài đặt phần mềm quản lý game. Nói một cách ngắn gọn, bạn có thể chia sẻ game thoải mái, chơi bất kỳ đâu cũng được, cứ thích là có thể copy và chơi như một game bản quyền đích thực. Thế cho nên cũng có những kẻ trục lợi, tải game về và chia sẻ lên torrent và những trang web khác. Đó cũng là lý do, thậm chí bạn còn chẳng cần phải chờ đến khi tựa game được crack mới có thể chơi. Chỉ cần bộ cài game khi nó ra mắt là mọi chuyện được giải quyết.

Bất ngờ, chúng ta có một thể loại game mới: DRM-free. Chẳng cần crack, chẳng cần bỏ tiền mua game, thậm chí bạn có thể tải bản cài đặt của game về và cài vào máy tính chơi cực kỳ thoải mái, một điều xưa đến nay chưa từng có. Rốt cuộc đó là câu chuyện lòng tin, hay một cách quảng bá game đánh thẳng vào tính hiếu kỳ và tư duy nói chung của cộng đồng game thủ?

DRM là cái gì?

DRM là từ viết tắt của Digital Rights Management (Biện pháp quản lý bản quyền nội dung số). Đúng như tên gọi, đó là biện pháp để các nhà phát triển kiểm soát cách mà khách hàng sử dụng các phần mềm máy tính, trong trường hợp này là game. DRM được tạo ra khi nhà phát triển muốn ngăn cản người dùng sử dụng sản phẩm của họ theo những cách “không phù hợp”. Những cách đó có thể là cho bạn mượn đĩa game về cài trên máy tính của anh ta hay sao chép và cài đặt game bất hợp pháp.

DRM có khá nhiều dạng. Loại được biết tới nhiều nhất được gọi là SecuROM và nó được các hãng lớn như Electronic Arts cũng như Take-Two áp dụng. SecuROM bị các game thủ rất căm ghét vì nó vẫn sẽ tồn tại trên PC sau khi game đã được cài đặt và nó giới hạn số lần người chơi có thể cài game. Giải pháp nhiều năm về trước của Ubisoft cũng bị người chơi phản đối dữ dội.

Nó yêu cầu khách hàng luôn luôn giữ kết nối Internet trong quá trình chơi game, ngay cả khi đó chỉ là phần chơi đơn. Các cracker đã mất khoảng gần 1 tháng trước khi vượt qua được biện pháp này và tạo thành công server ảo ngay trên máy tính của người dùng.

Biện pháp DRM phổ biến nhất có thể tới từ dịch vụ Steam của Valve. Dịch vụ này yêu cầu tất cả các game đã download từ server của Valve phải được xác nhận là hợp pháp trước khi có thể chơi. Ngay cả biện pháp đang được Steam áp dụng cũng từng bị phản đối, thậm chí là bị kiện. Vào năm 2004, Valve đã phải ra tòa sau khi dùng loại DRM này cho tựa game Half-Life 2 của họ. Tuy nhiên giờ đây đa số người dùng đã chấp nhận cách kiểm soát này vì nó cũng không gây nhiều phiền phức cho họ.

Về bản chất, DRM là điều tốt vì nó giúp chống lại nạn đĩa lậu, mối đe dọa lớn nhất của ngành công nghiệp game. Dù nhiều người gặp khó khăn khi chơi và phản đối DRM nhưng thực chất, họ nên kết tội các cracker và những người thích chơi game mà không phải bỏ tiền.

Chính những người này mới là nguyên nhân dẫn tới các bất tiện, các phiền toái mà các khách hàng thực sự phải chịu đựng. Sự hạn chế về quyền sử dụng sản phẩm sau khi đã bỏ tiền ra mua, sự bực tức phải gánh lấy trong quá trình chơi vì những quy định ngặt nghèo, tất cả đều xuất phát từ các cracker và người dùng đĩa lậu.

GOG, ngã rẽ lạ của làng game

Có những người có ý thức và tin tưởng nhau tới mức bán game rồi không sử dụng công cụ gì quản lý nội dung số, cho phép bất kỳ ai đã mua game có thể copy bản cài vào USB rồi đem ra những máy khác chơi thoải mái.

Chỉ cần mua game trên cửa hàng của GOG, bạn sẽ có thể tải bản cài của game và cài ở bất kỳ đâu, thậm chí là trên những máy tính chưa cài đặt phần mềm quản lý game. Nói một cách ngắn gọn, bạn có thể chia sẻ game thoải mái, chơi bất kỳ đâu cũng được, cứ thích là có thể copy và chơi như một game bản quyền đích thực.

Thế cho nên cũng có những kẻ trục lợi, tải game về và chia sẻ lên torrent và những trang web khác. Giờ đây khi những game thủ có ý thức quan tâm hơn tới những nền tảng bán game không đi kèm với DRM, những nền tảng như GOG cũng phát triển mạnh hơn, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều game hay ra mắt mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ bản quyền nào hỗ trợ. Đó cũng là lúc, rất nhiều game thủ Việt, những người không có điều kiện mua game bản quyền có thể nở nụ cười rất tươi!

Khi xét đến vấn đề bản quyền, rõ ràng những tựa game DRM free trên GOG chẳng thể nào được bảo mật tốt như những sản phẩm của các tập đoàn ngoài tiền ra chẳng còn gì khác (kể cả sự sáng tạo, tiếc thay). Hàng loạt những game indie hay bom tấn của các hãng game nổi tiếng dần góp mặt trên nền tảng GOG, cho phép người chơi tha hồ lựa chọn. Tuy không thể hùng hậu như Steam, nhưng game trên GOG cũng có không thiếu những cái tên hay, và chính việc không sử dụng DRM đã biến nền tảng của CD Projekt trở nên cực kỳ hot.

Hóa ra, chính vì sự đơn giản của GOG đã tạo ra một hiệu ứng tích cực trong cộng đồng game thủ. Thay vì những DRM cực mạnh, game thủ không có cảm giác đang chơi một tựa game của những tập đoàn tham lam, làm mọi cách moi tiền game thủ, mà thay vào đó là những hãng game thực sự biết quan tâm tới lợi ích của người chơi. Ấy là chưa kể, hoàn toàn có những người có thể download bản game miễn phí để chơi thử trước khi bỏ tiền mua game. Một cách quảng bá game khó lòng hoàn hảo hơn.