SF5 và nỗi buồn “ao làng” của Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam

Lâm Nguyễn  - Theo Trí Thức Trẻ | 18/04/2015 05:38 PM

Liên Minh Huyền Thoại
01/08/2012 NCB: Riot Games NPH:

Đã từ rất lâu, nền Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam chưa thể giương cao lá cờ Tổ quốc trên đấu trường quốc tế.

Chắc các bạn đều cũng đã biết, đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại con cưng của chúng ta là Saigon Fantastic Five không thể bước đến đất Thổ Nhĩ Kì để dự giải đấu Wild Card nhằm tranh suất đến chung kết thế giới mùa 5. Thay vào đó, Bangkok Titans sẽ thay thế Saigon Fantastic Five để đại diện cho khu vực Đông Nam Á. Câu hỏi lớn nhất hiện nay: Vậy bao giờ một đội tuyển khu vực Đông Nam Á mới bước chân ra khỏi khu vực một lần nữa?

1.jpg

I. Nhìn lại thời kì hoàng kim của Saigon Jokers

Cuối mùa 2, đội tuyển Saigon Jokers giành chức vô địch giải đấu Đi Tìm Huyền Thoại Đông Nam Á và chính thức đi Los Angeles năm 2012. Thời đó, dù phải đi từ nhánh thua, Saigon Jokers giành chiến thắng 2 ván liên tiếp trước đội tuyển mạnh nhất khu vực Singapore Sentinels trước sự hân hoan của toàn bộ khán giả có trong nhà thi đấu Tiên Sơn Đà Nẵng.

2.JPG

Ngày ấy, khoảnh khắc vàng của thể thao điện tử Việt Nam.

Trước giải đấu chung kết thế giới mùa 2, SAJ bị xếp yếu nhất trong 12 đội thi đấu. Với tinh thần không còn gì để mất, các chàng trai của chúng ta ra về với tư thế ngẩng cao đầu cùng với 1 tỷ đồng trong tay. Chiến thắng trước Dignitas sau 28 phút thi đấu, nếu điều thần kì xảy ra, SAJ thắng trước CLG.Eu thời đó, có lẽ họ sẽ làm nên lịch sử khi tiến thẳng vào vòng Knock-out. Dù sao, cả thế giới cũng phải bất ngờ trước cả 2 đại diện Việt Nam và Đài Loan vốn bị coi yếu nhất giải.

II. Những chặng đường chông gai

Kể từ khi chung kết mùa 2 kết thúc, các khu vực bắt đầu chăm chút cho nền Liên Minh Huyền Thoại. Đặc biệt, họ phát triển theo hướng một ngành nghề chính thức dựa trên nền tảng đã có sẵn như DOTA 1, StarCraft,… Được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, Hàn Quốc và Trung Quốc nhanh chóng vượt lên trên Châu Âu, Bắc Mĩ dù phát triển trước. Còn ở Việt Nam, 2 thuật ngữ “game thủ chuyên nghiệp” và “thể thao điện tử” còn quá xa lạ trong mắt các phụ huynh và xã hội. Do đó, các đội tuyển Việt Nam tụt dốc dần dần ngay cả trong khu vực.

3.jpg

Hàn Quốc có những bước tiến vượt bậc.

Thêm một vấn đề nữa, việc các đội tuyển khu vực Đài Loan và Hồng Kong chuyển tới GPL cũng khiến sức cạnh tranh của các nước Đông Nam Á giảm sút rất nhiều. Bởi kinh tế họ phát triển tốt hơn, đào tạo nghiêm túc hơn, cả Azubu Taipei Assassins, Taipei Sniper, Yoe Flash Wolves cho đến Ahq đều nằm trên kèo mỗi khi thi đấu. Mỗi lần vòng chung kết GPL bắt đầu, 3 trên 4 đội thi đấu ở vòng bán kết đến từ Hồng Kong và Đài Loan.

III. Nấp sau bóng của khu vực

Thời TPA hoàng kim thì chúng ta không nói làm gì. Vô địch xong giải đấu, họ có đến khoảng 40-50 trận bất bại tại tất cả các mùa giải. Vì vậy, cạnh tranh với TPA là điều không thể với bất cứ đội tuyển nào. Khi TPA tan rã dần, đến lượt các đội tuyển khác kìm nén khu vực Đông Nam Á phát triển như Yoe Flash Wolves và Ahq Fighter. Kể từ đó, 3 đội tuyển mạnh nhất Việt Nam gồm Saigon Jokers, Saigon Fantastic Five và Neo Full Louis không thấy ánh dương ở đấu trường khu vực chứ chưa nói quốc tế.

4.jpg

Yoe Flash Wolves thăng hoa trong khu vực GPL.

Ngoài ra, một nguyên nhân chủ quan khiến thể thao điện tử Việt Nam dậm chân tại chỗ là do sự xáo trộn đội hình của các đội tuyển trong hệ thống Esport Việt. Thành viên cũ Saigon Jokers được tách đều thành 2 đội mới, các đội tuyển vừa mới nổi lại bị mất nhân sự bởi các đại gia lớn hơn. Rồi thì đến những áp lực công việc, tài chính và quan hệ cá nhân, bạn bè bị ảnh hưởng. Trong khoảng thời gian giữa mùa 3 và mùa 4, đây là giai đoạn biến động nhất của nền Liên Minh Huyền Thoại nước nhà. Như chúng ta đã biết, bao đội tuyển đến rồi lại đi dù họ đang trên đà đỉnh cao hay ở dưới vực thẳm.

IV. Khi chỉ còn các đội tuyển Đông Nam Á, vẫn còn rào cản vô hình ngăn chúng ta!!!

Giải đấu GPL 2015 kết thúc thành công tốt đẹp, Saigon Fantastic Five bước lên đỉnh cao nhất trong sự hân hoan của toàn bộ người hâm mộ Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam. Ngỡ tưởng đại diện của chúng ta sẽ có cuộc chạm trán các đối thủ sừng sỏ khác ở giải đấu Wild Card tại Thổ Nhĩ Kì. Nhưng không !!! Vấn đề VISA vốn đã lằng nhằng và rắc rối khiến đội tuyển con cưng phải ôm hận một lần nữa. Lỗi không phải ở Garena các bạn nhé.

5.jpg

Tại sao chúng ta lại để vé cho BKT???

Nhìn nhận lại vấn đề này, đây chỉ là một trục trặc của lãnh sứ quán Thổ Nhĩ Kì gặp vấn đề về nội bộ. Họ không thể cung cấp VISA cho các thành viên SF5 tới đất nước này. Nhận biết được rủi ro trong việc xin visa, Vietnam Esports và trụ sở Riot Games tại Mỹ, thông qua chi nhánh Riot ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã nỗ lực liên lạc với Tòa lãnh sự quán và các cơ quan hữu quan tại Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Tuy nhiên, do Bộ Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hệ thống này vẫn chưa thể khắc phục sự cố, vì thế việc cấp VISA cho SF5 sẽ không thể cấp kịp thời hạn. Cùng một số lí do khách quan khác, SF5 đành xem Wild Card và chung kết thế giới qua màn ảnh nhỏ tại nhà.

V. Liệu bao giờ Việt Nam mới thoát khỏi cảnh “ao làng”?

Một câu hỏi đáng suy ngẫm của những người yêu thể thao điện tử nước nhà. Khi mọi thứ gần như đã đến tận tay, cơ hội vẫn có thể vuột mất. Thiết nghĩ, liệu có phải duyên số chưa đến hay trời định rằng thể thao điện tử cần phải phát triển hơn mới xứng đáng với quốc tế trong tương lai? Chứng kiến sự việc vừa qua, không ít game thủ tỏ ra không hài lòng và tiếc nuối, đặc biệt là những người luôn dõi theo từng bước của các đội tuyển Việt Nam qua từng giai đoạn.

Sự việc đã như vậy, chúng ta không nên tung những lời lẽ không hay trên các diễn đàn, cộng đồng mạng. Chúng tôi cũng rất buồn nhưng chỉ biết hi vọng vào một tương lai không xa lá cờ Tổ quốc sẽ được giương lên đấu trường quốc tế. Chúc Esport và cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại nước nhà phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

>> Garena bó tay trong vụ Saigon Fantastic Five không thể sang Thổ Nhĩ Kỳ