Quy trình để làm một giải đấu game eSport (Phần I)

DH  | 02/11/2011 0:00 AM

Các tựa game eSport tồn tại là nhờ những giải đấu, sự kiện kết nối game thủ, nhà tài trợ và khán giả.

Giải đấu chính là nguồn sống của eSport, đó là một sự thật vì eSport có nghĩa là thể thao điện tử, mà thể thao thì luôn có sự cạnh tranh giữa những vận động viên. Và do có cầu nên ắt có cung,  khi một game thuộc thể loại eSport có nhiều người chơi thì hẳn sẽ có những giải đấu để đáp ứng nhu cầu thi thố cọ xát của game thủ. Những người tổ chức thường là một nhóm game thủ (nếu giải đấu nhỏ) hoặc một công ty nào đó có kinh nghiệm tổ chức (nếu đó là giải đấu lớn). 

Ngày nay, người ta đánh giá sự nổi tiếng của một game eSport bằng số lượng và cả chất lượng những giải đấu của game đó. Tuy nhiên, sự thành công của giải đấu đã lên một tầm rất cao kể từ đầu thế kỷ 21 khi World Cyber Games ra đời với những giải vòng loại tại nhiều quốc gia, châu lục rồi tiến đến giải chung kết tập hợp toàn bộ những nhà vô địch của các quốc gia.

World Cyber Games có mặt ở hầu hết các quốc gia phát triển.

Và do thấy được tiềm năng quảng bá từ những giải đấu lớn như vậy nên các nhà tài trợ sẽ không bao giờ bỏ qua dịp để quảng bá hình ảnh của mình đến cộng đồng game thủ. Qua đó giúp tăng uy tín cho thương hiệu để công việc kinh doanh thuận lợi, thu được nhiều lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, đôi khi lợi nhuận không nằm ở trước mắt vì giải đấu World Cyber Games tiêu tốn hàng triệu đô của SamSung nhưng hiệu ứng thu lại khá lớn vì hiện nay nếu ai gắn bó lâu với eSport đều biết đến World Cyber Games.

ESWC thật sự là một ngày hội lớn của cộng đồng game eSport.

Thế nhưng làm giải dù là online hay offline không phải chỉ có nhiệt huyết là đủ mà người tổ chức đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 bên bao gồm BTC – Nhà tài trợ - Game thủ. Và hôm nay chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu quy trình làm một giải đấu game.

Giai đoạn chuẩn bị

Đây có thể nói là giai đoạn chính để tạo nên sự thành công của một giải đấu. Vì những gì được tạo ra ở giai đoạn này chính là tiền đề cho khâu tổ chức khi giải diễn ra. Nếu thất bại ở việc chuẩn bị thì giải đấu sẽ rất tệ.

Đầu tiên là BTC phải là người am hiểu game đó và họ hoạch định kế hoạch tổ chức giải, sau đó sẽ tìm các nhà tài trợ cho giải bao gồm những thứ như điều kiện vật chất để thi đấu như phòng game hoặc nhà thi đấu, thậm chí cả sân vận động. Sau đó là đến giải thưởng, vốn là mục tiêu chính của hầu hết các đội tham gia thi đấu, giải thưởng có thể bao gồm hiện kim như tiền hoặc hiện vật như tiền giờ, áo thun, thiết bị game,… 

Trung tâm hội nghị của thành phố Los Angeles là nơi diễn ra WCG 2010.

Nếu là giải nhỏ thì BTC phải tự bỏ tiền để đầu tư nơi thi đấu và giải thưởng để nâng cao chất lượng giải đấu nhằm thu hút càng đông team tham gia. Tuy nhiên, nếu quy mô giải đấu và cộng đồng nơi đó mạnh thì giải thưởng không cần cao mà vẫn thu hút được các đội tham gia, điển hình như DotA với rất nhiều giải đấu. Tuy nhiên nếu giải thưởng cao vẫn tốt hơn ví như DotA 2 International, với 1 triệu $ cho nhà vô địch, dù DotA 2 chưa chính thức ra mắt thì Valve vẫn có được 16 team DotA hàng đầu thế giới tham dự giải trong đó có những cái tên như EHOME, NaVi.

Giải thưởng chủ yếu là để thu hút các team đến thi đấu và tạo uy tín cho giải đấu.
 
Sau đó là đến khâu quảng bá, đối với những giải đấu nhỏ thì do không có những nhà tài trợ cố định nên mọi thứ không đảm bảo, BTC sẽ ít khi quảng bá khi chưa có đủ cơ sở thi đấu và giải thưởng. Còn những giải đấu lớn như World Cyber Game (WCG), Electronic Sport World Cup thì không cần phải kêu gọi thì các nhà tài trợ đã xếp hàng để bỏ tiền cho giải nên BTC có thể quảng bá từ sớm nhưng giải thưởng có thể được tăng lên khi gần đến giải vì có thêm nhiều nhà tài trợ chịu chi thêm. Tuy nhiên, do chi phí làm giải rất lớn nên ngoài những nhà tài trợ tên tuỗi trong làng esport như MSI, Razer, Blizzard thì BTC cũng kêu gọi thêm tài trợ trên các phương tiện truyền thông.

Có đến hơn 10 nhà nhà tài trợ cho một giải đấu tầm cỡ.

Nhưng vấn đề quan trọng không phải là những đội đến thi đấu mà chính là khán giả, ví như một trận đấu bóng mà không có khán giả thì cũng vứt. Những nhà tài trợ luôn hướng đến số đông, những người đến thưởng thức giải đấu và họ dễ bị ảnh hưởng từ các bảng quảng cáo hay thương hiệu trên áo các game thủ…

Giải đấu sẽ thành công khi BTC thu hút được càng nhiều khán giả càng tốt nhưng phải chú trọng đến nơi thi đấu vì ngoài các team thi đấu thì phải có chỗ để cho khán giả ngồi xem. Các nhà thi đấu ở VN hiện nay như Cung thể thao Quần Ngựa (HN), nhà thi đấu Nguyễn Du (HCM) đáp ứng tốt yêu cầu này.

Một giải đấu StarCraft quy mô lớn tại Hàn Quốc thu hút hơn 10.000 khán giả.

Tuy nhiên, làm giải đấu không phải là điều dễ dàng. Giải đấu có quy mô càng lớn thì đòi hỏi chất lượng ừ rất nhiều thứ từ khâu Ban tổ chức cho đến trọng tài, nhà tài trợ, cơ sở vật chất để thi đấu và cả khâu quảng bá. 

Nếu tính toán sai hoặc thiếu chất lượng có thể sẽ gặp rất nhiều rắc rối chẳng hạn như giải ESWC 2011 vừa qua, BTC giải đòi các team phải đóng phí 1000 $ để được tham dự ESWC Final. Điều này vấp phải sự phản ứng vì lệ phí này tuy có cao hơn bình thường nhưng đối với các team hàng đầu đó là một sự sỉ nhục vì rất nhiều team nghiệp dư khác chỉ mất 1000$ là sẽ được tranh tài cùng họ tại một giải đấu tầm cỡ. BTC đã điều chỉnh mức lệ phí và ESWC vẫn thành công như mong đợi.

Ở phần kế tiếp, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về giai đoạn chính của một giải đấu đó là điều hành và tổ chức giải.
Xem thêm:

DotA

eSport