Những huyền thoại đương đại DOTA 2 thế giới (Phần 1)

zhimzhim  - Theo Trí Thức Trẻ | 22/03/2016 12:25 PM

Tính từ mùa The International 1 đến nay, DOTA 2 thế giới đã đi được cả một chặng đường dài trên con đường phát triển trở thành tựa game MOBA phổ biến nhất.

5 năm đã qua, một quãng thời gian không quá ngắn nhưng cũng đủ dài để chứng kiến những thăng trầm, những vinh quang của DOTA 2.

Hầu hết những game thủ gắn bó với tựa game này từ những ngày tháng đầu tiên nay đều đã trở thành những tượng đài, huyền thoại lớn. Hãy cùng đến với danh sách những cái tên vĩ đại của DOTA 2 thế giới ở thời điểm hiện tại.

Dendi

Nổi bật ngay ở mùa The International đầu tiên, khi chính anh là ngọn lửa linh hồn đưa Natus Vincere lên ngôi vô địch một cách đầy thuyết phục, Dendi từng là biểu tượng của chính cả tựa game này.

Nhắc tới DOTA 2 là nhắc tới Dendi, và ngược lại. Thi đấu ở vị trí solo mid, với những pha xử lý bay bướm, đẹp mắt nhưng không kém phần hiệu quả, anh nhanh chóng trở thành thần tượng của giới trẻ lúc bấy giờ.

Cũng nhờ những đóng góp của Dendi mà Na`vi trở thành đội tuyển duy nhất từ trước tới giờ lập kỷ lục 3 lần liên tiếp góp mặt trong các trận chung kết tại The International.

Mặc dù chỉ đăng quang duy nhất một lần ở mùa đầu tiên, nhưng với vô vàn giải thưởng cùng sự thừa nhận từ cộng đồng DOTA 2 thế giới, anh xứng đáng có tên trong ngôi đền của những huyền thoại trong tựa game này

Tuy nhiên, phong độ gần đây của Dendi đã xuống dốc khá nhiều, khi gánh nặng tuổi tác đè nặng lên đôi tay, khiến các thao tác của anh không còn mượt mà như trước. Trước làn sóng mới từ các player đầy trẻ tuổi và tài năng, cá nhân Dendi cũng như Na`vi dần dần tụt hậu và đánh mất chính mình.

Cùng với sự đi xuống của cả team, Dendi cũng đang mất dần cơ hội xuất hiện tại các giải đấu lớn. Có lẽ chương cuối cùng trong sự nghiệp của một huyền thoại cũng đang đi dần tới hồi kết.

Fear

Xét về tuổi đời, có lẽ không ai vượt được Fear trong làng DOTA 2 chuyên nghiệp thế giới. Thậm chí, anh còn được ưu ái gọi với cái tên “bố già” một cách thân thương. Mặc dù cũng gắn bó với DOTA 2 ngay từ những ngày đầu, nhưng sự nghiệp của Fear trầm lắng và lận đận hơn khá nhiều, nếu so sánh với những cái tên như Dendi.

Như cách mà mọi người đã thấy trong bộ phim Free to Play nổi tiếng, hình ảnh chiếc máy tính bàn cũ kỹ, giản đơn cũng phản ánh đúng con người của game thủ này. Miễn là đủ điều kiện để thỏa mãn niềm đam mê DOTA 2, Fear không quan tâm tới mọi thứ còn lại.

Trong mọi đội tuyển từng tham dự, ở đâu Fear cũng là anh cả, là thủ lĩnh tinh thần cho lớp đàn em noi theo và phấn đấu. Dưới sự dẫn dắt của anh, Evil Geniuses từ một đội tuyển vô danh mấy năm gần đây đã vươn mình thành một ông lớn ổn định bậc nhất làng DOTA 2 thế giới.

Nổi bật ở Fear là đức tính hy sinh cũng như sự chắc chắn trong lối chơi ở mọi vị trí mà anh đảm nhận. Gắn liền với vai trò hard carry, và cũng lên ngôi The International 4 cùng EG ở vị trí này, nhưng khi Arteezy trở lại, anh sẵn sàng lùi xuống đảm nhận vị trí support không một chút phàn nàn hay than vãn.

Và tại đây, những màn thể hiện của anh lại càng khiến khán giả kinh ngạc khi không một ai nghĩ rằng trước đây vị trí chính của anh lại là hard carry. Mặc dù bây giờ đã nhiều tuổi và đã trải qua đủ mọi vinh quang trong sự nghiệp, nhưng chắc chắn rằng với phong độ và đam mê vẫn như thưở nào, con đường phía trước của anh vẫn còn rất dài.

Mushi

Nếu nói về những huyền thoại DOTA 2 thế giới, không thể bỏ qua Mushi – tượng đài của khu vực SEA. Mặc dù đến từ nơi vốn được coi là vùng trũng của DOTA 2 thế giới, nhưng những gì mà Mushi mang lại đã vượt qua những khoảng cách về địa lý cũng như trình độ với các khu vực khác.

Orange của anh, nếu không phải vì một chút bất cẩn và thiếu may mắn thì có lẽ đã xứng đáng với một cái kết đẹp hơn tại The International 3 – mùa giải có lẽ là thăng hoa nhất trong sự nghiệp của game thủ này.

Để rồi sau đó, anh tiếp tục là mảnh ghép không thể thiếu của một DK huyền thoại trong quá khứ. Là người ngoại quốc, nhưng Mushi chính là đội trưởng cũng như solo mid đầy tinh quái và đột biến trong đội hình DK ngày đó.

Sánh vai với những anh tài khác như Burning, iceicecie, LaNm và MMY, DK của Mushi đánh đông dẹp bắc, càn quét mọi giải đấu từ trong nước đến quốc tế và thường xuyên có những màn thể hiện không thể thuyết phục hơn.

Nhưng rồi vận may tiếp tục không mỉm cười với anh, khi tại The International 4, đúng vào thời điểm được kỳ vọng nhất thì vì nhiều lý do khách quan, DK đã ngậm ngùi rời cuộc chơi sau thất bại trước người đồng hương Vici Gaming.

Mushi sau đó ẩn dật, anh về nước lập team, rồi chuyển sang EHOME, rồi cuối cùng bây giờ, Mushi đã gắn chặt với cái tên Fnatic. Mặc dù không còn thi đấu ở vị trí solo mid sở trường, nhưng kinh nghiệm và sự bình tĩnh cũng như độ quái của anh vẫn còn nguyên và giúp Mushi tiếp tục tỏa sáng ở vị trí carry xa lạ, mà thành công tại The Shanghai Major vừa rồi của Fnatic là dẫn chứng thuyết phục nhất.

Try hard đến khi nào vô địch The International chính là câu nói nổi tiếng nhất của anh. Mục tiêu này có vẻ khá xa vời và có lẽ trong suốt sự nghiệp của mình, Mushi cũng khó lòng đạt được, nhưng không vì thế mà anh từ bỏ niềm đam mê cháy bỏng của mình.