Liên Minh Huyền Thoại, DOTA 2 có thể học hỏi gì từ Overwatch?

HakieS  - Theo Trí Thức Trẻ | 11/11/2015 04:25 PM

Một vài điểm mà chúng tôi cho rằng Overwatch thân thiện hơn với game thủ, so với các tựa game MOBA khác.

Overwatch, một tựa game thuộc thể loại MOBA (Multiplayer Online Battle Arena) mới nhất mà hãng Blizzard giới thiệu gần đây. Các đặc thù của trò chơi hầu hết giống với các game đã và đang làm mưa làm gió trên thị trường hiện nay là Dota 2, League of Legends (LoL) hay Heroes of the Storm (HotS) nhưng Overwatch còn cho thấy mình làm tốt hơn tất cả những “người đàn anh”.

Hiện tại Overwatch vẫn đang trong giai đoạn Closed-Beta và số lượng người chơi được tham gia giai đoạn này là không nhiều. Khá may mắn khi chúng tôi đã được trải nghiệm tựa game khá mới mẻ này trong vài ngày trở lại đây. Vì vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nên hiện tại tôi mới chỉ trải nghiệm được phần chơi đơn (single mode) với hệ thống matchmaking còn khá sơ sài của game. Thêm vào đó, có khá nhiều tính năng hay ho và thú vị mà những tựa game giống như LoL có thể học hỏi từ Overwatch.

Nhưng với một số game thủ thì họ nhìn nhận Overwatch giống như một tựa game bắn súng. Nhưng điều tôi muốn nói là những tính năng khác của Overwatch bên ngoài việc giống một tựa game bắn súng và những tính năng này sẽ là những thứ khá mới mẻ và độc đáo nếu được thêm vào LoL – tựa game MOBA đang phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Dưới đây sẽ là một vài điểm mà chúng tôi cho rằng Overwatch thân thiện hơn với game thủ, so với các tựa game MOBA khác.

Không còn chuyện... 5 late!

Trước khi bắt đầu trận đấu, Overwatch sẽ hiện ra một màn hình thông báo lực lượng của team bạn gồm có bạn cùng với 5 người đồng đội của mình. Nhưng không chỉ thông báo lực lượng của team mà Overwatch còn cảnh báo team bạn thiếu vị trí nào hay cần bổ sung vị trí nào để có được một đội hình tốt nhất trước khi vào game. Những dòng thông báo này nằm ở phía bên phải của màn hình mà bạn có thể nhìn thấy ở bức ảnh phía trên.

Team bạn có thể không có một tanker hay một supporter hoặc nếu như team thiếu quá nhiều tướng có lượng sát thương cao thì ở khu vực “Team Tips” này cũng sẽ thông báo rằng team bạn nên pick thêm loại tướng có lượng sát thương cao để hoàn thiện đội hình. Cho dù vậy, những dòng gợi ý này không phải là những điều bắt buộc bạn phải làm theo, bạn có thể chọn tướng tùy theo sự thuần thục của mình chứ không cần phải gò bó bản thân theo những lời gợi ý trên.

Và điều này sẽ thật tuyệt nếu như những tựa game như Heroes of the Storm hay LoL có những dòng thông báo thú vị như này đặc biệt ở trong những trận đấu rank. Thay vì cãi nhau ỏm tỏi về vị trí này vị trí kia thì tựa game sẽ đưa ra một thông báo khá đơn giản như “Team bạn đang thiếu một AD, …” sẽ thật sự là hữu ích.

Highlight "ăn liền"

Tất cả các trận đấu trong Overwatch mà tôi chơi đều có một cách kết thúc game khá là thú vị mà tôi tin rằng bất cứ một tựa game MOBA nào tích hợp tính năng này vào cũng sẽ đạt được thành công, các bạn có thể xem ví dụ ở clip tôi đính kèm phía trên. Đầu tiên, khi vừa kết thúc trận đấu, sẽ không có việc bất thình lình xuất hiện bảng biểu thị chữ thất bại hay chiến thắng mà sẽ là một đoạn slow-motion nhỏ như để giảm dần sự căng thẳng cũng như hưng phấn của các game thủ. Tiếp ngay sau đó sẽ là phần chiếu highlight của các game thủ nổi bật trong trận đấu đó. Những pha 1vs3 hay 1vs4 sẽ được quay lại và chiếu ngay sau khi kết thúc trận đấu không chỉ cho những game thủ học hỏi kỹ năng mà cho họ thưởng thức lại những giây phút gay cấn nhất của trận đấu.

Những kiểu trình chiếu highlight thế này hầu hết chỉ xuất hiện trong các tựa game bắn súng hay những game thể thao giống như FIFA, PES hay Rocket League. Còn ở những game MOBA như Dota 2, HotS hay LoL gần như là không có, những clip highlight xuất hiện trên mạng thường là những người thần tượng game thủ đó thu nhặt về để tạo thành một clip highlight.

Sau khi kết thúc những đoạn highlight xuất hiện trong trận đấu thì một màn hình hiển thị những game thủ xuất hiện trong game nhưng không phải là bảng tỉ số hay bảng tổng kết sau trận mà là nơi xuất hiện của 4 game thủ xuất sắc nhất trận đấu và nút bấm “vinh danh” bao gồm cả đồng đội cũng như đối thủ của bạn. Mỗi game thủ sẽ chỉ được bấm một lần cho một người với kiểu như là “Thi đấu tốt đấy !”.

Nếu như bạn để ý thì không chỉ những người có số mạng nhiều nhất mà cả những game thủ có lượng sát thương cao nhất hay hỗ trợ nhiều nhất cũng sẽ xuất hiện, chỉ cần bạn xuất sắc nhất ở hạng mục nào đó thì tên bạn cũng sẽ được xuất hiện ở khu vực 4 lá bài bầu chọn này. Điều quan trọng của việc vinh danh đồng đội cũng như đối thủ này thể hiện tinh thần fair-play, tinh thần của một game thủ chân chính chứ không ích kỷ chỉ vì mình thua mà mình sẽ report đối thủ hay trừ điểm vinh danh của đối thủ. Mọi thứ đều công bằng và hãy nhìn nhận sự công bằng đó một cách chuẩn xác để đưa ra quyết định vinh danh hợp lý nhất.

Dota 2 hay LoL đều có hệ thống vinh danh các game thủ trong trận đấu và cũng có một hệ thống report tương tự nhưng hầu hết hệ thống này đều bị lãng quên trừ khi team đối phương có một game thủ chơi xấu thì hệ thống này mới được xuất hiện mà thôi. Còn Overwatch thì khác, kết thúc trận đồng nghĩa với việc có người sẽ được vinh danh và điều đó làm cho bạn ít nhiều cũng cảm thấy “máu” thi đấu hơn để được người khác tôn vinh mình.

Sau vài ngày ít ỏi chơi thử nghiệm Overwatch thì tôi mới chỉ tìm thấy đc một vài tính năng thú vị của tựa game này mà theo quan điểm cá nhân của tôi sẽ vô cùng hữu ích khi tích hợp vào những tựa game MOBA đang phát hành trên thị trường. Hy vọng một ngày không xa những game thủ như tôi sẽ được thấy những đoạn highlight xuất hiện khi kết thúc một trận đấu trong Dota 2 hay LoL.