Đánh giá chi tiết siêu phẩm Heroes of the Storm - Gamer Việt đừng bỏ qua

zhimzhim  - Theo Trí Thức Trẻ | 05/06/2015 11:59 AM

Heroes of the Storm đang được mọi người kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới với rất nhiều tính năng vô cùng đặc biệt và thú vị.

Picture 1

Ngày 2/6/2015 vừa qua, Heroes of the Storm đã chính thức tung ra phiên bản Open Beta. Cũng được xây dựng dựa trên thể loại MOBA truyền thống giống với DOTA 2Liên Minh Huyền Thoại, nhưng Heroes of the Storm lại đang được mọi người kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới với rất nhiều tính năng vô cùng đặc biệt và thú vị.

http://i.ytimg.com/vi/ZI5NlUEXLpM/maxresdefault.jpg

Heroes of the Storm chính thức Open Beta vào ngày 2/6/2015.

Bối cảnh của Heroes of the Storm chủ yếu xoay quanh những trận chiến 5 vs 5 giữa các vị tướng trong thế giới Nexus, không khác gì so với Liên Minh Huyền Thoại và DOTA 2. Tuy nhiên, hệ thống bản đồ cũng như cách chơi của tựa game này lại hoàn toàn riêng biệt. Heroes of the Storm có hệ thống bản đồ khá đa dạng và đặc sắc, điều này cũng giúp người chơi có thêm nhiều trải nghiệm mới thú vị, không gây nhàm chán như DOTA 2 khi chỉ có duy nhất 1 bản đồ cho mọi trận đấu.

Mỗi bản đồ trong Heroes of the Storm đều tồn tại những nhiệm vụ cũng như phong cách hoàn toàn khác biệt. Sự độc đáo này khiến cuộc chiến không đơn thuần là màn so kè kỹ năng cá nhân giữa các người chơi. Chính tinh thần đồng đội, cũng như sự hiểu ý hay phân công nhiệm vụ hợp lý mới là chìa khóa dẫn đến chiến thắng, khi mà mỗi bản đồ đều có những mục tiêu, nhiệm vụ riêng cần sự phối hợp của cả đội. Tính đến thời điểm này, Heroes of the Storm có tới 7 bản đồ khác nhau cho người chơi lựa chọn, và số lượng dự kiến sẽ còn được Blizzard tăng lên trong tương lai.

Picture 3

Hệ thống bản đồ đa dạng là một trong những ưu điểm của Heroes of the Storm.

Bên cạnh đó, gameplay của Heroes of the Storm cũng hoàn toàn khác biệt so với Liên Minh Huyền Thoại hay DOTA 2. Blizzard đã loại bỏ đi nhiều yếu tố đặc trưng của một game MOBA thông thường. Heroes of the Storm không có hệ thống cửa hàng, cũng như hệ thống vàng (Gold) trong trận đấu.

Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ không cần tốn quá nhiều thời gian chăm chú chỉ để last hit hay deny từng con quái như trong Liên Minh Huyền Thoại hay DOTA 2. Thay vào đó, người chơi trong Heroes of the Storm thường cố gắng tiêu diệt quái vật nhanh nhất có thể để đẩy trụ, cũng như để có được lượng kinh nghiệm cần thiết.

https://bnetcmsus-a.akamaihd.net/cms/content_folder_media/YYUD6LSPU27K1395370108619.jpg

Bức fan art tuyệt đẹp của Heroes of the Storm.

Khác với DOTA 2 hay Liên Minh Huyền Thoại, bạn không cần quá đau đầu để suy nghĩ về việc sẽ lên Item như thế nào để phù hợp với từng hoàn cảnh. Heroes of the Storm hoàn toàn không có hệ thống cửa hàng, hay bất kỳ nơi nào trang bị vật phẩm cho các vị tướng của bạn. Tuy nhiên, điều này không hề làm game thủ có cảm giác nhàm chán.

Blizzard đã rất khôn khéo khi tạo ra hệ thống cây kỹ năng (Talent Trees) để kích thích sự sáng tạo cho các game thủ. Tương tự với việc lên đồ trong DOTA 2 hay Liên Minh Huyền Thoại, tuy nhiên Talent Trees sẽ không mang lại chỉ số cho các vị tướng, mà đơn giản chỉ giúp chúng thay đổi kỹ năng hiện có hoặc sở hữu thêm các kỹ năng mới tại các cấp độ 1, 4, 7, 10, 13, 16 và 20.

Picture 4

Talent Trees là ý tưởng của Blizzard để thay thế hệ thống Item trong Heroes of the Storm.

Mỗi cấp sẽ có tương ứng từ 2-5 lựa chọn để người chơi suy nghĩ trước khi quyết định. Thông thường, người chơi Heroes of the Storm sẽ khởi đầu từ level 1 với 3 hoặc nhiều hơn những kỹ năng thông thường. Theo thời gian, bạn có thể chọn những Talent nhất định tại những cấp độ tương ứng. Đặc biệt, tại level 10, bạn có quyền chọn cho mình một trong 2 kỹ năng Heroic cực kỳ đặc biệt và hữu dụng (bạn có thể hiểu nôm na như Ultimate trong DOTA 2). Talent Trees cũng chính là ý đồ của Blizzard với Heroes of the Storm khi tuyên bố tựa game này sẽ mở đầu cho một trào lưu game MOBA hoàn toàn mới lạ được biết đến với tên gọi Hero Brawler.

Gần giống với tựa game DotA truyền thống, Heroes of the Storm cũng vay mượn ý tưởng rất nhiều vị tướng từ tựa game nổi tiếng Warcraft 3 trong quá khứ. Điều này cũng không lạ khi Heroes of the Storm cũng như Warcraft 3 đều là những đứa con cưng của Blizzard. Tuy nhiên, không phụ thuộc hoàn toàn vào Warcraft 3, hệ thống tướng trong Heroes of the Storm khá đa dạng. Các vị tướng trong thế giới Nexus này là tập hợp những vị anh hùng nổi tiếng nhất, đại diện cho 3 vùng đất, 3 tựa game huyền thoại: lãnh thổ rộng lớn Azeroth (Warcraft 3), điện thờ Sanctuary bí ẩn (Diablo) hay vùng đất kỳ bí Koprulu (Starcraft).

https://bnetcmsus-a.akamaihd.net/cms/content_folder_media/BF0KYH8ILNOB1398380055490.jpg

Heroes of the Storm quy tụ rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong các thế giới của Blizzard.

Hệ thống quái vật trong Heroes of the Storm cũng có một số điểm tương đồng so với DOTA 2 hay Liên Minh Huyền Thoại, khi số lượng và thời gian xuất hiện của cả 2 phe đều khá giống nhau. Ngoài việc quái vật trong Heroes of the Storm sẽ chỉ cung cấp kinh nghiệm chứ không có lượng vàng cho các vị tướng, Blizzard còn rất chăm chú đến những ngoại hình của những chú minions này trong game. Khi mà ở mỗi bản đồ, quái vật lại có hình dạng, kích thước riêng biệt, phù hợp với bản đồ mà chúng xuất hiện.

Thêm vào đó, hệ thống quái rừng – hay còn gọi là trại lính đánh thuê cũng là một trong những nét độc đáo và mới lạ trong Heroes of the Storm. Thay vì nhận được vàng và kinh nghiệm khi tiêu diệt những bãi quái này, thay vào đó người chơi sẽ phải đứng vào đó trong vài giây, sau đó những tên lính đánh thuê sẽ trở thành đồng mình của bạn, hỗ trợ rất nhiều trong việc đẩy đường và trụ. Tuy nhiên, bạn phải lưu ý rằng không phải đội tiêu diệt hết quái vật trong trại lính đánh thuê sẽ triệu hồi được những chú lính này, mà chỉ có đội đứng vào khu vực đó sau khi hạ gục chúng mới có lợi thế này.

Picture 6

Hệ thống quái vật trong Heroes of the Storm rất đa dạng.

Giống với Liên Minh Huyền Thoại, người chơi Heroes of the Storm cũng rất linh hoạt trong việc dịch chuyển, hay Teleport về nhà. Tuy kỹ năng này không có thời gian hồi chiêu, nhưng nó sẽ mất một vài giây để thực hiện, và bạn hoàn toàn có thể bị ngắt quãng nếu nhận phải bất kỳ công kích nào từ phía đối thủ. Điều này cũng góp phần giúp Heroes of the Storm đẩy nhanh nhịp độ trận đấu.

Mỗi trận đấu thường diễn ra trong khoảng 20 phút, nhanh hơn rất nhiều so với DOTA 2 và tương đương với khoảng thời gian tối thiểu để đầu hàng trong Liên Minh Huyền Thoại. Điều này cũng không khó lý giải khi ngoài việc được hỗ trợ trong việc di chuyển như Liên Minh, bạn sẽ không mất lượng lớn thời gian để farm và lên level như trong DOTA 2. Những cuộc gank, những pha combat trong Heroes of the Storm hoàn toàn có thể diễn ra ngay trong giai đoạn đầu game cực kỳ sớm, khi mà mỗi người chơi sở hữu tối thiểu tới 3 kỹ năng ngay ở cấp độ 1.

Picture 9

Các trận đấu trong HotS có nhịp độ cao hơn hẳn so với LMHT hay DOTA 2.

Cũng có chất MOBA như Liên Minh Huyền Thoại và DOTA 2, Blizzard cũng yêu cầu khá cao về tính gắn kết, tinh thần đồng đội trong team với tựa game Heroes of the Storm. Lượng kinh nghiệm được chia đều, cũng như không có hệ thống vật dụng nên những vị tướng dù đảm nhiệm vai trò hỗ trợ (Support) cũng có sức mạnh khá nguy hiểm, và họ không phải hy sinh quá nhiều như trong 2 tựa game đàn anh.

Sự phối hợp ăn ý cùng đồng đội trong các cuộc giao tranh, cũng như khi thực hiện những nhiệm vụ trong mỗi bản đồ là hết sức quan trọng. Đó cũng là yếu tố chính quyết định thành bại của mỗi đội trong trận đấu. Heroes of the Storm rất khác với DOTA 2 hay Liên Minh Huyền Thoại, sẽ không có cảnh một vị tướng cực khỏe, với lượng kỹ năng hay kinh nghiệm vượt trội có thể gánh cả đội. Kỹ năng cá nhân cũng quan trọng, nhưng sự phối hợp đồng đội mới là thứ cần thiết và được yêu cầu cao nhất trong một trận đấu Heroes of the Storm.

Picture 10

Teamwork là yếu tố quyết định đến kết quả của một trận đấu trong HotS.

Cũng giống với Liên Minh Huyền Thoại, Blizzard cũng cung cấp hệ thống shop trong game. Tuy giá cả có đôi phần đắt đỏ hơn ở một số trang phục, vật phẩm, tuy nhiên Heroes of the Storm được đánh giá cao hơn Liên Minh ở chỗ người chơi có cơ hội sở hữu một vài trang phục bằng cách gia tăng cấp độ của mình, cũng như có thể bỏ ra một lượng lớn đơn vị tiền trong game. Khác biệt còn ở chỗ, bạn có quyền thử trước khi quyết định bỏ tiền ra mua một vị tướng trong Heroes of the Storm.

http://news.cdn.leagueoflegends.com/public/images/misc/CP_dragonfistleesin.png

Chroma Pack của Liên Minh Huyền Thoại với nhiều nét tương đồng với Heroes of the Storm.

Ngoài ra, 2 tựa game này cũng có một số ý tưởng giống nhau trong cửa hàng, ví dụ như tính năng nhuộm màu các trang phục. Hay tính năng Champion Mastery, đo độ thành thao khi sử dụng các vị tướng khác nhau của bạn cũng là một trong những điểm chung của 2 tựa game này. Heroes of the Storm cũng có những yêu cầu khá khắt khe nếu người chơi muốn tham gia chế độ đấu xếp hạng, điều tương tự với DOTA 2 hay Liên Minh Huyền Thoại.

Cùng với đó, trong Heroes of the Storm, game thủ sẽ không thể biết bất kỳ một thông tin gì của đồng đội, cũng như không có khả năng giao tiếp với họ trước khi trận đấu bắt. Điều này cũng là một điểm trừ, cũng như hạn chế khá lớn của Heroes of the Storm nếu so với DOTA 2 hay Liên Minh Huyền Thoại. Một tựa game đồng đội nên đề cao khả năng giao tiếp cũng như kết nối giữa các thành viên trong team, thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là ý đồ của Blizzard nhằm tạo sự riêng biệt cho Heroes of the Storm.

Picture 11

Một góc cửa hàng của Heroes of the Storm.

Kể từ khi chính thức cho ra mắt phiên bản Open Beta, cơn sốt Heroes of the Storm đã tràn ngập trên khắp các diễn đàn, tạo ra sức hút cực kỳ lớn tới các game thủ. Hy vọng rằng, Heroes of the Storm sẽ mang lại một cơn gió mới, hứa hẹn nhiều điều thú vị cho cộng đồng game thủ, và một ngày không xa, tựa game này sẽ trở thành một thế lực mới trong làng MOBA thế giới, đủ khả năng để cạnh tranh với 2 người đàn anh hiện nay là Liên Minh Huyền Thoại và DOTA 2.

>> Heroes of the Storm: tướng mới Johanna - The Crusader trình làng