[GameK tiểu sử] IceFrog - Cha đẻ DOTA 2: Anh là ai?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 09/09/2015 06:09 PM

DotA không phải do chỉ mình bàn tay IceFrog tạo ra, thế nhưng chính anh đã góp công lớn để DOTA 2 có được ngày hôm nay

Lời người dẫn: Trong loạt bài mới mang tên GameK Tiểu Sử này, chúng tôi sẽ lần lượt đem tới các bạn độc giả câu chuyện về những con người dẫn đầu làng game, những game thủ, những nhà thiết kế game đại tài trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong phần đầu tiên của loạt bài này, hãy cùng chúng tôi nhìn lại chặng đường lịch sử của DotA, DOTA 2 cũng như bản thân một người làm game cực kỳ nổi tiếng trong cộng đồng, IceFrog. Mời bạn đọc cùng thưởng thức.

Khi nói đến IceFrog, chắc chắn không game thủ chơi DOTA 2 nào tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới sẽ chẳng cảm thấy xa lạ gì với người được mệnh danh là "cha đẻ của DotA". Kỳ thực, DotA không phải do chỉ mình bàn tay IceFrog tạo ra, thế nhưng chính anh đã góp công lớn để DOTA 2 có được ngày hôm nay. Và cho tới thời điểm hiện tại, gã lập trình viên giấu mặt này đã đưa ra những thay đổi, cũng như cùng Valve phát triển nên một cộng đồng DOTA 2 cực kỳ mạnh trên toàn thế giới.

Không một ai biết danh tính thực của IceFrog là gì, cũng như năm sinh chính thức của anh ta. Tất cả chỉ biết được rằng hiện tại Ice Frog đang khoảng 31 - 32 tuổi nhờ vào đoạn post cho biết anh đã 25 tuổi vào ngày sinh nhật của mình vào ngày 03/02/2009. Thậm chí tranh cãi về quốc tịch của Ice Frog cũng diễn ra cho tới ngày hôm nay, khi không một ai chắc chắn được rằng liệu IceFrog có phải người Mỹ hay không.

Chính vì sự bảo mật thông tin đến mức đáng sợ như vậy, "kẻ tạo ra DOTA 2" đã trở thành một tượng đài bí ẩn trong cộng đồng DOTA 2, cho tới tận ngày hôm nay.

Hãy quay ngược thời gian một chút, cái ngày định mệnh khi Steve "Guinsoo" Feak mời IceFrog về cùng phát triển map mod DotA dành cho WarCraft 3. Đó là sau khi Eul, cha đẻ thực sự của DotA vào năm 2003 ngừng phát triển bản mod dựa trên nền map Aeon of Strife trên StarCraft, với sự giúp đỡ của Meian và Ragn0r, những người được ghi nhớ như những "khai quốc công thần" của DotA Allstars. Đến năm 2004, Guinsoo đưa IceFrog và Neichus về tiếp tục phát triển DotA sau khi anh đã giành được nhiều thành công với những phiên bản DotA từ 3.xx đến 5.xx.

Ngay sau đó, Neichus cũng từ bỏ cuộc chơi. Điều này hóa ra không phải quá tệ hại, vì kể từ khi IceFrog được giao toàn quyền phát triển DotA Allstars, anh đã khởi đầu phiên bản 6.xx huyền thoại với phiên bản đầu tiên, 6.00, ra mắt ngày 28/02/2005, biến DotA trở thành một bộ môn eSports được rất nhiều người biết tới như ngày hôm nay.

Dĩ nhiên thay đổi luôn đem lại những phản hồi đa chiều. Một số người thích, nhưng cũng chẳng thiếu game thủ đã quá quen với 5.84 "thần thánh" khi 6.00 đem lại quá nhiều thay đổi. Kể từ đó, hàng loạt hero mới được ra mắt, trong đó là những cái tên quá đỗi quen thuộc ở thời điểm này như Phantom Assassin 2.0, Tiny, Earth Shaker, Enigma, Bloodseeker, Dazzle...

Lạc đề một chút, khi nhắc tới cái tên Eul, chắc hẳn các bạn cũng đã nhận ra điều gì đó. Để ghi nhớ công lao của Eul, một vật phẩm rất quan trọng trong game, Eul's Scepter of Divinity đã được đặt theo tên của anh. Giờ đây trong nhiều trận đấu, chính chiếc "gậy lốc" này đã trở thành item quyết định giúp nhiều game thủ giành được chiến thắng. Còn về phần Guinsoo, chính chiếc gậy Scythe of Vyse "biến lợn" thần thánh đã được ghi tên của anh trong phiên bản cũ.

Guinsoo (người đứng bên trái ảnh)

Sau khi ngừng phát triển DotA, Guinsoo trở về Riot Game và tạo ra một tựa game khác cũng đình đám chẳng kém phần long trọng với cộng đồng game thủ thế giới cũng như ở mảnh đất hình chữ S: Liên Minh Huyền Thoại.

Cho tới ngày 09/10/2009, IceFrog bất ngờ tuyên bố anh đã về với Valve Corporation và làm trưởng một dự án bí mật, thứ mà anh cho biết "sẽ là một tin rất tuyệt với fan DotA". Tròn một năm sau, Valve công bố DOTA 2, tựa game độc lập dựa trên nền bản mod huyền thoại kể trên. Đương nhiên cũng cần kể tới vụ kiện đình đám giữa Blizzard và Valve giữa cái tên DotA. kết cục, Blizzard được quyền sở hữu những cái tên liên quan tới những sản phẩm họ tạo ra, còn Valve vẫn được tiếp tục phát triển DOTA 2, vì DotA không phải thương hiệu đã được Blizzard đăng ký bản quyền.

Đó cũng là lý do nhiều cái tên đã quen thuộc trong DotA đã bị lược bỏ trong DOTA 2, dù rằng chúng ta vẫn gọi những hero bằng tên cũ, như Butcher, Skeleton King (Leoric)... Một cách ngắn gọn, không có IceFrog, thì giờ đây chắc chắn sẽ chẳng có cộng đồng DOTA 2, chẳng có những giải đấu triệu Đô, cũng chẳng có những game thủ đình đám nổi tiếng thế giới như ở thời điểm hiện tại.

Với khả năng của Source Engine, DOTA 2 được lột xác một cách hoàn toàn với hình ảnh tươi sáng, ấn tượng và đẹp đẽ hơn những gì thể hiện thông qua WarCraft 3: The Frozen Throne rất nhiều. Cộng với việc Valve đổ tiền tấn vào việc quảng bá DOTA 2, với đỉnh điểm là giải đấu triệu Đô The International tổ chức lần đầu tiên tại sự kiện Gamescom, Đức vào năm 2011, họ đã thành công trong việc dần xóa bỏ DotA để biến DOTA 2 trở thành một trong số những bộ môn eSports được quan tâm yêu thích bậc nhất hiện tại.

Không phải tự nhiên IceFrog trở thành chủ đề bàn tán, thậm chí... sỉ vả của cộng đồng DOTA 2 mỗi khi phiên bản mới ra mắt. Sau mỗi phiên bản ra mắt, với một meta mới được giới thiệu và yêu cầu game thủ phải làm quen, thì ở phiên bản mới, IceFrog sẽ phải cân bằng lại sức mạnh giữa các hero. Điều đó dẫn tới thực trạng, chẳng thiếu gì game thủ đổ lỗi cho chàng thiết kế game này khi một hero bị buff hay nerf quá đà, khiến meta mới trở nên vô cùng lạ lẫm.

Những giả thuyết về danh tính thực sự của IceFrog chẳng hề thiếu. Đã từng có lúc người ta nghi ngờ Bruno Carlucci, một kỹ sư khoa học máy tính kiêm bình luận viên DOTA 2 chính là IceFrog. Đó là khi The International 2 diễn ra, một trong 4 bình luận viên trước trận đấu là Bruno đã nhấn mạnh rất nhiều lần từ “No Legs” khi nói về chiến thuật sử dụng những hero không chân như Naga, Venomancer, Morphling, Enigma của team ToFu nhằm nhấn mạnh hero càng ít chân thì càng imba.

Ngay lập tức, việc Icefrog sử dụng từ Legs trong changelog 6.75 hoàn toàn trùng khớp với thuật ngữ legs mà bình luận viên Bruno hay nói nên rất nhiều người tin rằng Bruno chính là Icefrog. Game thủ nổi tiếng 2GD James Harding cũng là một trong 4 bình luận viên của TI2 tiết lộ Icefrog là 1 trong 4 người ngồi trên bàn bình luận (trước đó game thủ Godz, cũng là một trong 4 bình luận viên cũng ngầm ý như vậy). Ngoài ra chính 2GD cũng gọi đùa Bruno Icefrog. Tuy nhiên giả thuyết này có nhiều điểm bất hợp lý, dẫn tới việc fan không công nhận điều đó.

Tuy nhiên có một điều có thể khẳng định từ lời xiao8, đội trưởng LGD, đó là IceFrog, người mà xiao8 từng được gặp, đó là anh này "vô cùng đẹp trai". Ở thời điểm hiện tại, IecFrog vẫn đang làm trưởng dự án DOTA 2 cùng những người bạn tại Valve, cũng như những người từng gắn bó với anh từ thời kỳ DotA trước đây như chính bản thân Eul chẳng hạn.