FPS sẽ lấy lại vị trí đầu bảng trong giới eSports? (Phần 1)

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 02/01/2013 05:00 PM

Sẽ không lâu nữa, hình ảnh hào hùng ngày nào mà CS 1.6 tạo ra trở lại rực rỡ…

Không khó để chúng ta có thể nhận ra một sự thật rằng trong thời điểm hiện tại chẳng có một tựa game FPS nào đang ngự trị trên đỉnh cao Thể thao điện tử quốc tế. Năm 2012 là kỷ nguyên của các game RTS và MOBA, chẳng ai có thể phủ nhận được điều này, những điều mà League of Legends và StarCraft II làm được thật tuyệt vời, các giải đấu của 2 game nói trên phủ sóng liên tục và rộng khắp trên toàn thế giới.
 
Cũng đã có không ít con số khổng lồ được ghi nhận, điển hình là việc một top-player của LoL khi tập luyện cso thể có từ 10 tới 15.000 người xem trực tiếp qua stream. Trong khi đó, StarCraft II là game cá nhân được đầu tư tiền thưởng lớn nhất với 540.000 USD/tháng.
 
FPS sẽ lấy lại vị trí đầu bảng trong giới eSports? (Phần 1) 1
 
Lịch sử eSports thế giới ghi nhận lại cho thấy, luôn có ít nhất một tựa game FPS nằm trong danh sách các top game được yêu thích. Và sau sự thoái trào của CS 1.6, tương lai, vận mệnh của dòng game này hiện đang nằm trong tay "đứa trẻ" Counter Strike: Global Offensive.
 
FPS eSports và quá khứ huy hoàng
 
Quay trở lại thời kỳ 2005 - 2009, mọi proteam của Châu Âu hay khu vực Bắc Mỹ đều có một đội hình Counter Strike 1.6 để chăm chút, và đương nhiên các sự kiện quốc tế cũng dễ dàng xếp trò chơi này vào danh sách game thi đấu chính thức. Lúc bấy giờ, sẽ không phải nói quá nếu cho rằng CS 1.6 là ngôi sao rực sáng trong bầu trời Thể thao điện tử, thậm chí còn là đại diện tiêu biểu nhất của dòng game FPS. Hầu hết các gaming nổi tiếng nhất thế giới như Fnatic, Evil Geniuses, SK Gaming hay Ninjas in Pyjamas đều có khá nhiều đội game, nhưng tên tuổi của họ đều được khẳng định qua sự thành công của đội hình Counter Strike 1.6.
Lịch sử đã khẳng định vị thế của game FPS, và vì vậy, việc một đại diện khác trong dòng game này chiếm lại vị trí CS 1.6 bỏ lại chỉ còn là vấn đề thời gian.
 
Tại sao thời điểm này không game FPS nào nổi bằng CS2/Lol?
 
Bạn có thể có hàng trăm lý do để trả lời cho câu hỏi này, nhưng chúng tôi xin đưa ra 4 luận điểm chính:
 
FPS sẽ lấy lại vị trí đầu bảng trong giới eSports? (Phần 1) 2
 
1. Số lượng game FPS được ra mắt trong thời gian qua quá ít, và nói chính xác thì cũng chỉ có CS: GO được Valve giới thiệu tới cộng đồng sau một thời gian rất dài "úp mở". Nhưng ngay cả khi đã đến tay cộng đồng, tính gần gũi với game thủ hay tính cạnh tranh trong thi đấu của CS: GO cũng không thể sánh nổi với những CS 1.6 hay Quake ngày nào.
 
2. Thời gian ra mắt của SC2 và Leauge of Legends là quá chuẩn. Ngay sau khi những CS 1.6/CSS/Quake hay kể cả Halo bị loại khỏi danh sách game thi đấu chính thức ở các sự kiện lớn thì StarCraft II và LoL lên tiếng. Thậm chí, những giải đấu như Intel Extreme Masters - vốn được đầu tư bởi ESL, đơn vị xây dựng thương hiệu chủ yếu dựa trên CS 1.6 và Quake cũng đành lòng loại 2 tựa game "con cưng" của mình.
 
Không phải SC2/LoL không thể phát triển nếu các game FPS đi xuống, nhưng quả thực sự sắp xếp quá tài tình về mặt thời gian đã giúp các đại diện của RTS & MOBA tiến "phi mã" trong năm 2012.
 
FPS sẽ lấy lại vị trí đầu bảng trong giới eSports? (Phần 1) 3
 
3. Trong khi các game FPS thoái trào thì thế giới eSports đã có sự chuyển biến, thay đổi lớn về cách thức hoạt động, truyền thông cộng đồng và một vài đặc tính cơ bản. Một loạt các hình thức truyền bá thông tin tiện dụng như Streaming/Twitter/Facebook fan page xuất hiện, trong khi các "ngôi sao eSports cũ" còn quá mù mờ với chúng thì lứa game thủ mới lên của SC2/LoL đã rất nhanh làm quen, sử dụng hiệu quả. Một ví dụ điển hình là các đội game chuyên nghiệp giờ đây có thể dễ dàng báo cáo với nhà tài trợ thông qua lượng view, like tại Twitter hay Facebook.
 
Và bạn biết không, con số người like các fanpage SC2/LoL trên thế giới là khổng lồ!
 
4. Các game FPS dàn trải trên quá nhiều hệ máy. Trên Console, thị trường game FPS rất tuyệt vời và luôn đứng hàng top. Hàng triệu người chỉ thích sử dụng tay cầm, chơi trên PlayStation Network hay XBOX LIVE. Game thủ không muốn nâng cấp máy tính, không muốn mất thời gian cài game, có nhiều lý do để bạn lựa chọn một chiếc máy Console thay vì chơi trên PC. League of Legends có hàng triệu fan xem trực tiếp những giải đấu quốc tế không phải vì hàng triệu người đó đều chơi eSports chuyên nghiệp, đơn giản là hàng triệu người đó đều chơi game trên PC, và họ quan tâm đến game họ chơi.
 
FPS sẽ lấy lại vị trí đầu bảng trong giới eSports? (Phần 1) 4
 
SC2/LoL - thậm chí còn chẳng có trên các máy Console.
 
(Còn tiếp)
 
Theo MMOSITE