[GameK Tiểu Sử] Fear – "bố già" của làng DOTA 2 thế giới

Chidotoji  - Theo Trí Thức Trẻ | 27/10/2015 12:27 PM

Với tuổi đời già dặn, Fear được các fan hâm mộ đặt cho biệt danh Old Man của làng DOTA 2 thế giới.

Fear – cái tên có lẽ đã quá quen thuộc với những người hâm mộ DOTA 2 trên toàn thế giới. Cùng với một số game thủ gạo cội như XBOCT, Dendi hay Ferrari_430, anh là một trong những tượng đài đã gắn bó với DOTA 2 ngay từ những ngày đầu. Điểm khác biệt duy nhất có chăng chỉ là tuổi đời già dặn khiến anh được các fan hâm mộ đặt cho biệt danh Old Man của làng DOTA 2 thế giới.

Khởi đầu sự nghiệp DOTA 2 với Online Kingdom, một team DOTA 2 được đánh giá là vật lót đường tại The International 1. Thế nhưng, Fear cùng những người đồng đội của mình đã làm nên vô số bất ngờ, đồng thời cán đích ở vị trí thứ 7 đầy thuyết phục, cùng với đó là số tiền thưởng khổng lồ. Có lẽ ngay cả trước khi tham gia giải đấu, Fear cùng đồng đội cũng không dám nghĩ mình có thể thi đấu thành công như vậy, khi Online Kingdom quá bé nhỏ nếu so với những cái tên tham gia giải. Chỉ có sự dẫn dắt tuyệt vời, cùng khả năng khích lệ tinh thần của người đội trưởng mẫu mực Fear mới có thể khiến chú lùn bé nhỏ đến từ châu Âu làm nên vô số bất ngờ thú vị, thậm chí là cả trước các đại gia Trung Quốc.


Bố già tại The International 1.

Bố già tại The International 1.

Bước ngoặt trong cuộc đời Fear đến từ khi Evil Genius lập đội DOTA 2 chuyên nghiệp, và chính anh là gương mặt đầu tiên được các nhà quản lý ưu ái chọn mặt gửi vàng cho một vị trí carry chính. Cùng với đó là sự gia nhập của những cái tên tiếng tăm như Maelk, Bulba và Universe. Hợp cùng với Fear, họ tạo nên một đội hình Allstar ở thời điểm bấy giờ và được đặt rất nhiều kỳ vọng. Sau nhiều chiến tích đáng kể, EG dần dần lấy lại vị thế của mình trên đấu trường DOTA 2 thế giới. Đi kèm với đó là chiếc vé mời trực tiếp tham dự vòng chung kết The International 2 dành cho Fear và đồng đội. Tuy nhiên, đây lại là một trong những cột mốc đáng quên của Fear, khi EG bị loại sớm dù đã xuất sắc vượt qua vòng bảng bởi các đại diện từ Trung Quốc.

EG tiếp tục sa sút và trên đà xuống dốc, dù rằng Fear đã cố hết sức để vực con tàu đang đắm dần này. Nhưng một mình anh không thể làm nên điều gì to tát, dù rằng Fear đã chấp nhận chuyển xuống vị trí support, nhường carry cho người đồng đội khác. Với phong độ bết bát, EG mất vé tham dự The International 3, tuy nhiên đây cũng là điều hoàn toàn hợp lý và cần thiết cho EG thời điểm bấy giờ. Các nhà quản lý có thời gian suy xét và hoạch định lại, đồng nghĩa với việc EG đứng trước một cuộc thay máu triệt để. Tuy nhiên, Fear vẫn là cái tên nòng cốt được ưu ái giữ lại với hy vọng anh sẽ dẫn dắt lớp trẻ làm nên một tương lai tươi sáng mới.

Và quả thật, với một đội hình mới gồm toàn những cái tên còn non trẻ như Arteezy, Zai, Fear vẫn dẫn dắt EG trở thành một trong những top team mạnh nhất nhì trên thế giới, và đương nhiên là độc cô cầu bại ở khu vực Bắc Mỹ. Cùng với đội hình đầy tài năng này, Fear đã dẫn dắt EG đi tới vô số danh hiệu lớn nhỏ. Mặc dù trên danh nghĩa ppd mới là đội trưởng, nhưng trong trận đấu, những chỉ đạo, những lời khích lệ tinh thần đến từ Fear có giá trị vô cùng to lớn tới những thành viên còn lại. Đang trên đà phong độ thì đen đủi thay, một chấn thương tay bất ngờ ập đến với Fear, và càng đáng buồn hơn nữa khi đó là thời điểm mà The International 4 đã cận kề. EG buộc phải thay thế anh bằng Mason, và dù rất cố gắng nhưng thành tích thứ 3 có thể coi là khả quan dành cho EG khi thiếu vắng đi Old Man.


Fear vắng mặt đầy đáng tiếc ở The International 4.

Fear vắng mặt đầy đáng tiếc ở The International 4.

Trở lại với Fear ở The International 5, EG trở nên cực kỳ mạnh mẽ tuy nhiên họ vẫn bị đánh giá là dưới cơ những Team Secret hay Vici Gaming. Thế nhưng bằng một lối chơi hợp lý, cùng với đó là kinh nghiệm và sự cáo già của Fear, EG lầm lũi thẳng tiến và rồi bước lên ngôi vô địch một cách vô cùng thuyết phục. Chức vô địch này cũng là danh hiệu cao quý nhất trong vô vàn các danh hiệu mà Old Man giành được từ trước tới nay.


Để rồi bùng nổ và lên ngôi đầy thuyết phục tại The International 5.

Để rồi bùng nổ và lên ngôi đầy thuyết phục tại The International 5.

Với sự trở lại của Arteezy, Fear đã lại một lần nữa nhường vị trí carry lại cho thần đồng người Canada, quay trở về bù đắp vào vị trí semi support mà Aui_2000 để lại. Tuy rất triển vọng cũng như đã khẳng định được tài năng, thế nhưng Arteezy vẫn chưa thể khiến người hâm mộ quên đi hình bóng trì trạc nhưng đầy chắc chắn và kinh nghiệm ngày nào của Fear. Không quá khi nói anh chính là mắt xích quan trọng nhất trong đội hình EG thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, dù không được thi đấu ở vị trí sở trường, thế nhưng Fear vẫn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những chiến thắng gần đây của EG. Hình bóng Aui_2000 đã được Old Man khỏa lấp và thay thế một cách xuất sắc. Tuy Evil Genius hiện tại đã không còn bách chiến bách thắng như hồi The International 5, nhưng nên nhớ một điều, chừng nào Fear còn hiện diện trong đội thì EG chắc chắn sẽ luôn giữ vững được tầm vóc và đẳng cấp vốn có của mình.