Divine Rapier – Món “đồ chơi” nguy hiểm đang được yêu thích nhất tại DOTA 2 TI5

Nga0Du  - Theo Trí Thức Trẻ | 30/07/2015 04:05 PM

So với các mùa giải đã qua, DOTA 2 TI5 chính là vòng chung kết vô địch thế giới có tần suất xuất hiện nhiều nhất của Divine Rapier.

Chưa năm nào, Divine Rapier lại xuất hiện nhiều như tại TI5

Sau 3 ngày thi đấu chính thức, vòng chung kết TI5 đã đem đến cho người hâm mộ trên toàn thế giới những trận đấu mãn nhãn, chất lượng và ngập tràn cảm xúc. Tính tới thời điểm này, trong những điểm nhấn đáng chú ý của mùa giải năm nay, không thể không kể đến sự xuất hiện liên tục của Divine Rapier, một trong những món đồ đắt giá, mạnh mẽ và kích thích bậc nhất của thế giới DOTA 2.

Các game thủ đã sử dụng Divine Rapier trong mùa giải năm nay bao gồm: 9pasha (Vega), Mushi (Fnatic), Silent (Empire), EE-sama (Cloud 9) và MMY (LGD). Ngoại trừ trường hợp của MMY lên Divine “cho vui” khi trận đấu đã an bài, trong các trường hợp khác, Divine đều là mấu chốt quan trọng quyết định cục diện trận đấu.

Theo những con số thống kê, sau 73 trận đấu, vòng chung kết TI5 đã cho ra lò 9 thanh Divine, trung bình 0,123 chiếc/game. Nếu đem so sánh với các mùa giải trước, đây là một hiệu suất cực cao.

Tại vòng chung kết năm 2014, thanh kiếm huyền hoại này chỉ xuất hiện 9 lần trong 172 trận đấu (~ 0,052 chiếc/game). Ở mùa giải TI3 và TI2, hiệu suất này còn thấp hơn. Lần lượt là 0,037 và 0,019 chiếc/game. Đặc biệt ở mùa giải 2011 – mùa giải đầu tiên tổ chức The International, đã không có bất kỳ thanh Divine nào xuất hiện sau 52 trận đấu. Như vậy, TI5 chính là vòng chung kết vô địch thế giới có tần suất xuất hiện nhiều nhất của Divine Rapier.

Các trận đấu có xu hướng kéo dài chính là nguyên nhân khiến Divine được ưa chuộng

Tại vòng chung kết năm nay, các trận đấu đang có xu hướng kéo dài hơn so với những mùa giải trước. Sau 73 trận đã đấu, vòng chung kết TI5 đã chứng kiến 17 trận đấu kéo dài hơn 50 phút, chiếm 23,28%. Đặc biệt tại game 2 trong cuộc so tài giữa Invictus Gaming và Fnatic, trận đấu đã giằng co đến phút thứ 98 mới kết thúc.

Nhìn lại các vòng chung kết TI đã qua, chỉ có mùa giải TI 1 là có thời gian trung bình một trận đấu cao hơn TI 5 (19/52 trận kéo dài trên 50 phút, chiếm 36,53%). Đây cũng là điều dễ hiểu vì TI 1 là giai đoạn chuyển giao giữa DotA và DOTA 2 (Tại DotA, phong cách “nuôi rùa” lúc đó đang cực thịnh). Ở các mùa giải còn lại, tỉ lệ số trận đấu kéo dài trên 50 phút đều thấp hơn TI5. Con số này lần lượt là 19,18% (TI 4), 10,49% (TI 3) và 13,07% (TI 2).

Các trận đấu có xu hướng kéo dài của TI5 khiến cho tính chất căng thẳng và giằng co được đẩy lên cao độ. Trong những thế trận như vậy, Divine Rapier là một trong những chìa khóa tốt nhất để tạo ra đột biến và giải quyết vấn đề. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thanh kiếm huyền thoại này rất được ưa chuộng tại mùa giải năm nay.

Những trận đấu kéo dài báo hiệu phong cách “nuôi rùa” đang lên ngôi ?

Không, chắc chắn là không phải vậy. Xu hướng kéo dài các trận tại TI5 chỉ thể hiện một điều rằng đẳng cấp và khoảng cách giữa các đội đang ngày một thu hẹp. Với trình độ của 2 đội tương đồng, một thế trận giằng co và dai dẳng được tạo ra cũng là điều hết sức bình thường.

Mặc dù các trận đấu tại TI5 đang có xu hướng kéo dài nhưng khán giả hiếm khi cảm thấy nhàm chán hay buồn ngủ. Trong suốt thời gian thi đấu, những pha combat lớn nhỏ thường xuyên xảy ra trên khắp bản đồ khiến người xem có cảm giác như đang chứng kiến một bộ phim hành động hấp dẫn của Hollywood. Đây là một thành công rất lớn của DOTA 2 TI 5 nói riêng và Valve nói chung.