Đầu hàng - Tính năng sẽ không bao giờ xuất hiện trong DOTA 2?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 26/07/2013 03:27 PM

Vì sao DOTA 2 không có tính năng Đầu hàng?

Có thể một trong những vấn đề mà nhiều người chơi mới vẫn luôn phàn nàn: là việc DOTA 2 không cho phép người chơi đầu hàng và kết thúc sớm trận đấu. Đây cũng là một trong vô vàn những lí do khiến cho trò chơi này trở nên “khó nhằn” hơn với các newbie. Tuy nhiên, quyết định của Valve khi giữ không đưa tính năng này vào trong DOTA 2 có thể là một quyết định hết sức đúng đắn.

Đầu hàng - Tính năng sẽ không bao giờ xuất hiện trong DOTA 2? 1

Mặc dù bản cập nhật gần đây đã cho phép người chơi kết thúc trận đấu khi gõ “gg” trong các trận đấu qua lobby dành cho luyện tập và thi đấu. Tuy nhiên, trong các trận đấu ở Public Matchmaking, bạn vẫn sẽ phải chiến đấu cho tới khi Ancient của mình sụp xuống. Sự khác nhau giữa hai trường hợp này là rất rõ ràng. Các trận thi đấu chuyên nghiệp hay luyện tập được tổ chức qua lobby đều là những trận đấu nghiêm túc, và thể thức thi đấu thường là Captain’s Mode, nơi các thành viên thi đấu như một đội thống nhất. 

Việc gõ “gg” (Good game) vào cuối game khi thắng thua đã rõ trong trường hợp này không mang nghĩa “Đầu hàng” mà là chấp nhận thua cuộc và chúc mừng đối thủ sau một trận đấu hay. Điều tương tự rất khó xảy ra trong các game được tổ chức qua Public Matchmaking, nơi thành viên của cả hai đội thường ít khi quen biết nhau, dẫn đến việc thiếu sự đoàn kết và cùng cố gắng hết mình khi gặp khó khăn.

Đầu hàng - Tính năng sẽ không bao giờ xuất hiện trong DOTA 2? 2

Một trận đấu DOTA 2, dù là public hay chuyên nghiệp, không thể được quyết định chỉ trong 20 phút đầu, khi một đội có lợi thế kiếm được nhiều điểm kinh nghiệm và vàng hơn. Ngay cả khi đối thủ đang dẫn trước team bạn tới 10,000 vàng, 20,000 vàng, thậm chí hơn nữa, trận đấu vẫn có thể dễ dàng xoay chiều chỉ sau một hai combat. Lí do nằm ở việc khi giết được một hero đối phương, bạn nhận được một lượng vàng kha khá, nhưng đối thủ thì mất còn nhiều hơn thế. 

Nói cách khác, tiền của đối thủ sẽ đi vào túi bạn bằng nhiều cách. Với những team fight lớn có sự tham gia của nhiều hero, số vàng chuyển dịch qua lại này còn nhiều hơn nữa. Đó là lí do bạn không thể nào nói một trận đấu DOTA 2 đã kết thúc trừ khi team đối phương đã phá hủy được nhà chính của bạn. Đó là một trong những điều khiến DotA, cũng như DOTA 2, trở nên căng thẳng và hấp dẫn.

Đầu hàng - Tính năng sẽ không bao giờ xuất hiện trong DOTA 2? 3
Lội ngược dòng luôn mang lại cảm giác phấn khích.

Nếu bạn vẫn mong chờ Valve sẽ đưa tính năng đầu hàng vào trong game, hãy xem phát biểu của Erik Johnson, giám đốc dự án DOTA 2, khi trả lời phỏng vấn của PC Gamer khi phóng viên tạp chí này tới Valve và chứng kiến đội ngũ phát triển đang chơi thử một trận DOTA 2:

“DOTA chú trọng vào thi đấu, và người chơi chú tâm vào nó rất nhiều, vì thế thua cuộc không vui vẻ gì, nhưng những người thắng cuộc có thể sẽ có rất nhiều niềm vui. Cân nhắc điều đó, chúng tôi không muốn làm cả hai bên bị mất hứng. Một điều chúng tôi không bao giờ muốn mất đi là những cuộc lội ngược dòng tuyệt vời, như trong trận đấu vừa rồi – cả hai đội có thể đã muốn đầu hàng trong một vài thời điểm. Nhưng như thế thì còn gì là vui vẻ”.

Đầu hàng - Tính năng sẽ không bao giờ xuất hiện trong DOTA 2? 4
Hãy cố gắng vượt qua khó khăn.

Những người chơi lâu năm chắc hẳn sẽ hiểu những gì mà Johnson nói tới ở đây, và thậm chí những người chơi mới cũng đã từng nếm qua cảm giác sung sướng khi bạn có một pha “lật kèo” khi tưởng chừng đã thua. Điều gì là tốt hơn, và đáng nhớ hơn? Một trận thắng dễ dàng, hay một cuộc lội ngược dòng đẹp mắt trong hoàn cảnh ngặt nghèo? 

Không chỉ thế, việc một ai đó có thể đề nghị đồng đội “đầu hàng” nhằm thoát khỏi trận đấu không chỉ ảnh hưởng tới đội thắng cuộc, nó có thể khiến chính đồng đội của anh ta thấy khó chịu khi họ đang cố gắng hết sức mình. Điều đó giống như ai đó liên tục nói rất to vào mặt bạn “thua rồi, đánh gì nữa” sau mỗi combat thất bại. Tất nhiên, bị “ hành” thì không mấy thích thú, nhưng liệu có đáng chỉ vì một vài người chơi chán nản mà khiến cho nhiều người khác “cụt hứng”. Tại sao người đó không tiếp tục cố gắng cho chính bản thân và đồng đội của mình? Hơn nữa, nếu chấp nhận thua cuộc một cách dễ dàng, bạn sẽ khó mà chơi giỏi hơn trong các trận đấu sau đó. 

Dù chỉ là một trò chơi, nhưng DOTA 2 đã được định hướng trở thành một bộ môn Thể thao điện tử. Valve muốn tất cả người chơi, dù thắng hay thua, đều có thể tận hưởng được niềm vui và sự thú vị khi chơi DOTA 2. Việc không đưa tính năng “Đầu hàng” vào các trận đấu Matchmaking là cũng không nằm ngoài mục đích này.