CS:GO chuyên nghiệp: Bá đạo nhưng chưa được quan tâm đúng mức

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 12/10/2015 04:30 PM

Tại Việt Nam, mọi chuyện cũng không khác biệt nhiều, khi CS:GO Việt Nam chưa thực sự có được sự quan tâm, đầu tư đúng mức

Ở thời điểm hiện tại, thể thao điện tử đã có sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, cả số lượng giải đấu cũng như chất lượng của các mùa giải. Tuy nhiên mới đây, một công bố mới đến từ EEDAR, một đơn vị nghiên cứu thị trường đã chỉ ră rằng, thị trường thể thao điện tử có sự phát triển khác biệt rõ ràng so với thị trường game nói chung.

Dựa trên hai cuộc điều tra độc lập với sự tham gia của 2000 game thủ PC, EEDAR đã có được những số liệu cực kỳ cụ thể về tốc độ phát triển của eSports trên thế giới.

Trao đổi với GamesIndustry, nhà phân tích thương mại của EEDAR, Ed Zhao cho biết, những tựa game MOBA như Liên Minh Huyền Thoại hay DOTA 2 đang là những bộ môn thu hút sự chú ý của cộng đồng, thế nhưng thứ xứng đáng có được sự quan tâm thực chất phải là những bộ môn game bắn súng và những giải đấu lớn của những tựa game như CS:GO, Halo hay Call of Duty.

Ed Zhao cho hay: "Tốc độ phát triển của MOBA đang rất ổn định, cùng với đó là số lượng người theo dõi các giải đấu và giá trị thị trường MOBA. Thế nhưng bộ môn FPS mới là thứ cần được quan tâm, nhất là CS:GO bởi tốc độ phát triển quá mạnh mẽ của chúng."

Cần nhắc lại, giải đấu vô địch thế giới ESL One Cologne 2015 mới diễn ra tại Đức cách đây chưa lâu đã thu hút 1,3 lượt theo dõi trên kênh Twitch cũng như những dịch vụ stream như YouTube Gaming và đặc biệt là cả trong game, nơi game thủ có thể theo dõi trực tiếp những trận đấu đỉnh cao một cách miễn phí. "Đó chính là điều khiến cho FPS eSports xứng đáng có được sự quan tâm đúng mực bên cạnh những bộ môn như DOTA 2 hay LMHT", nhà phân tích của EEDAR cho biết thêm.

Dĩ nhiên trong số những game thủ cũng như khán giả theo dõi các giải đấu thể thao điện tử, phần đông game thủ hầu hết vẫn là nam giới. Trong khi chỉ có 64% tổng số game thủ là cánh mày râu, thì có tới 3/4 tổng số khán giả trung thành của eSports là các anh em game thủ chúng ta. Tuy nhiên vẫn có những bộ môn có nhiều game thủ nữ hơn, ví dụ như Liên Minh Huyền Thoại, Super Smash Bros hay Street Fighter IV.

Bản thân những nhà tài trợ của các team eSports chuyên nghiệp cũng có sự khác biệt. Lấy ví dụ những thương hiệu đồ uống tăng lực như Monster Energy hay Red Bull thường gắn với những cái tên như EnvyUs, Fnatic CS:GO, trong khi những thương hiệu gaming gear như Logitech, Razer hay SteelSeries lại khiến game thủ nghĩ tới các team LMHT hay DOTA 2 nổi đình nổi đám như Cloud 9 hay Na'Vi...

Tại Việt Nam, mọi chuyện cũng không khác biệt nhiều. Trong khi những game thủ CS:GO hay các team nổi tiếng của Việt Nam như Skyred hoặc mới đây nhất là Team Secret đã và đang cố gắng hết sức để giành lấy vinh quang và khẳng định chỗ đứng của CS:GO Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, thì nhờ vào cộng đồng game thủ quá đông đảo tại nước ta, những tin tức về game thủ chuyên nghiệp Liên Minh Huyền Thoại hay DOTA 2 lại có sức hút mạnh mẽ hơn rõ rệt.

Bản thân những team CS:GO tại nước ta cũng chưa có được sự quan tâm đúng mức, giống hệt như những phân tích trên thế giới mà EEDAR mới đưa ra như đã đề cập ở đầu bài viết này.