3 ngôi sao từng là thần tượng của mọi game thủ DOTA 2 - Ngày ấy và bây giờ

Nga0Du  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/09/2015 06:21 PM

Họ từng là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu nổi tiếng thế giới DOTA 2 Free to Play.

Dendi, Fear và HyHy, 3 ngôi sao DOTA 2 từng xuất hiện trong trong bộ phim tài liệu Free to Play, hiện tại họ ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

Danil “Dendi” Ishutin – Vô địch The Internaional 2011

Trong số 3 nhân vật chính được nói đến trong bộ phim tài liệu Free to Play, Dendi được xem như ngôi sao trung tâm với việc giành chức vô địch DOTA 2 thế giới đầu tiên trong màu áo của Natus Vincere. Kể từ đó đến nay, bằng những đóng góp không ngừng nghỉ nhằm phát triển và quảng bá hình ảnh của DOTA 2 trên toàn thế giới, Dendi luôn được xem như một trong những tượng đài lớn nhất của nền eSports đương đại.

Trong Free to Play, người xem có thể phần nào hình dung được tuổi thơ của Dendi tại quê nhà Lviv, Ukraine. Lớn lên trong một gia đình gồm 3 chị em, ngay từ thời niên thiếu, Dendi đã bộc lộ niềm yêu thích đặc biệt với Game và eSports. Bắt đầu theo đuổi con đường game thủ chuyên nghiệp vào năm 17, Dendi đã cống hiến gần như toàn bộ sự nghiệp của mình cho DotA và DOTA 2.


Hình ảnh Dendi thủa nhỏ với niềm yêu thích đặc biệt với máy tính.

Hình ảnh Dendi thủa nhỏ với niềm yêu thích đặc biệt với máy tính.

Được sự ủng hộ từ phía gia đình cũng như những nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân, Dendi dần dần vươn lên trở thành một trong những ngôi sao xuất sắc nhất thế giới DOTA 2. Với màn trình diễn tuyệt vời tại TI1, chức vô địch thế giới là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng cho anh và các đồng đội tại Na`Vi.

Sau khi đăng quang tại TI1, Na`Vi và Dendi còn có thêm 2 lần đến rất gần với chức vô địch thế giới vào các năm 2012 và 2013. Đáng tiếc rằng việc thất bại liên tiếp trước Invictus Gaming (TI2) và Alliance (TI3) đã ngăn cản Dendi lần thứ 2 nâng cao chiếc khiên bạc danh giá.


Dẫu đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp nhưng Dendi vẫn là một huyền thoại của làng DOTA 2 thế giới.

Dẫu đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp nhưng Dendi vẫn là một huyền thoại của làng DOTA 2 thế giới.

Ở thời điểm hiện tại, 4 năm đã qua sau chức vô địch thế giới tại Cologne, Dendi vẫn trọn một lòng dưới máu áo vàng của Natus Vincere. Dẫu giờ đây Na`Vi đã rời xa ánh háo quang của quá khứ, dẫu Dendi đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, thế nhưng khoảnh khắc mà ngôi sao người Ukraine nâng cao chức vô địch thế giới đầu tiên đã trở thành một phần không thể tách rời trong lịch sử phát triển của DOTA 2.

Clinton “Fear” Loomis – Vô địch The International 2015

Nếu như Dendi là biểu tượng cho một tài năng thiên bẩm thì Fear lại đại diện cho những con người phấn đấu không ngừng nghỉ vì ước mơ và đam mê của bản thân. Khác với Dendi, Fear không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình. Với một người mẹ đơn thân làm luật sư, việc cậu con trai của mình trở thành game thủ là một điều rất viển vông và vô nghĩa. Để theo đuổi được ước mơ của bản thân, Fear đã phải rời xa gia đinh và tự bươn trải cho cuộc sống hàng ngày.


Fear (người đang được phỏng vấn) đã nâng cao chức vô địch DOTA 2 thế giới năm 2015 cùng Evil Geniuses.

Fear (người đang được phỏng vấn) đã nâng cao chức vô địch DOTA 2 thế giới năm 2015 cùng Evil Geniuses.

Ở thời điểm Free to Play được sản xuất, Fear và đội game Online Kingdom mới chỉ giành được vị trí thứ 7 tại TI1. Kể từ đó đến nay, với những nỗ lực không biết mệt mỏi, Fear đã cố gắng từng ngày từng ngày một để hoàn tất giấc mơ chinh phục thế giới. Và như một câu truyện cổ tích có hậu về lòng kiên trì, cuối cùng mọi nỗ lực của Fear đã được đền đáp xứng đáng bằng chức vô địch thế giới năm 2015 dưới màu áo Evil Geniuses. Từ một chàng thanh niên khởi nghiệp với chiếc desktop cũ nát, giờ đây Fear đang đứng trên đỉnh thế giới với tư cách là một trong những người xuất sắc nhất.

Benedict Lim “HyHy” Han Yong – Giải 3 The International 2011

Không giống như Dendi và Fear, HyHy không có được sự nghiệp DOTA 2 lẫy lừng. Nói đúng hơn, anh đã từ bỏ giấc mơ của mình để theo đuổi một cuộc sống thực tế hơn. Như những thước phim trong Free to Play đã diễn tả, gia đình của HyHy đã phản đối quyết liệt sự nghiệp game thủ của anh. Thậm chí khi HyHy mang về giải 3 tại The Internaional 2011, gia đình vẫn không thể chấp nhận giấc mơ mà anh theo đuổi.

Dưới áp lực từ nhiều phía, tháng 9 năm 2012, HyHy tuyên bố giải nghệ sau hai năm gắn bó với đấu trường DOTA 2 chuyên nghiệp. Trong số 3 nhân vật chính của Free to Play, HyHy có lẽ là người mang đến cho khán giả nhiều đồng cảm và tiếc nuối nhất. Dendi đã đứng trên đỉnh vinh quang trong mùa TI đầu tiên, Fear cũng đã trở thành nhà vô địch thế giới trong màu áo của Evil Geniuses, chỉ còn lại mình HyHy với giấc mơ còn dang dở (gần như không bao giờ có thể thực hiện được).


HyHy sẽ mãi được người hâm mộ nhớ đến như một trong những tượng đài của DOTA 2 Đông Nam Á.

HyHy sẽ mãi được người hâm mộ nhớ đến như một trong những tượng đài của DOTA 2 Đông Nam Á.

Ở thời điểm hiện tại, cựu ngôi sao của Scythe đang hoàn thành nốt khóa học thạc sĩ kinh tế tại Singapore. Dù còn nhiều tiếc nuối cho HyHy nhưng đây là con đường anh ấy đã chọn và điều quan trọng là anh ấy vẫn vui vẻ và sống tốt trên con đường đó. Trong tương lai, chúc HyHy sẽ gặt hái thêm nhiều thành công trên con đường sự nghiệp và hy vọng sẽ được gặp lại anh tại một kỳ TI nào đó.