Dưới 1 triệu Đồng nên mua chuột chơi game nào cầm sướng tay nhất?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/02/2017 03:50 PM

Không phải cứ chuột chơi game mới là cầm đã tay. Đây là những mẫu chuột chơi game ấn tượng nhất mà bạn có thể mua với giá dưới 1 triệu Đồng

Logitech G302

Logitech G302 Daedalus Prime là một trong những chú chuột chơi game tiêu biểu trong phong cách thiết kế đơn giản, tập trung vào tốc độ, sự chính xác và tính hiệu quả trong mỗi cú nhấn chuột. Tốc độ, sự chính xác và tính hiệu quả trong mỗi cú nhấn chuột của game thủ, đặc biệt với thể loại game MOBA.

Bên cạnh việc trang bị bộ cảm biến quang Delta Zero hỗ trợ độ phân giải từ 240 – 4.000 dpi, tốc độ quét tối đa đạt 120 ips (inches per second), G302 còn đi kèm bộ tiện ích Logitech Gaming Software bổ sung nhiều tùy chọn linh hoạt, cho phép tùy chỉnh các nút nhấn, thiết lập profile người dùng và gán macro với tổ hợp thao tác các phím nhấn theo kịch bản định trước.

Thiết kế G302 Daedalus Prime có sáu nút nhấn gồm hai nút cơ bản là phải và trái chuột, bánh xe cuộn trang (scroll wheel), hai nút chuyển trang tới (forward) và lui (back) ở cạnh phải, và on-the-fly DPI switching cho phép tùy chỉnh nhanh độ phân giải chuột. Hệ thống lò xo bên dưới các nút nhấn cũng được thiết kế lại để cải thiện tốc độ đáp ứng, tăng bền tốt và người dùng có cảm giác lực nhấn tốt hơn. Theo Logitech cho biết hai nút trái phải chuột có độ bền vào khoảng 20 triệu lần nhấn. Điều này cũng phù hợp với cách dùng chuột của game thủ MOBA.

SteelSeries Rival 100

Bên cạnh những mẫu chuột tầm trung, SteelSeries thậm chí còn tạo ra hẳn một dòng sản phẩm riêng phục vụ cộng đồng game thủ bình dân và những phòng máy chơi game. Cách đây chưa lâu chúng ta đã biết tới những mẫu chuột chơi game như Kana iCafe, hay Kinzu V3 "hàng lô" với mức giá rất rẻ so với những phiên bản có hộp đựng rườm rà bắt mắt. Trong khi đó SteelSeries đã cho ra mắt phiên bản chuột chơi game giá mềm mang tên Rival 100. Dĩ nhiên, việc "hạ cấp" này vừa không có hại, vừa khiến rất nhiều game thủ Việt cảm thấy hoan hỉ.

Rival 100 được thiết kế theo kiểu dáng gần giống với SteelSeries Kinzu và Kana V2, đối xứng 2 bên, 2 nút phụ được bố trí nằm bên trái thân chuột. Bên cạnh thiết kế đối xứng, Rival 100 có vóc dáng nhỏ nhắn hơn so với Rival 300, vì vậy phù hợp với game thủ có bàn tay nhỏ và trung bình, hoặc cầm chuột kiểu Finger hay Claw Grip. Phần hông của Rival 100 được ốp 1 lớp nhựa họa tiết tròn nhằm tăng độ bám với ngón cái. Lớp vỏ này từng được Razer ứng dụng trên Abyssus 2014, được đánh giá khá hiệu quả, vừa có tác dụng chống trơn trượt, vừa giúp chuột không bị xuống sắc sau thời gian dài sử dụng.

Các nút bấm của Rival 100 có cảm giác nhấn rất tốt, lực bấm mềm, độ nảy khá, hoàn toàn không có hiện tượng dơ phím, rít phím khi nhấn chuột. Cá nhân tôi phải khẳng định, không có chú chuột nào của SteelSeries mà nút không "nảy tanh tách" cả, rất phù hợp với những game thủ FPS.

Ozone Neon

Về cơ bản, vỏ ngoài của Ozone Neon cũng không có quá nhiều thay đổi so với nhiều bao bì chuột chơi game khác, với hình ảnh được tập trung vào chính chú chuột. Tuy nhiên một phần nào đó, với thiết kế lục giác, vỏ hộp của chú chuột lại đem lại cảm giác ngầu hơn so với một vài đối thủ khác.

Phiên bản mà chúng tôi thử nghiệm có màu đỏ, nghĩa là cùng lúc, nút cuộn chuột, đường viền chạy xung quanh thân và logo ở cuối thân chuột đều có cùng màu sắc. Người sử dụng có thể tùy chọn giữa một trong 4 màu khác nhau: Đỏ, xanh lam, trắng và đen, phụ thuộc vào sở thích, tuy nhiên về cơ bản thì gần như 95% bề mặt ngoài của Neon được bao phủ bằng màu đen nhám do được phun một lớp cao su mỏng lên phía trên.

Với nhiều game thủ, chỉ cần nhìn qua chú chuột, họ đã nhận ra sự tương đồng khá rõ nét với một sản phẩm khác đến từ SteelSeries: Kinzu. Kích thước của Neon chỉ nhỉnh hơn vài mm so với Kinzu, do đó chú chuột phù hợp hơn với những game thủ Việt, đặc biệt là những người sở hữu bàn tay bé và ngón ngắn. Tuy nhiên so với Kinzu, Neon lại tỏ ra vượt trội hơn trong sử dụng với cụm nút phụ ở hai bên sườn chuột, cùng với đó là đèn điều chỉnh tốc độ cảm biến với 4 nấc thay vì 2 nấc như Kinzu.

SteelSeries Kana V2

Khi nghe tới cái tên Kana V2, chắc hẳn câu hỏi này cũng xuất hiện trong đầu nhiều gamer. Là phiên bản nâng cấp từ Kana nhưng về mặt kiểu dáng, nhìn chung Kana V2 không khác biệt nhiều so với người tiền nhiệm của mình. Bộ khung chú chuột vẫn hoàn toàn được giữ nguyên với thiết kế đối xứng phù hợp cho gamer thuận cả hai tay.

Cảm nhận đầu tiên của người viết khi chạm vào chú chuột chơi game mang nhãn hiệu Steelseries này đó là tương đối thoải mái. Thiết kế với kích thước hợp lý của Kana V2 giúp gamer có thể cầm theo kiểu Palm Grip lẫn Claw Grip mà không hề vướng víu gì, nhưng đối với những người có bàn tay lớn (như người viết chẳng hạn) thì khi cầm Palm Grip ngón tay út sẽ bị tì xuống mặt pad nên nếu chơi trong thời gian dài có thể sẽ gây ra cảm giác khó chịu, đặc biệt là với các loại pad cứng.

Sử dụng switch của hãng Omron "trứ danh" thay cho TTC, các nút bấm trên Kana V2 đều có độ nảy tốt, hành trình bấm ngắn đặc trưng trong gear do Steelseries sản xuất và quan trong nhất là nhẹ hơn so với phím bấm bị chê là cứng ở V1. Tuy nhiên độ bền ra sao, có bị double click hay bug cuộn hay không thì chưa thể kiểm chứng được vì cần phải sử dụng trong thời gian dài. Ngoài ra nút cuộn trên Kana V2 phát ra tiếng "cọt cọt" khá to khi lăn nhanh qua các node, đây có thể là nhược điểm hoặc ưu điểm tùy vào sở thích cá nhân của người dùng.