Từng được coi là một “mảnh đất chết”, Game PC Nhật Bản đã hồi sinh mạnh mẽ như thế nào trong những năm qua?

Từng được coi là một "mảnh đất chết", Game PC Nhật Bản đã hồi sinh mạnh mẽ như thế nào trong những năm qua?

-------------o-O-o------------

Trong kỷ nguyên phát triển rực rỡ của ngành công nghiệp game thế giới, Nhật Bản được coi là một trong những thánh địa, nơi sản sinh ra những trò chơi huyền thoại đã gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ người hâm mộ. 

Đừng bao giờ coi thường người Nhật, nhất là khi họ làm game! - Ảnh 1.

Hẳn chúng ta đã rất quen thuộc với những cái tên như Super Mario, Pac-man, Legend of Zelda, Pokemon hay Final Fantasy, đây đều là những "khai quốc công thần" đã đặt nền móng vững chãi cho bước nhảy vọt sau này của ngành công nghiệp game.

Không quá khi nói rằng với người Nhật, game là một niềm tự hào, thậm chí có thể coi là một phần văn hóa của quốc gia này. Tuy nhiên, ở mảnh đất được coi là thành địa của trò chơi điện tử, có một thứ đã bị lãng quên trong rất nhiều năm quá. Đó là Game PC. Đã từng có những thời điểm, đây được coi là mảnh đất chết của hệ máy này...

Người Nhật và cái nhìn thờ ơ với Game PC

"Game trên PC ư? Tôi không quan tâm"

Giám đốc Hideki Kamiya - một người nổi tiếng trong giới làm game Nhật Bản

Vào năm 2012, trong một bài phỏng vấn trên Kotaku, Ông Hideki Kamiya – một người nổi tiếng trong giới làm game Nhật Bản và là giám đốc đứng đầu nhiều dự án thành danh trong lịch sử như Resident Evil 2, Devil May Cry, Okami, Viewtiful Joe, hay Bayonetta đã từng phát biểu: "Game trên PC ư? Tôi không quan tâm".

Không chỉ mình Hideki Kamiya, nhiều nhà làm game khác của Nhật Bản cũng từng có những chia sẻ tương tự như vậy. Đây như một minh chứng rõ ràng cho cái nhìn thờ ơ của người Nhật về thị phần game trên PC. Họ dường như không quan tâm. Game đối với người Nhật phải là những cỗ máy console với tay cầm và rắc nối, phải là những kệ bán hàng với tràn ngập đĩa game, phải là một nét văn hoa độc nhất vô nhị và không trộn lẫn.

Đừng bao giờ coi thường người Nhật, nhất là khi họ làm game! - Ảnh 3.

Nếu bạn sinh ra trong một đất nước với video game là một giá trị truyền thống, một môn nghệ thuật và game gần như được bắt đầu từ đây thì bạn sẽ muốn tựa game mình chơi phải mang thứ tiếng mình nói. Một sự thật rằng, bất chấp dân trí có trình độ ngoại ngữ cao nhưng rất ít người Nhật Bản ép mình chơi game theo thứ tiếng ngoài đất nước của họ, mà đặc biệt còn là game PC.

Bên cạnh hệ tư tưởng cố hữu đã tồn tại trong một quãng thời gian rất dài, một yếu tố khác khiến Game PC của xứ sở hoa anh đào không phát triển chính là vì rất ít người Nhật sở hữu máy tính để bàn. Với họ, PC là một thứ gắn liền với công sở chứ không phải công cụ để chơi game.

“Cách đây 5 năm, không một ai biết Steam là gì tại Nhật Bản”

John Ricciardi - đồng sáng lập của 8-4 Ltd (công ty chuyên phát hành game tại Nhật) chia sẻ

"Cách đây 5 năm, không một ai biết Steam là gì tại Nhật Bản", đây là lời chia sẻ khá bất ngờ của ông John Ricciardi, nhà đồng sáng lập của 8-4 Ltd, một công ty chuyên phát hành game tại Nhật.

Như đã nói ở trên, người Nhật không thích chơi game với ngôn ngữ tiếng Anh (hoặc bất cứ thứ tiếng nào khác ngoài tiếng Nhật) nhưng Steam lúc đó lại rất khó để kiếm một tựa game thuần Nhật (hoặc ít nhất là có ngôn ngữ Nhật Bản). Chính vì lẽ đó, người dùng nước này đã từng có thời điểm rất thờ ơ và không mấy quan tâm đến Steam (bất chấp việc nền tảng này đang làm mưa làm gió trên thị trường quốc tế).

Đừng bao giờ coi thường người Nhật, nhất là khi họ làm game! - Ảnh 5.

Người Nhật không hề nghĩ rằng tương lai này đang rất gần

Ngoài Steam, rất nhiều tên tuổi nổi tiếng khác cũng cùng chung số phận như Diablo III, Starcraft II, Guild Wars 2 hay World of Warcraft. Bất chấp việc những tựa game trên đều là những thương hiệu toàn cầu với chất lượng không phải bàn cãi, tuy nhiên một khi đã nằm ngoài xu hướng và hệ tư tưởng của người Nhật, chúng sẽ lập tức bị đào thải.

Bước ngoặt mang tên Dark Souls

Trong bối cảnh thị trường game PC Nhật Bản đang vô cùng ảm đạm, một bước ngoặt lớn đã xảy ra. Dark Souls đã thay đổi mọi thứ, chắc chắn là vậy. Trước đó, đã từng có những tựa game Nhật Bản trên PC (như Final Fantasy 7) tuy nhiên Dark Souls lại là một thứ gì đó khác biệt. Ngay từ khi ra mắt, tựa game này như một quả bom đánh trúng vào tâm lý và sở thích của rất, rất nhiều người chơi.

Vào năm 2011, sau khi Dark Souls được phát hành trên PS3 và Xbox 360, một lượng lớn game thủ PC (khoảng gần 90.000) đã đồng loạt ký vào đơn kiến nghị với mong muốn FromSoftware phát hành game lên PC. Trước sự quan tâm quá lớn của cộng đồng, cuối cùng nhà sản xuất cũng đã phải chiều lòng game thủ. "Chắc chắn rồi, chúng tôi sẽ mang nó lên PC".

Đừng bao giờ coi thường người Nhật, nhất là khi họ làm game! - Ảnh 6.

Dark Souls đã trở thành một hiện tượng về sự thành công rực rỡ

Như một hệ quả tất yếu, đến năm 2012, Dark Souls đã chính thức có mặt trên PC và ngay lập tức gặt hái được rất nhiều thành công. Cho đến này, đã có hơn 3 triệu game thủ PC đang sở hữu Dark Souls. Không quá khi nói rằng đây chính là một trong những tựa game PC Nhật Bản được yêu thích nhất mọi thời đại.

Sự lên ngôi của Steam trong kỷ nguyên hậu Dark Souls

Sau thành công rực rỡ của Dark Souls, các nhà làm game Nhật Bản bắt đầu có cái nhìn khác về PC. "Trong khoảng 2, 3 năm trở lại đây, các nhà sản xuất và phát hành game Nhật Bản đã nhận ra rằng họ có thể kiếm về rất nhiều tiền từ thị trường PC. Đương nhiên, Steam chính là nơi sẽ giúp họ cụ thể hóa điều này", ông Ben Judd, trưởng đại diện của hãng thương mại điện tử DMM tại Nhật cho biết.

Đừng bao giờ coi thường người Nhật, nhất là khi họ làm game! - Ảnh 7.

Nếu nhìn vào lịch sử các trò chơi Nhật Bản trên Steam, chúng ta có thể thấy những gì Ben Judd nói là hoàn toàn có cơ sở. Quay ngược lại quá khứ, trò chơi đầu tiên của Nhật bản xuất hiện trên Steam là Devil May Cry 3 của Capcom. Nó được phát hành vào tháng 6/2007 khi mà Steam vẫn còn là một dự án non trẻ với chỉ khoảng 100 tựa game được phát hành trong cả năm.

Sau Devil May Cry 3, một số cái tên khác có thể kể đến như Lost Planet (8/2007), Lumines (2008), Ninja Blade (2009) hay The Last Remnant (2009). Các trò chơi này đều là những người tiên phong của làng game Nhật trên Steam, tuy nhiên thành quả mà chúng mang lại là không nhiều. Cho đến tận khi Dark Souls tạo ra sự khác biệt lớn, tần suất của game Nhật trên Steam mới thực sự bùng nổ.

Lần lượt các tên tuổi lớn của làng game Nhật Bản như Capcom, Sega hay Square Enix đang đồng loạt đổ bộ lên Steam. Ngày nay, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy một game Nhật trên Steam như: Final FantasyNarutoDark Souls seriesResident Evil series, Enslaved: Odyssey to the WestDynasty WarriorsBayonetta hay mới đây nhất là Nier: Automata. Không những vậy, với chính sách hỗ trợ khá hoàn hảo của Valve, nhiều nhà sản xuất nhỏ cũng đang rất "sáng cửa" trong việc phát triển các sản phẩm của họ.

Theo dữ liệu lưu trữ của Steam, Nhật Bản hiện chiếm 1,2% số lượt tải xuống toàn cầu, so với 1,9% ở Hàn Quốc, 1,8% ở Úc, 2,4% đối với Canada và 17,5% của Mỹ. Với một thị trường sở hữu 126 triệu dân (so với 24 triệu của Australia hay 35,6 triệu của Canada), Nhật Bản hứa hẹn là một mỏ vàng của Steam và Game PC nếu nó được khai thác và phát triển mạnh mẽ.

Đừng bao giờ coi thường người Nhật, nhất là khi họ làm game! - Ảnh 9.

Trong quá khứ, người Nhật đã từng bỏ qua mảnh đất màu mỡ trên PC. Và rồi họ được thức tỉnh bởi Dark Souls. Một thị phần quốc tế (và cả nội địa) rộng lớn đang chờ đợi các nhà làm game Nhật Bản. Giờ chính là lúc để họ thay đổi.

Những thách thức đang chờ đón Game PC Nhật Bản

Thách thức trong cộng cuộc vực dậy Game PC Nhật Bản là việc các nhà sản xuất phải giải thành công bài toán "thị trường nội địa". Một Game PC Nhật muốn thành công, trước hết chúng phải "sống tốt và sống khỏe" ngay trên quê hương của chúng.

Đừng bao giờ coi thường người Nhật, nhất là khi họ làm game! - Ảnh 10.

Đất nước Mặt Trời Mọc là nơi mà những chiếc CD cổ lỗ vẫn phát triển như trái chín mùa trong khi thế giới thì đã quen với việc download trực tuyến. Có điều này là vì người dân Nhật có truyền thống không tin tưởng với các sản phẩm xuất xứ internet. Sự mất lòng tin này còn thể hiện đến cái độ họ tới cửa hàng gần nhà để mua một sản phẩm game thay vì tải về qua mạng chỉ đề bản thân mình không phải lộ tẩy những thông tin cá nhân trên internet.

Người Nhật rất ghét sử dụng thẻ tín dụng, đây là chuyện có thật. Đối với họ, tiền mặt vẫn là thứ phổ thông và đáng tin tưởng nhất. Một vài năm trước, nếu muốn mua một trò chơi trên Steam, người Nhật thường có xu hướng thực hiện một quy trình vô cùng phức tạp và phiền hà. Đầu tiên là đăng ký mua trên Steam, sau đó lấy mã xác minh qua e-mail, mang nó đến cửa hàng tiện lợi, nhập mã code lên màn hình cảm ứng để in biên nhận, lấy biên nhận đưa cho người bán hàng và trả bằng tiền mặt, công đoạn cuối cùng mới là về nhà tải game và chơi. Người Nhật là vậy, họ thà mất công mất sức chứ nhất quyết không sử dụng những thứ mà họ không thích hoặc không tin tưởng.

Thay đổi sở thích của một con người đã khó, thay đổi thói quen và tập quán của cả một cộng đồng lại là việc khó khăn gấp ngàn lần. Các nhà sản xuất hiển nhiên hiểu được điều này. Chính vì lẽ đó, họ (những nhà sản xuất) buộc phải tìm cách khắc phục (hoặc thay đổi) để thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Hướng tới tương lai…

Trong năm 2017 này, chúng ta đang thấy một cuộc đổ bộ rất lớn của Game Nhật trên PC. Những cái tên tiêu biểu như Nier: Automata, Persona 5, Bayonetta hay có thể là Nioh, Vaquish và Final Fantasy XV nữa, tất cả chúng đều là những tựa game đình đám, thu hút được sự quan tâm của hàng triệu game thủ trên thế giới.

Đừng bao giờ coi thường người Nhật, nhất là khi họ làm game! - Ảnh 11.

"Một bằng chứng về sự phát triển vượt bậc của thị trường Game PC Nhật Bản trong thời gian qua là bất cứ khi nào tìm kiếm một trò chơi phát hành bằng tiếng Nhật trên Steam, bạn sẽ thấy Nhật Bản luôn ở top 5 nước trên thế giới", Zach Huntley người sáng lập ra Kakehashi Games tự hào chia sẻ.

PC sẽ là một trong những xu thế tương lai của làng game Nhật Bản. Chắc chắn là vậy. Với những gì mà người Nhật đã làm trên console, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng họ sẽ tiếp tục thành công trên thị trường PC. Người Nhật đã ngủ quên quá lâu và giờ là lúc để họ thức giấc.


Khánh Cường
Quốc Anh
Theo Trí Thức Trẻ03/05/2017