Dự án không thể tin nổi: Thay thế toàn bộ sách giáo khoa bằng... video game

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 26/09/2017 01:10 PM

Học mà chơi là ý tưởng không mới, nhưng làm cách nào để game chứa đựng được nhiều kiến thức nhất lại là thử thách của mọi nhà giáo dục

Đối với Andre Thomas, CEO của Triseum, một công ty công nghệ có trụ sở tại Texas, Mỹ, mỗi ngày là một cuộc chiến để tìm ra cách thức giáo dục mới, hướng con em, các học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường thay đổi cách học tập từ những cuốn sách giáo khoa toàn chữ thành những trò chơi điện tử nơi các em có thể vừa học vừa chơi, thu nạp một cách tối đa những kiến thức mà một bài giảng muốn gửi tới các sinh viên và học sinh.

Trước khi về làm CEO Triseum, Thomas từng là trưởng bộ phận đồ họa của dự án game bóng bầu dục bom tấn Madden NFL của EA Sports. Thế nhưng khi ở cương vị mới, game không còn chỉ đơn thuần là một công cụ giải trí không hơn không kém như trong mắt nhiều vị phụ huynh nữa, mà nó còn là một sản phẩm giúp đưa các bài học đầy bổ ích đến với cộng đồng.

Mọi chuyện bắt đầu khi Thomas chuyển từ Florida đến College Station, Texas và làm việc tại Texas A&M. Khi ấy, một giáo sư sử học đang làm việc tại một bảo tàng đã đến nhờ anh làm giúp một tựa game "học mà chơi", nhưng ông thật sự không biết nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Cảm thấy cơ hội đã đến, Thomas sáng lập LIVE Lab, một phòng nghiên cứu chuyên trách tập trung phát triển những ứng dụng tương tác dành cho giáo dục để cố tìm ra cách đưa game vào các bài giảng trên lớp:

"Tôi muốn các em học sinh tương tác với các bài học một cách tối ưu nhất có thể thay vì những bài giảng gây buồn ngủ, và đem những trải nghiệm mới lạ nhất đến các lớp học. Game kỳ thực có khả năng phục vụ mục đích này rất tốt."

Thực tế thì, việc giảng dạy bằng các bài học tương tác đã có từ rất lâu. Lấy ví dụ những phi công học lái máy bay sẽ không bao giờ được sờ tay vào những chiếc máy bay thật để giảm thiểu thiệt hại về người và của trong trường hợp xấu nhất xảy ra. Thay vào đó họ được ngồi vào một buồng lái ảo để tập dượt thông qua các phần mềm mô phỏng chính xác điều kiện ngoài đời thực. Thomas nhận thấy, đây đâu có khác gì game? Và thế là ông cố gắng đưa các bộ môn tự nhiên và xã hội tại các trường học vào game theo những cách độc đáo nhất có thể.

Ở thời điểm hiện tại, dự án LIVE Lab đang có 37 sinh viên làm việc chung với các nhân sự cao cấp, được trả lương như nhân viên full time. Thomas hoan hỷ cho biết, những tác phẩm được ông cùng cộng sự cho ra lò đã nhận được những phản hồi vô cùng tích cực, và nó không phải lời nói suông: "Học sinh tham dự khóa học bằng game tiếp thu tốt các bài giảng hơn 24,7% so với các bài giảng thông thường của các giảng viên. Chỉ mới "chơi" game có 2 tiếng mà khả năng tập trung và thấu hiểu bài giảng đã tốt đến như vậy rồi."

Một trong số những dự án của LIVE Lab chính là tựa game Variant mà chúng tôi từng có cơ hội giới thiệu tới các bạn độc giả, một tựa game nơi bạn phải phá đảo nó bằng... kiến thức tích phân cơ bản.

Toán học, bộ môn được không ít game thủ cho là ác mộng trên lớp, giờ đây lại xuất hiện trong thế giới game. Nhưng không, bạn đừng tưởng tượng vội, tựa game có tên Variant: Limits không chỉ dạy cho người chơi tính toán cộng trừ nhân chia bình thường đơn giản đâu, mà nó còn muốn biến... tích phân, một trong những đỉnh cao của bộ môn toán học trở nên dễ nhớ, dễ sử dụng và lấy chính môn này để giải những câu đố được đặt ra trong game.

Trong Variant: Limits, bạn sẽ vào vai Equa, một cô nàng không có chút trí nhớ nào kể từ khi bắt đầu game. Cô bị kẹt trên một hành tinh đang có nguy cơ bị phá hủy bởi một cơn bão mặt trời. Dân cư đã được đi sơ tán hết, nhưng với sự trợ giúp của một ai đó, bạn có cơ hội cứu lấy hành tinh này. Những câu đố, những cánh cửa và hệ thống teleport đều đã hỏng, nhưng bạn vẫn có thể mang những tinh thạch đến từng vị trí và sử dụng kiến thức tích phân để mở cửa hoặc giải những câu đố đặt trong các màn chơi.

Dĩ nhiên mặc dù có tham vọng thay thế sách giáo khoa bằng game, Thomas cũng không hề có ý định thay đổi mô hình giáo dục hiện nay, giáo viên vẫn sẽ đóng một vai trò chủ chốt trong việc tiếp nhận kiến thức của các học sinh và sinh viên. Tuy nhiên xét đến tham vọng kể trên, chỉ tính riêng về mặt chi phí, dự án của nhà làm game này cũng đã có những lợi thế rất lớn rồi. Lấy ví dụ, một game của LIVE Lab tạo ra có giá khoảng 30 USD, trong khi một cuốn sách giáo khoa (bản quyền chứ không phải photocopy như ở cổng trường) đã có giá hơn 300 USD rồi, chi phí chỉ bằng 1/10 mà thôi!

"Học qua game không mới, nhưng làm được điều đó một cách chuẩn mực nhất sẽ khiến cho sức sáng tạo và năng suất học tập của các em được tối ưu nhất có thể. Chúng tôi tin rằng game có khả năng cách mạng hóa ngành giáo dục, và đó là việc chúng tôi đang làm", Thomas chia sẻ trong một bức thư điện tử gửi tới trang Kotaku.