DOTA 2: Một số điều bạn nên nắm rõ nếu muốn trở nên "bá" khi chơi offlane

zhimzhim  - Theo Trí Thức Trẻ | 19/10/2016 01:49 PM

Offlane, hay còn được gọi là hard lane, thường là thuật ngữ để chỉ lane DOTA 2 gần với Secret Shop của team bạn.

Đầu tiên, hãy đến với khái niệm cơ bản về một offlaner. Offlane, hay còn được gọi là hard lane, thường là thuật ngữ để chỉ lane gần với Secret Shop của team bạn. Khó ở đây được hiểu theo nghĩa hero đi lane này sẽ khó có cơ hội last hit quái hay hít kinh nghiệm một cách thuận lợi như các lane khác, dù rằng đa số còn tùy vào chiến thuật cũng như cách chia đường của mỗi đôi trong từng trận đấu cụ thể. Có thể hiểu các hero đi top lane sẽ là offlane của bên Radiant và tương tự như vậy với bot lane bên phía Dire.

Được nhắc đến với vai trò là vị trí số 3 trong team, offlane thường là role phải chịu khổ cũng như khó chơi bậc nhất, khi mà vị trí này luôn tiềm ẩn những rủi ro và thường phải đối mặt với 3 hero bên phía team địch. Chính vì vậy, hầu hết các hero đi offlane thường có lượng máu và giáp cao ở giai đoạn ban đầu, hoặc những kỹ năng cần thiết để tránh khỏi các cuộc gank được dự báo từ trước bởi các support bên phía đối thủ.

Đầu tiên, phải hiểu rằng ở giai đoạn đầu game, ưu tiên của bạn sẽ chỉ đơn giản là có thể hít được lượng level cũng như kinh nghiệm nhiều nhất có thể, và đừng quá đặt nặng khả năng farm ở thời điểm này. Không giống với safe lane, ở vị trí số 3, bạn luôn đứng trước việc bị harass cũng như quấy rối bất cứ lúc nào. Vì thế để đảm bảo khả năng trụ đường, hãy trang bị thật đầy đủ những Healing Salve hay Tango mỗi khi có thể. Đừng quên mục tiêu của hầu hết các offlane là đạt đến level 6, hoặc có một lượng cấp độ nhất định để hỗ trợ đồng đội.

Ngay khi có level 6, hãy chủ động tham gia combat và hỗ trợ đồng đội. Điều này mang lại khá nhiều lợi ích, khi vừa giúp team bạn cải thiện thế trận, vừa giúp bạn thu hoạch thêm một lượng gold cũng như exp nhất định, bù đắp cho quãng thời gian chịu khổ ở đầu game. Chưa kể, nó cũng sẽ tạo ra những khoảng trống nhất định để bạn có thể farm bù, khi đối thủ chắc chắn sẽ phải có những động thái phản ứng ngay khi biết bạn đã đạt được cấp độ 6.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu bạn bị zone out hoàn toàn và thậm chí còn không có cơ hội để hít kinh nghiệm, stack Anciet hoặc chui vào rừng có lẽ là việc đúng đắn hơn cả. Một số vị tướng offlane cũng có thể farm rừng khá ổn, đặc biệt là với sự ra đời của Iron Talon.

Ở giai đoạn đầu game, khi phải đối đầu với một tri lane của đối thủ, hãy tranh thủ cắm ward để block các bãi camp rừng. Điều này tuy không thể bảo đảm việc bạn có thể hít thở một cách thoải mái, nhưng ít ra cũng sẽ buộc carry và support của đối thủ phải chia sẻ kinh nghiệm, cũng như khó có thể kiểm soát lane một cách hoàn hảo. Để khiến đối thủ khó khăn trong công việc kiểm soát lane, bạn cũng nên biết cách chặn creep bên mình, khiến lane xuống thấp nhất có thể. Nếu trong trường hợp quá khó khăn, thì như đã nói ở trên, hãy chui vào rừng và đừng quên cầm theo TP để có thể dễ dàng xuống def cũng như có thêm lượng gold và exp một khi đối thủ quyết định đẩy trụ.

Các hero offlane thường được sử dụng như một vị trí có khả năng mở combat tốt. Chính vì vậy, những món đồ sau có thể coi là những trấn phái cho đa số các trường hợp:

Blink Dagger: item gần như bắt buộc cho hầu hết các hero mở combat, trừ khi bạn có những kỹ năng áp sát tầm xa như Clockwerk. Và thường thì sự bất ngờ mà Blink Dagger mang lại hoàn toàn có thể thay đổi cục diện cả một trận đấu.

Force Staft: Tương tự như Blink Dagger, nhưng bạn có thể lên cả hai item cùng lúc để tăng sự cơ động. Ngoài việc mở combat, Force Staft cũng có thể được sử dụng để cứu đồng đội một cách tuyệt vời.

Shadow Blade/ Pipe of Insight/ Crimson Guard: một số vị tướng offlane không theo xu hướng mở combat như Bristleback thường sẽ lựa chọn những món đồ tank, trong khi nếu muốn chơi một cách aggressive cho vị trí offlane, Shadow Blade là lựa chọn không tồi dành cho những người chơi táo bạo.

Nên nhớ, danh sách trên chỉ là những món đồ thông dụng, còn việc lên đồ trong thực tế của bạn sao cho hiệu quả phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, điển hình như chiến thuật, line up hai team cũng như vai trò và tính chất của vị tướng mà bạn sử dụng.

Một số hero dễ sử dụng ở vị trí offlane

Batrider: một trong những hero thông dụng bậc nhất, thậm chí có thể bật ngược lại cả một trip lane nếu bạn tẩm xăng chúng đủ lâu. Mang xu hướng bắt lẻ và mở combat, Batrider luôn là một trong những vị tướng khó chịu bậc nhất DOTA 2.

Slardar: dù có đôi chút khó khăn ở giai đoạn đầu game, nhưng đây là một trong những vị tướng có sức mạnh khá tốt ở giai đoạn cuối game và hoàn toàn không phụ thuộc quá nhiều vào ultimate.

Tidehunter: Ravage chưa bao giờ là kỹ năng bị đánh giá thấp trong lịch sử của DOTA 2. Dễ chơi, dễ farm và trâu bò, Tidehunter là lựa chọn cơ bản cho vị trí offlane.

Timbersaw: Có đầy đủ mọi yếu tố mà một offlane cần, chưa kể khả năng nuke damage hạng năng với một combo đầy đủ, Timbersaw đang là một trong những vị trí offlane hot nhất hiện nay.