DOTA 2: Lí giải nguyên nhân các Hard Carry đang dần biến mất khỏi đấu trường chuyên nghiệp

MissingMiddle  - Theo Helino | 10/10/2018 04:41 PM

Hard Carry là một dạng hero cực kì đặc biệt trong DOTA 2 khi mà đây là những hero sở hữu sức mạnh gần như là cân cả bản đồ khi có đủ trang bị, ấy vậy mà trong khoảng thời gian dài vừa qua các siêu nhân như vậy gần như biến mất khỏi đấu trường chuyên nghiệp hay ở mức rank cao.

Sự ra đời của hệ thống Talents

Hệ thống Talents là một bước đột phá của IceFrog áp dụng vào DOTA 2 khi nó làm cho phong cách chơi của các hero trở nên đa dạng, hay thậm chí là hồi sinh một hero bị bỏ xó nhờ nhận được những điểm Talents quá bá đạo. Điển hình là chúng ta có phong cách Lone Druid lên đồ cho "gấu bố" với những item tăng DPS chứ không phải lối chơi Midas + Radiance cho gấu con thường thấy hay dễ nhận ra nhất là Ember "khí tông" v.v

Các nhánh talents theo level 10-15-20-25 khiến cho các hero bình thường về cuối trận không có gì đặc biệt lắm nay bỗng dưng mạnh như một vị thần nhờ các nhánh talents khủng, và bài toán đặt ra cho các team chuyên nghiệp rằng tại sao phải mạo hiểm chọn một Hard Carry yếu đuối đầu trận trong khi có thể pick những hero khác mạnh sớm hơn mà late game vẫn khỏe nhờ Talents? Và rồi từ đó các Hard Carry biến mất dần dần để nhường chỗ cho các hero khác mạnh mẽ từ sớm gánh kèo.

DOTA 2: Lí giải nguyên nhân các Hard Carry đang dần biến mất khỏi đấu trường chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Ember khí tông là lối chơi thành công nhất nhờ sự ra đời của Talents.

Meta 2-1-2 và các Offlaner "ăn thịt"

Meta 2-1-2 truyền thống thì ai cũng hiểu nguyên nhân từ đâu rồi, tuy nhiên đáng lẽ ra các Hard Carry sẽ được bảo kê kĩ càng hơn và an toàn hơn nhờ việc các hero bám lane farm chứ không đi roam nhiều. Ấy vậy mà thực tế thì ngược lại, sự ra đời của một loạt các hero Offlane mạnh mẽ và áp đảo lane từ sớm đã dập tắt khả năng đi đường vốn đã yếu đuối của các Hard Carry.

Chúng ta thấy bộ đôi Wraith King – Dark Willow hoành hành tại TI8 vừa rồi không cho đối phương có cơ hội nào để thở tại Safe lane của chính mình, Enchantress, Batrider hay Weaver được đẩy xuống vị trí Offlane cùng với một Support bất kì nào hoàn toàn có thể làm chủ Offlane và đẩy bay trụ 1 safe lane đối phương cực kì sớm. Với meta Offlane như vậy, thật khó để Hard Carry có thể sống nổi chứ đừng nói tới chuyện farm có đồ sớm.

DOTA 2: Lí giải nguyên nhân các Hard Carry đang dần biến mất khỏi đấu trường chuyên nghiệp - Ảnh 2.

Những hung thần đi Offlane như Wraith King không cho Carry đối phương có thể thở.

Sự ra đời và phát triển của Lane chết

Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã giải thích cho độc giả về khái niệm lane chết, đại ý là lane chết thường là Safe lane của team bạn, lane này mang tới nhiều cái chết bất ngờ do khả năng backup của đồng đội khó hơn các lane khác do khoảng cách từ trụ cũng như Shrine là lớn hơn nhiều. Chính khái niệm này ra đời đã gần như đẩy các Hard Carry vào chỗ bị bỏ xó vì các team khai thác Lane chết quá tốt, họ đẩy một hero có khả năng đẩy lane và ăn trụ sớm đi Offlane và đẩy bay trụ 1 từ sớm, sau đó tiếp tục gây áp lực lên Carry đối phương không cho họ farm.

DOTA 2: Lí giải nguyên nhân các Hard Carry đang dần biến mất khỏi đấu trường chuyên nghiệp - Ảnh 3.

Pugna từng là hot Offlane nhờ khả năng đẩy nhà quá tốt và counter sát thương vật lí.

Một hero Carry có mạnh tới cỡ nào mà không có đồ, không có được lượng networth vượt trội so với team địch thì chỉ là một cục ta không hơn không kém. Chính vì để khắc phục điều này, các team chuyên nghiệp thường xuyên pick những hero mạnh ở giai đoạn đi đường, có khả năng combat sớm với một vài trang bị cơ bản mà vẫn đảm bảo sức mạnh về late chứ không đánh đổi quá nhiều lấy Hard Carry nữa.

Kết

Hard Carry vẫn là một lớp các vị tướng sở hữu sức mạnh khủng của DOTA 2, tuy nhiên có lẽ đây chưa phải là lúc họ comeback để đứng đầu meta như cách đây 4-5 năm. Với những động thái gần đây thì có lẽ meta TI8 sẽ tiếp tục diễn ra và các Hard Carry vẫn bị bỏ xó dài dài, có lẽ nếu bạn không phải là những player có kĩ năng và game sense thượng thừa như Ana hay Miracle thì thật khó để chơi những siêu nhân như Spectre hay Terroblade ở thời điểm này.

DOTA 2: Lí giải nguyên nhân các Hard Carry đang dần biến mất khỏi đấu trường chuyên nghiệp - Ảnh 4.

Đánh không hay được như Ana thật khó có thể cầm Hard Carry.