DOTA 2: Bí ẩn xung quanh những tấm vé mời trực tiếp tới The International 6

Soái ca đu đủ  - Theo Trí Thức Trẻ | 01/07/2016 02:10 PM

Thường thì Valve sẽ dựa vào phong độ tại các giải đấu DOTA 2 gần nhất, cũng như dựa vào thành tích của các đội trong suốt một năm vừa qua để đưa ra những tấm vé xứng đáng cho một suất thông hành tới thẳng Seattle mà không phải thông qua vòng loại khu vực đầy may rủi.

Khá nhiều câu hỏi đã được cộng đồng mạng đặt ra sau khi danh sách các tấm vé mời được công bố. Liệu có phải Valve mời LGD.Gaming, đội tuyển không có gì nổi bật tại đấu trường quốc tế nhằm thu hút lượng khán giả lớn ở Trung Quốc – đất nước đông dân nhất thế giới.

Hay liệu có phải việc Fnatic không được mời giống như một hình phạt ngầm vì những gì họ đã đối xử với người chơi cũ là Net. Việc Team Secret cùng EG không đủ điều kiện đã khiến Valve giảm số đội được mời trực tiếp từ 10 xuống 6?

Không giống với việc xếp vòng loại khu vực, các tấm vé mời trực tiếp tới Seattle gây ra nhiều tranh cãi hơn hẳn, đặc biệt là với những trường hợp của LGD.Gaming hay Fnatic. Có thể dễ dàng thấy rằng 4 đội hàng đầu của giải đấu Major trước đó sẽ nhận được lời mời trực tiếp tham dự vào hệ thống giải lần sau.

Thế nhưng đây là The International 6, chứ không phải 4 giải Major trong năm của Valve. Và cái cách mà Valve phân bố vé mời dẫn tất cả tới chung một suy nghĩ, những tấm vé mời lấy tiêu chí thành tích của các đội vào thời điểm cận kề giải đấu, chứ không hề để tâm đến quá trình cũng như bảng thành tích xuyên suốt trong năm đó.

Chính điều này đã tạo ra những sự tranh cãi bất tận, không phải riêng về câu chuyện bất công giữa Fnatic với LGD.Gaming, mà đó còn là Fnatic vs Na`vi hay Fnatic với MVP.Phoenix.

Đầu tiên là câu hỏi được đặt ra cho MVP.Phoenix, khi họ là đội tuyển đã thay chỗ chính Fnatic đại diện cho khu vực SEA chiếm một tấm vé chính thức. Theo thống kê, trong 9 tháng qua, các oppa MVP.Phoenix đã sấp mặt tới 4 lần bởi cùng một cái tên Fnatic tại các giải đấu như The Summit 5, Starseries, ESL ONE NY và Epicenter.

Thế nhưng nếu nhìn vào phong độ gần đây tại các giải đấu lớn, MVP.Phoenix lại tỏ ra vượt trội hơn hẳn đại diện của Malaysia. Họ vào sâu tại các giải đấu lớn, thậm chí còn vô địch WePlay và DOTA PIT. Tại cả The Shanghai Major cũng như Manila Major, MVP.Phoenix cũng luôn gây ấn tượng và đạt được thành tích tốt hơn hẳn so với Fnatic.

Xét trong khu vực, Fnatic xứng đáng là team mạnh nhất, nhưng MVP.Phoenix lại gây được tiếng vang lớn tại các giải đấu quốc tế. Nhìn chung, sẽ là hoàn hảo nếu có hai tấm vé cho cả các oppa lẫn Mushi cùng đồng bọn.

Nếu so sánh Fnatic với Na`vi thì có vẻ mọi thứ còn trở nên khập khiễng hơn khá nhiều. Trong khi Mushi cùng đồng bọn đã chơi đủ 3 mùa Major trong hệ thống giải của Valve năm qua thì Na`vi chỉ tham dự có một, cũng như không để lại quá nhiều ấn tượng.

Thế nhưng, sự thật không thể phủ nhận là những chú thợ nhuộm đã có một màn kết thúc mùa giải theo cái cách không thể ấn tượng hơn. Vào sâu tại các giải đấu cuối năm, cũng như thể hiện một phong độ cực kỳ thuyết phục, ở 3 giải đấu gần nhất là Manila Major, ESL ONE Frankfurt và Dream League, Na`vi chỉ bị khuất phục bởi những cái tên quá tầm đối với họ như Team Liquid và OG.

Một đội tuyển khác cũng trong trường hợp giống với Fnatic là Alliance. Tuy có sa sút ở giai đoạn gần đây, nhưng không thể phủ nhận nỗ lực và cố gắng trong suốt năm qua của Loda cùng đồng đội. Chức vô địch Starladder sau khi vượt qua EG hùng mạnh ở thời điểm đó chắc chắn là một chiến công. Đó còn chưa kể tới chức vô địch WCA, sau khi vượt qua chính LGD.Gaming – đội tuyển chủ nhà và cũng là đội có một tấm vé tới thẳng Seattle mà hè này.

Chắc chắn rằng Fnatic xứng đáng có một tấm vé mời trực tiếp tham dự The International 6, và câu hỏi đặt ra là tại sao Valve phải mời 6 đội, thay vì 8 như trước. Để dọn đường cho những ông lớn như EG hay Team Secret có thêm nhiều cơ hội ở vòng loại chăng.

Chưa kể đó còn là sự mất cân bằng khu vực, khi số lượng các đội tuyển tham dự The International 6 sẽ có sự khác nhau. Bắc Mỹ chỉ có 2 suất chắc chắn, trong khi khu vực SEA có 3. Nhiều nhất vẫn là Trung Quốc và châu Âu, với lần lượt 4 và 5 slot tham dự.

Hai đội còn lại sẽ được chọn ra sau vòng Wildcard đầy bất trắc. Và lại thêm một câu hỏi nữa được đặt ra, tại sao Valve không công bằng số lượng các đội dự The International với tất cả các khu vực.

Tuy rằng điều này có thể dẫn đến một vòng loại khắc nghiệt, cùng những sự vắng mặt đáng tiếc cho các đại diện châu Âu, nhưng đó cũng là một phần của cuộc chơi, và đó là thứ sẽ đảm bảo sự cân bằng cho giải đấu này.